Chị Hoàng Thị Kim Dung – mẹ của hai bé trai sinh đôi được sinh ra từ tinh trùng người cha đã mất tâm sự: “Để có ngày hôm nay, không chỉ tôi mà cả gia đình đã phải trải qua những phút giây không dễ dàng, thật sự khó khăn, ”.
Trong căn hộ chung cư nhỏ ở khu đô thị mới Pháp Vân, Hà Nội, cuộc sống ấm áp của người mẹ có 3 con nhỏ hàng ngày vẫn đều đặn diễn ra. Ông bà nội và bà ngoại của các bé ngày ngày vẫn trông nom chăm sóc các cháu, hỗ trợ cho mẹ bé – chị Kim Dung an tâm công tác giảng dạy.
Tình yêu và tâm nguyện cuối của người chồng
Cả khu dân cư này, ai cũng đều biết đến gia đình chị Kim Dung - anh Sỹ Ngọc. Câu chuyện về tình yêu ngọt ngào của anh chị, sự ra đời trong niềm vui có, nước mắt có của hai em bé sinh đôi sinh ra từ tinh trùng của người cha đã mất 4 năm ai cũng biết, ai cũng thông cảm và khâm phục ý chí của chị Kim Dung.
Hơn 1 tuổi, bé Hồ Sỹ Hoàng Hải trộm vía rất nhanh nhẹn, đáng yêu
Ánh mắt ngây thơ, đôi môi chúm chím của hai bé sinh đôi khi nhìn ảnh cưới của bố mẹ treo đầu giường, giọng kể về bố đáng yêu của chị cả Hải Bình cho các em luôn khiến chị Dung và ông bà nghẹn ngào, thổn thức.
Trong mắt cha mẹ và gia đình, anh Hồ Sỹ Ngọc là niềm tự hào vô bờ bến, ngay từ nhỏ anh đã rất tình cảm lại thông minh, học giỏi. Anh học chuyên toán rồi đỗ Đại học Bách Khoa với điểm số cao và được chọn luôn vào lớp cử nhân tài năng để học. Chị Kim Dung là cô gái dễ thương, thông minh và cũng học giỏi không kém gì anh Ngọc
Anh chị đều sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, Nghệ An nhưng mãi đến khi học cấp 3 thì 2 người mới biết nhau. Rồi tình cờ, anh chị cùng thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội, anh học lớp cử nhân tài năng, còn chị học khối chất lượng cao. Đến năm học thứ 3, anh chị chính thức yêu nhau. Anh chị đến với nhau trong một tình yêu nên thơ với bao tình cảm, hoài bão, yêu thương, mơ ước.
Sau 3 năm yêu nhau, anh chị quyết định đi tới hôn nhân. 4 năm là vợ chồng nhưng anh chị chỉ sống chung với nhau 6 tháng. Chị đi học Tiến sĩ bên Pháp và khi hoàn thành xong khóa học, bé gái đầu của anh chị - bé Hồ Hoàng Hải Bình đã tròn 5 tháng tuổi. Kết thúc khóa học chị về làm việc tại ngôi trường mình từng theo học .
Sau khi tan làm, chị Dung lại về chăm sóc 3 đứa con nhỏ
Về Việt Nam, cuộc sống gia đình tất bật, tương lai rộng mở, gia đình đầy ắp tiếng trẻ con, rồi chẳng ai có thể lường trước được, chỉ sau vài tháng ấm êm, anh Ngọc mất sau một tai nạn giao thông đột ngột, khi đó anh chưa đầy 30 tuổi.
Nói về anh, chị nghẹn ngào tâm sự: “Dù không quá nhiều thời gian sống bên nhau, cả hai phải yêu xa để xây dựng tương lai, nền tảng gia đình nhưng tình cảm trong vợ chồng tôi luôn ấm áp. Anh là một người đàn ông ngọt ngào, là chỗ dựa, anh luôn biết chăm sóc, động viên vợ khi vợ ở xa”. Điều chị trăn trở đó chính là tâm nguyện cuối cùng của anh, anh mong muốn vợ chồng anh sẽ có thêm cậu con trai.
Hải Bình ra dáng là người chị cả, biết thay ông bà, mẹ trông hai em
Và quyết định táo bạo: làm mẹ đơn thân từ tinh trùng của người chồng đã mất
"Anh ra đi đột ngột là một cú sốc lớn nhất mà tôi đã từng phải trải qua và quyết định sinh con không hề đơn giản” đó là lời tâm sự chân thành của chị Dung. Chính những năm tháng du học ở nước ngoài, chị Hoàng Thị Kim Dung đã đọc được một cuốn truyện trong đó có chi tiết người đàn ông mất một cách đột ngột, người ta đã tìm cách vội vàng lấy tinh hoàn vùi trong đống tuyết và mang đến bệnh viện lọc tinh trùng để thụ tinh cho người vợ sinh con. Ngay sau khi chồng qua đời, chị đã gọi điện ngay sang Pháp để tham khảo ý kiến về việc lưu giữ tinh trùng. Và may mắn, chị đã liên lạc được với bác sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, và ngay sau đó, bác sĩ đã trực tiếp đến và thực hiện lưu trữ tinh trùng với sự chứng kiến của cơ quan chức năng.
Tới đầu năm 2013, sau 3 năm chịu tang chồng, khi đứa con gái đầu lòng cứng cáp hơn, chị Dung đã tới bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và đã được các bác sĩ giúp đỡ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng những ngày mang thai ốm nghén, chị vẫn không khỏi cảm giác chạnh lòng. Chị tâm sự: "Khác với bé Bình, khi tôi mang thai, tôi có anh ở bên tha hồ được quyền nhõng nhẹo nhưng lúc này tôi biết, mình cần phải cố gắng, hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn lúc nào hết. Thời gian mang thai, tôi vẫn làm việc, đi công tác liên tục nhưng may mắn được anh phù hộ nên các con trộm vía khỏe mạnh".
Cứ nhìn các cháu, bác Hồ Bính lại nhớ đến con trai
Niềm vui vỡ òa với gia đình chị khi ngày 9/12/2013, một cặp song sinh hai bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,9 kg và 2,4 kg. Cả nhà đặt tên hai bé là Hồ Sỹ Hoàng Đức, Hồ Sỹ Hoàng Hải. Sự ra đời của hai bé đã khiến nỗi đau mất mát trong gia đình chị Dung vơi đi phần nào. Nỗi đau được xoa dịu từng ngày khi hai bé lớn lên khỏe mạnh.
Nhìn cháu âu yếm, bác Hồ Bính – bố chồng của chị Kim Dung (Vinh, Nghệ An) tâm sự: "Mỗi lần nhìn thấy các cháu, tim tôi lại thắt lại, tôi nhớ đến con trai mình vô cùng”.
Bác Nguyễn Thị Thuần – mẹ chồng của chị Dung tâm sự: “Trong cả cuộc đời tôi, mất đi đứa con trai là sự mất mát lớn nhất mà tôi dù không muốn cũng phải trải qua. Nhưng tôi biết ơn con dâu mình hơn cả vì quyết định của con”. Bác nói thêm, sự ra đời của hai thiên thần giống hệt người bố đã mất khiến bất cứ ai trong gia đình như được hồi sinh thêm một lần nữa. Bác thương con dâu vì đã phải chịu nhiều áp lực từ bản thân cũng như xã hội nhưng con vẫn cương quyết, thực hiện theo tâm nguyện của người chồng. Từ ngày con dâu mang thai, bố mẹ chồng chị thu xếp công việc, khóa cửa nhà ở Vinh để ra Hà Nội chăm sóc con cháu. Bác tâm sự: “Tôi cảm ơn con dâu vì con đã quên đi tuổi trẻ, quên đi bản thân mình để thực hiện lời hẹn ước với chồng. Khi biết ý định của con, chúng tôi không cầm được nước mắt”.
Theo bà Thuần, hiện nay hai bé trai đã hơn 1 tuổi, hơn 10kg, hai bé rất ngoan, chị cả - bé Bình yêu thương hai em và biết chăm em giúp mẹ, giúp ông bà.
Hàng ngày, dù rất bận rộn với công việc giảng dạy trên khoa nhưng chị Kim Dung vẫn vui vẻ, cố gắng chăm sóc các con, cha mẹ. Hiện hai gia đình nhỏ của chị luôn rộn ràng tiếng hát bi bô của hai bé trai, tiếng cười đùa, tinh nghịch của cô con gái lớn, tiếng bà nội bà ngoại tất bật thay bỉm, pha sữa cho bé.
Nói về trường hợp của vợ chồng anh chị Sỹ Ngọc - Kim Dung, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ nhớ rất rõ. Khoảng đầu năm 2010, ông nhận được đề nghị thực hiện việc lấy và lưu trữ tinh trùng của một thanh niên trẻ mới qua đời sau một tai nạn giao thông, và người đề nghị chính là người vợ. Theo tiến sĩ Vệ, trường hợp sinh con của chị Dung về mặt kỹ thuật không có gì khó. Tuy nhiên, đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam có trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng được lấy từ người cha đã mất.