Liệu có đáng để từ bỏ tất cả và đi trên một con đường hoàn toàn mới với biết bao rủi ro tự mình phải hứng chịu?
Craig Cincotta hiện là Phó chủ tịch về thương hiệu tại Porch, một mạng lưới giúp cải thiện ngôi nhà của bạn. Craig nhận bằng MBA từ trường ĐH Washington (Mỹ) và từng làm việc cho Microsoft với chức vụ Giám đốc Marketing về mảng thể thao trước khi gia nhập Porch. Dưới đây là những chia sẻ của anh về quyết định của mình.
Vào thời gian này cách đây đúng một năm, tôi đã chính thức rời khỏi Microsoft sau 8 năm gắn bó để đi theo một hướng đi mới: tham gia dự án khởi nghiệp Porch.com, một mạng lưới giúp cải thiện ngôi nhà của bạn.
Tôi quả thực vô cùng may mắn khi được gắn bó với Microsoft trong từng đó thời gian. Từ Windows cho tới Xbox, tôi đều cảm thấy mình nhận được rất nhiều cơ hội để có thể phát triển bản thân cùng sự giúp đỡ của gần như tất cả mọi người ở đó.
Lúc đó tôi đảm nhiệm vị trí giám đốc Marketing về mảng thể thao, chuyên phụ trách các chiến dịch marketing với đối tác của Microsoft tại NFL (Giải Bóng bầu dục nhà nghề Mỹ). Bên cạnh một mức thù lao xứng đáng từ Microsoft, tôi gần như được ăn ngủ với bóng bầu dục. Là một fan trung thành của New England Patriots, có được một công việc phù hợp với sở thích cá nhân vượt quá niềm mong đợi của tôi. Do đó, tôi chẳng cảm thấy bất kỳ áp lực nào cũng như chưa bao giờ coi đó là một công việc. Có lẽ vì thế mà bạn bè thường nói đùa rằng đó là công việc “tuyệt nhất nước Mỹ”.
Dù vậy, có lẽ vì mang trong mình một tinh thần doanh nhân dám đương đầu với rủi ro, tôi luôn muốn làm được một điều gì đó mới mẻ. Khi đó công việc đang tiến triển tốt và cơ hội thăng tiến rõ ràng. Nhưng tôi luôn tự hỏi phải chăng mọi việc đã quá dễ dàng cho tôi?
Giờ đây nhìn lại, tôi hoàn toàn có thể nói rằng 1 năm vừa qua là 365 ngày tuyệt vời nhất mà tôi từng có. Việc bước chân vào giới khởi nghiệp là một quyết định hoàn toàn đúng đắn của tôi. Nếu bạn cũng đang ở trong hoàn cảnh băn khoăn giữa 2 con đường, dưới đây là những lý do tại sao việc chấp nhận những rủi ro đó là hoàn toàn xứng đáng:
1. Mọi khoảnh khắc đều quý báu
Khi bạn làm việc cho một tập đoàn lớn, mọi thứ sẽ diễn ra khá chậm. “Chúng tôi luôn ủng hộ những ý tưởng mới mẻ”, đó là câu cửa miệng của bất kỳ doanh nghiệp nào, thế nhưng để được nhìn thấy ý tưởng của bạn trở thành hiện thực ở những công ty lớn, bạn sẽ phải chờ đợi qua rất nhiều công đoạn đánh giá từ các bên hữu quan.
Còn ở startup ư? Mọi khoảnh khắc đều được tận dụng triệt để. Bạn càng làm được nhiều trong một thời gian ngắn thì con đường tới thành công sẽ càng ngắn lại. Bạn sẽ thấy ý tưởng có thể được thực thi ngay lập tức khi mọi người trong team tin tưởng bạn thay vì phải tham dự qua hàng tá cuộc họp nhàm chán và vô bổ. Bạn sẽ không còn phải nghe những lời “phàn nàn” từ những bên hữu quan khi quyết định của bạn làm giảm giá cổ phiếu của công ty một vài cent. Còn ở startup, đó là công ty của bạn, bạn ở đó để làm việc và cống hiến.
2. Bạn sẽ thấy mình giỏi đến mức nào
Thật lòng mà nói, có lẽ đây là lý do số một khiến tôi muốn rời khỏi Microsoft để khởi nghiệp. Tôi có một công việc trong mơ là thế nhưng có thật là tôi giỏi tới mức đó hay không? Liệu kỹ năng của tôi có đủ tốt hay chẳng qua tôi chỉ may mắn thành công nhờ vào những người xung quanh (ở Microsoft thì nhân tài đâu có thiếu).
Còn ở startup, bạn sẽ biết điều này ngay thôi. Bạn cam kết với những gì bạn làm và vì thế bạn cần phải tin ở nội lực của bản thân. Thành công hay thất bại đều dựa trên một nhân tố: đó chính là bạn. Nếu bạn có khả năng, kết quả công việc sẽ nói lên điều đó. Còn nếu không, những sai lầm của bạn sẽ ảnh hưởng tới tất cả người khác ngay lập tức. Tin tôi đi, ở startup, bạn chẳng cần lãng phí thời gian để biết mình tốt tới mức nào đâu.
3. Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất
Con người là yếu tố quan trọng nhất của mỗi công ty nên xây dựng văn hoá doanh nghiệp là điều không thể bỏ qua. Là một người lãnh đạo, bạn cần tận dụng mọi cơ hội để xây dựng một đội ngũ nhân viên phù hợp với những giá trị, quy tắc và tính cách mà bạn nghĩ là quan trọng. Nên nhớ rằng văn hoá doanh nghiệp sẽ gắn bó với công ty qua tất cả các giai đoạn thăng trầm của nó.
Bạn sẽ chẳng thể đạt được điều gì nếu không có sự giúp đỡ của một đội ngũ nhân sự tuyệt vời. Công ty sẽ đi lên khi nhân viên của nó phát triển theo. Với startup, bạn cần đánh cược 100% với đội ngũ này. Khi bạn có trong tay một đội ngũ phù hợp và ăn ý nhất, những người toàn tâm toàn ý về hướng phát triển của công ty và làm việc với hiệu suất trên 100%, điều kỳ diệu sẽ xảy đến. Tôi cá đó cũng là lúc bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình.
Khanh Lưu