Đời sống

"Phụ nữ nói xấu đàn ông cũng là chuyện bình thường"

Đó là chia sẻ hóm hỉnh trong câu chuyện thú vị của cây viết trẻ Phạm Ngọc Thạch - người đã xuất bản 10 cuốn sách mà tác phẩm nào cũng thuộc hàng best seller. Mặc dù vậy Nguyễn Ngọc Thạch chưa bao giờ tự nhận mình là "nhà văn”, Thạch gọi mình là “con buôn chữ”.

"Phụ nữ nói xấu đàn ông cũng là chuyện bình thường" 1

Nguyễn Ngọc Thạch

Bút danh: Jade

Châm ngôn sống: Cuộc sống thay đổi bạn khi bạn chịu thay đổi cách sống

Tác phẩm nổi bật: Lòng dạ đàn bà, Chuyển giới, Đời callboy, Mẹ ơi con đồng tính, Một giọt đàn bà, Chênh vênh 25, Khóc giữa Sài Gòn, Sông máu….

Tình yêu - bản thân nó cũng đã là một thứ vô cùng nhân văn

Trong vòng hai năm bạn ra liên tiếp 10 cuốn sách, một con số đáng mơ ước, bạn lấy cảm hứng từ đâu để có thể viết sách liên tục như vậy?

Mình lấy cảm hứng từ con người và cuộc đời. Thỉnh thoảng đi ngoài đường, chứng kiến nhiều chuyện vui buồn khác nhau, có khi là một chiếc xe cứu thương đang kẹt giữa biển người tan tầm, nhấn còi cỡ nào cũng không nhích đi được. Có lúc thì cảnh một cậu thanh niên lưng dài vai rộng vô cây xăng kể nghèo than khổ xin mười ngàn đổ xăng rồi bị nhân viên cây xăng vạch mặt, tức quá lầm bầm chửi thề bỏ đi. Những thứ giản dị đó, bản thân chúng đã ẩn chứa nhiều câu chuyện với hàm ý sâu xa, mình chỉ có việc ngồi sâu chuỗi lại chúng để thành những câu chuyện dài mang màu sắc cá nhân mà thôi.

Vài năm trở lại đây viết sách truyện có vẻ đang là một trào lưu một xu hướng mới, tôi thấy người người ra sách, mà quanh đi quẩn lại chỉ toàn thấy sách về tình yêu? Chẳng nhẽ những người trẻ, viết sách như bạn chẳng có gì khác để nói, ngoài tình yêu?

Tôi thấy, chắc có lẽ bạn đang tự hạn hẹp hóa từ “tình yêu”. Thời nào mà người ta chẳng yêu, không yêu nhau thì nhân loại đâu phát triển được. Bản thân tình yêu lại có nhiều khía cạnh, yêu nhau có khi thành hạnh phúc, có khi thành kẻ thù, có khi thành nỗi đau, có khi là yêu xa, có khi lại là những mối tình bị ngăn cấm. Ở mỗi một loại “yêu”, đằng sau nó lại là những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như “Romeo and Juliet” rõ ràng cũng là một câu chuyện tình yêu, nhưng sau nó lại là một cuộc chiến, nói lên sự thù hằn đối đầu của xã hội thời đó. Nói cao siêu một chút thì đa phần các tác phẩm đều như một tảng băng trôi, phần nổi là tình yêu, còn sâu bên dưới là những tầng nghĩa khác. Nói vậy để bạn hiểu rằng không phải viết về những thứ vĩ đại, cao quý thì mới mang tính nhân văn, tình yêu, bản thân nó cũng đã là một thứ vô cùng nhân văn rồi.

"Phụ nữ nói xấu đàn ông cũng là chuyện bình thường" 2

Cũng bởi vì các tác giả trẻ thì toàn viết truyện tình yêu, thế nên độc giả trẻ ngày nay họ chỉ quan tâm và đam mê đọc những cuốn sách ngôn tình, trong khi đó các loại sách vở chuyên ngành thì họ lại không chịu đọc. Điều này có đúng không?

Con người thì ai cũng có quyền lựa chọn, trong mỗi hoàn cảnh nhất định chúng ta lại có những lựa chọn cho bản thân để phù hợp với hoàn cảnh đó, miễn sao mình cảm thấy hài lòng là được. Sách, ngoài chức năng mở mang tri thức nhân loại, nó còn có một chức năng rất lớn mà nhiều người hình như cố tình quên đi, đó là chức năng giải trí. Bạn nghĩ sao nếu một ngày đã phải đọc rất nhiều những cuốn sách chuyên ngành, học thuật cao sang, mệt mỏi đầu óc lắm rồi, đến khi leo lên giường, chuẩn bị đi ngủ cũng phải cầm một cuốn sách nghiên cứu nặng nề.

Tôi thì chả làm được việc như vậy đâu, tôi chỉ đơn giản cầm một cuốn sách tình yêu lãng mạn, đọc vài ba trang để tưởng tượng, ước ao rằng mình yêu và được yêu như trong truyện thì đã biết bao nhiêu. Xong rồi đi ngủ với giấc mơ đẹp đẽ đó. Với tôi, cuốn sách tình yêu đọc trong đêm đó là một cuốn sách hay và phù hợp hoàn cảnh. Vậy nên, đừng áp đặt sở thích của cá nhân lên bất kỳ ai, vì ai cũng có quyền lựa chọn những thứ phù hợp với họ.

Lựa chọn của tôi là được sống và nói lên những gì mình muốn nói

"Phụ nữ nói xấu đàn ông cũng là chuyện bình thường" 3
Nguyễn Ngọc Thạch nói rằng lựa chọn của anh là được sống và nói lên những gì mình muốn nói.

Vậy còn chuyện đồng tính, các cuốn sách của bạn đề cập rất nhiều đến đề tài này? Phải chăng vì bạn tìm thấy chính bạn trong đó?

Tôi chả thấy mình trong đó, vì tôi đang sống trong thế giới đó, thứ tôi thấy là những người như mình.

Theo bạn những người đồng tính ở Việt Nam họ đã thực sự được đối xử một cách bình đẳng và công bằng hay chưa?

Bạn đừng nói ở Việt Nam, ngay cả trên thế giới thì người đồng tính đã được đối xử bình đẳng, công bằng đâu. Mà không chỉ đồng tính nhé, ngay cả người dị tính có phải lúc nào cũng được bình đẳng, công bằng đâu. Tôi nghĩ chính xác thì phải nói người đồng tính đang bị đối xử bất bình đẳng hơn người dị tính thôi.

Trong khi có rất nhiều người đồng tính vẫn cố gắng dấu đi con người thật sự của mình, thì bạn lại công khai thừa nhận, thậm chí còn tỏ ra rất vui vẻ và hạnh phúc với giới tính thứ ba của mình, tại sao lại như vậy? 

Như đã nói ở trên, con người ta có quyền lựa chọn. Dĩ nhiên nếu với một xã hội cởi mởi, ít bất công hơn thì người ta dễ dàng sống thật hơn. Tại đất nước chúng ta, điều này chưa thể, nên vẫn còn kha khá người phải giấu đi xu hướng tính dục của họ.

Họ phải cân nhắc giữa việc sống thật với những hệ lụy từ phía gia đình hay xã hội phải đối mặt, và họ có lựa chọn cho bản thân mình. Tôi cũng vậy, tôi đặt mọi thứ lên bàn cân và nhận ra rằng, lựa chọn của tôi là được sống và nói lên những gì mình muốn nói, điều đó làm tôi thấy hạnh phúc, mà cuộc đời này có được bao lâu đâu, sống mà không vui vẻ hạnh phúc thì chán chết.

Bạn có dự định sẽ kết hôn với một người đàn ông không?

Tôi có nhu cầu có con, nhưng không có nhu cầu kết hôn.

Phụ nữ giờ còn phải giành đàn ông với... đàn ông khác

Trong cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2014, có một câu hỏi thế này “cuộc sống của ai dễ dàng hơn, phụ nữ hay nam giới?” tôi thì hỏi bạn rộng hơn, cuộc sống của ai dễ dàng hơn, đàn ông hay phụ nữ, hay là những người ở giới tính thứ ba như bạn?

Nếu là tôi, tôi trả lời rằng chả có cuộc sống của giới tính nào là dễ dàng cả. Bạn là nam hay nữ, đồng tính hay dị tính thì cũng phải cần ăn cơm để sống, cũng phải đi làm để kiếm tiền mua cơm, cũng phải có những khó khăn trở ngại trong công việc, có hóa đơn để đóng hàng tháng. Khi là đồng tính, tôi nghĩ rằng đó là một may mắn cho bản thân khi cần viết, vì tôi dung hòa được cảm xúc của cả hai phái nam lẫn nữ, nhưng đến khi cần một đứa con, lại phiền phức vì chuyện hôn nhân, giấy tờ xin con nuôi. Đàn ông thì ít bị xã hội đặt nặng chuyện phải lập gia đình, phải chăm sóc con cái, nhưng lại mang áp lực về việc làm trụ cột gia đình, kiếm tiền. Ngược lại, đàn bà cứ hễ gần ba mươi lại bị hối thúc chuyện chồng con, lấy chồng rồi thì người ta chăm chăm vào việc có chu toàn gia đình được không mà chẳng cần quan tâm lắm đến việc cô ta kiếm tiền bên ngoài thế nào. Đấy, có giới tính nào sống dễ dàng đâu. Mà này, với câu trả lời này tôi được giải Hoa hậu ứng xử không?

"Phụ nữ nói xấu đàn ông cũng là chuyện bình thường" 4
Phạm Ngọc Thạch nói rằng đàn ông cũng cần được yêu thương nhưng vì sĩ diện hão nên ít dám "vòi vĩnh" công khai.

Trên trang mạng cá nhân của mình, bạn thường viết những status thể hiện quan điểm về đàn bà phụ nữ, và luôn tỏ ra đồng cảm với họ, bạn có nghĩ rằng phụ nữ thực sự cần phải được yêu thương hơn đàn ông không?

Tôi không quan tâm lắm đến việc giới nào cần được yêu thương hơn, đàn bà cần yêu thương thì đàn ông cũng cần, chẳng qua là đàn ông bày đặt sĩ diện hão, nên ít khi nào dám vòi vĩnh công khai. Tôi viết nhiều cho đàn bà, phụ nữ vì tôi thấy mình thực lòng yêu thương và muốn chia sẻ với họ, thế thôi.

Phụ nữ hay nói xấu đàn ông, nhưng họ lại vẫn thường tranh giành một người đàn ông, bạn có thấy họ rất mâu thuẫn không?

Tôi lại thấy phụ nữ quá dễ thương đấy chứ. Thử hỏi đàn ông khi ngồi nhậu với nhau, dễ gì không lôi chuyện vợ mình ra để nói xấu, nên phụ nữ nói xấu đàn ông cũng là chuyện bình thường, mà đa phần họ đâu có nói xấu, mà toàn nói đúng về đàn ông. Còn chuyện tranh giành, cũng bình thường. Đàn ông đánh nhau giành đàn bà được, thì đàn bà cũng có thể giành đàn ông, cuộc chiến công bằng và công khai, tình trường cũng như chiến trường thôi. Chưa kể bây giờ, phụ nữ còn phải giành đàn ông với... đàn ông khác, nên cuộc chiến coi bộ còn căng thẳng hơn xưa.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,012,413       716