Bất kỳ ai vào trang mạng xã hội của Anh và Cưng – cặp đôi đồng tính gốc Việt nổi tiếng ở Canada – đều cảm nhận niềm hạnh phúc tràn ngập qua những hình ảnh tình cảm và những dòng chữ yêu thương mà hai người dành cho nhau.
Anh – Nguyễn Thái Nguyên (phải), hiện đang làm việc cho Quốc hội Canada về mảng chính sách môi trường. Cưng - Đinh Công Khanh, hiện là kiến trúc sư chuyên về cơ sở hạ tầng của Bộ Nông nghiệp Canada
Hành trình tìm lại giới tính
Là con trai duy nhất của một gia đình có 3 chị gái, thời niên thiếu của Đinh Công Khanh (Cưng), sinh năm 1974 trôi qua khá êm ấm. Công Khanh cũng như bao chàng trai khác, cũng yêu thích vẻ đẹp của các cô gái, cũng có bạn gái dẫn về nhà ra mắt gia đình. Anh cũng có vài người bạn trai thân thiết nhưng cứ nghĩ đó là tình bạn trong veo và chưa bao giờ nghĩ mình có tình cảm khác biệt gì với người đồng giới.
Mãi đến khi theo gia đình xuất ngoại sang Canada năm 19 tuổi, tiếp xúc với môi trường cởi mở hơn, biết thêm nhiều thông tin về những người đồng tính, Công Khanh mới nhận ra mình thật sự thích những chàng trai hơn các cô gái. Thời điểm ấy Khanh rất sốc.“Những hiểu biết về đồng tính của tôi hồi đó là những người giả gái, tôi không thể chấp nhận hình ảnh của mình như vậy. Tôi đã đấu tranh với chính mình rất nhiều”.
Trước khi tiết lộ bí mật với gia đình về giới tính thật của mình, Công Khanh đã có thời gian sống dằn vặt, đau khổ và cô đơn
Để giấu gia đình, Khanh cố tình chuyển trường ra khỏi thành phố khác, cách xa nhà 200km để cả nhà không phát hiện. Sống trong hoàn cảnh vừa phải giấu gia đình, giấu bạn bè, giấu hết mọi người, vừa không chấp nhận chính mình đã khiến Khanh rất đau khổ. “Sống trong điều kiện như vậy rất khó vì giống như mình mặc một cái áo không vừa, rất khó chịu. Lúc nào mình cũng muốn xé toạc nó ra để sống thật với chính mình”, anh Khanh tâm sự.
Sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình trong suốt 2 năm đã khiến anh Khanh bị đè nén tinh thần dữ dội. Cuối cùng, không chịu nổi sự cô đơn và đơn độc trong hành trình tìm lại chính mình, anh Khanh quyết định chia sẻ bí mật của mình với gia đình. “Tôi nhớ lúc đó là nửa đêm, tôi mời cả nhà ra phòng khách. Đứng chần chừ mãi đến 10 phút, tôi mới bật ra “Con là gay” rồi òa lên khóc, sau đó chạy vào phòng riêng đóng cửa lại. Cả nhà lúc đó sợ tôi làm gì dại dột nên đã phá cửa phòng vào rồi cùng ôm nhau khóc”, anh Khanh bồi hồi kể lại.
Hành trình tìm lại giới tính của Nguyễn Thái Nguyên (Anh), sinh năm 1971, suôn sẻ hơn nhiều vì Nguyên sang Canada từ năm 11 tuổi. Nguyên nhận ra mình thích bạn đồng giới trong khi các chàng trai khác thì thích những cô gái, nhưng không cho rằng điều đó là đặc biệt, vì còn quá nhỏ. Khi lớn lên, vốn ham đọc sách, nên khi tìm hiểu thông tin từ thư viện, Thái Nguyên biết trên thế giới có những xu hướng tính dục khác nhau thì lúc ấy mới nhận ra “À, đồng giới chính là mình”.
Với sự ủng hộ của người bố tâm lý, hành trình tìm lại giới tính của chàng trai có vóc dáng thư sinh Thái Nguyên khá suôn sẻ
Khác với Công Khanh, Thái Nguyên chấp nhận mình ngay “Vì trong trường học lúc ấy có rất nhiều nhóm, nhóm chơi cờ, nhóm thể thao và cũng có cả nhóm phụ trách những người đồng tính, vì thế tôi gia nhập nhóm ấy. Ở đó tôi quen biết nhiều bạn bè và hiểu thêm về mình. Đọc sách nhiều tôi cũng biết cộng đồng đồng tính có một lịch sử phát triển lâu dài từ thời La Mã, vì thế tôi chấp nhận mình là người đồng giới như một thành phần thiểu số trong xã hội, cũng giống như những người thuận tay trái hay những dân tộc thiểu số ở Việt Nam vậy thôi, không có gì đáng sợ cả”.
Dù chấp nhận mình nhưng Thái Nguyên cũng phải mất vài năm mới quyết định tiết lộ giới tính thật của mình cho gia đình. Để chuẩn bị tâm lý cho bố mẹ, Nguyên đem về nhà những mẫu báo, phim ảnh có đề tài về đồng tính để xem bố mẹ phản ứng ra sao. Nào ngờ khi Nguyên tâm sự với bố thì nhận được câu trả lời: “Bố đã biết từ lâu rồi, chỉ chờ con sẵn sàng chia sẻ nữa thôi”.
Đó là câu chuyện xảy ra mười mấy năm về trước. Giờ đây khi nhớ lại quãng thời gian dằn vặt đau khổ đã qua, Công Khanh và Thái Nguyên luôn cảm thấy biết ơn vì gia đình đã luôn yêu thương và là điểm tựa tinh thần để cả hai có cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.
Cuộc gặp gỡ định mệnh và đám cưới trong mơ
Cuộc gặp gỡ giữa Thái Nguyên và Công Khanh diễn ra rất tình cờ trong một lễ hội Gay Pride ở thành phố Montreal, Canada khi cả hai vừa mới chia tay người yêu và không có ý định quen ai. Ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy Thái Nguyên, Công Khanh đã thấy trái tim mình xao xuyến nhưng chỉ kịp bắt tay chào nhau trong không khí đông đúc nhộn nhịp của lễ hội mà không nói với nhau được câu nào.
Lễ hội Gay Pride Canada là nơi đầu tiên Anh và Cưng gặp gỡ, vì thế năm nào Anh và Cưng cũng tham dự lễ hội này để kỷ niệm lần đầu gặp mặt. Trong ảnh là Anh và Cưng tại lễ hội Gay Pride 2014.
Hai tuần sau đó, Nguyên và Khanh tình cờ gặp lại nhau trên một chat room – thời ấy mọi người chỉ dùng nickname chứ chưa có hình ảnh như bây giờ – rồi nhận ra người kia chính là người đã làm tim mình thổn thức. Càng trò chuyện, cả hai càng nhận ra đối phương thú vị và hợp nhau rất nhiều điểm về gu âm nhạc, văn chương, văn hóa, quan điểm cuộc sống… Từ chat đến điện thoại rồi cuối cùng là gặp nhau, Công Khanh đã vượt 200km từ Montreal xuống Ottawa để gặp người yêu. Từ đó, cứ mỗi tuần Khanh và Nguyên lần lượt vượt hàng trăm cây số để thăm người yêu. Sau 1 năm yêu xa, Công Khanh quyết định rời gia đình, dọn về Ottaw sống chung với Thái Nguyên.
Sau 3 năm chung sống, đến đầu năm 2006, ngay sau khi chính phủ Canada vừa ban hành luật chấp nhận hôn nhân đồng tính (năm 2005), Thái Nguyên và Công Khanh ra tòa thị chính ký giấy đăng ký kết hôn, chính thức trở thành vợ chồng. Cả hai không có ý định tổ chức lễ cưới cho đến khi mẹ Công Khanh chủ động hỏi “Tụi con tính bao giờ thì cưới?”. Thế là đám cưới ấm áp của Khanh và Nguyên diễn ra vào tháng 12/2006, theo truyền thống của người Việt Nam.
Anh và Cưng ký giấy đăng ký kết hôn năm 2006
Những hình ảnh đám cưới Anh và Cưng năm 2006
Hình ảnh hai chàng trai mặc áo dài nắm tay vào bước vào lễ đường trong tiếng vỗ tay chúc phúc của bạn bè và gia đình hai họ đã lan tỏa khắp cộng đồng LGBT ở Việt Nam với niềm ngưỡng mộ. Cũng từ đó, Facebook Anh và Cưng là điểm đến của rất nhiều người đồng tính để chia sẻ những tâm sự, những nỗi niềm còn giấu kín khi chưa thể công khai giới tính của mình và cả niềm mong ước được sống cuộc sống hạnh phúc như Anh và Cưng.
Tình yêu không phân biệt giới tính
Xin chào hai anh Công Khanh và Thái Nguyên. Được biết hai anh đã yêu nhau 4 năm, cưới nhau được 8 năm nhưng lúc nào bạn bè cùng thấy hình ảnh hai anh quấn quýt bên nhau như những cặp vợ chồng son. Làm thế nào để hai anh vẫn giữ được tình yêu mặn nồng như thưở ban đầu vậy?
Cưng: Số đông rất nhiều người sau khi lập gia đình quan niệm rằng “ván đã đóng thuyền”, không cần quan trọng bản thân mình nữa. Tôi cho rằng quan điểm này không đúng. Chúng ta yêu nhau nhưng chúng ta không quên bản thân mình, đó là một khía cạnh để người bạn đời thấy mình hấp dẫn hơn.
Một khía cạnh khác là nhiều cặp đôi sau khi kết hôn thì bỏ qua luôn những hành động lãng mạn dành cho nhau. Tôi cho rằng như thế cũng là sai. Mình dành những hành động lãng mạn cho nhau là vì mình yêu nhau chứ không phải là để cưa đổ người kia. Anh và Cưng luôn dành cho nhau những giây phút lãng mạn, những ngày lễ luôn tặng quà cho nhau, luôn ăn tối cùng nhau, nếu ai đó đi công tác thì vẫn nhớ nhung và công khai thể hiện điều đó. Nếu có thời gian rảnh Anh và Cưng sẽ đi du lịch và sau mỗi chuyến đi, tình cảm của chúng tôi cũng vì thế ngày càng khắng khít hơn.
Anh: Tôi nghĩ rằng dù hai người sống chung với nhau 5 năm, 10 năm đi nữa thì mỗi người đều có những khía cạnh riêng mà đối phương có thể tìm hiểu, khám phá. Vì con người ta sẽ thay đổi theo thời gian, ở mỗi thời điểm trong cuộc sống, mỗi người đều có những thay đổi về tính cách, về suy nghĩ, về thế giới quan, nên vợ chồng cũng phải thay đổi theo để hòa hợp với người mình yêu.
Thế nhưng, đối với những cặp gia đình dị tính, khi có con cái, họ lại dành thời gian cho con nhiều hơn nên ít có cơ hội để tìm hiểu nhau thêm nữa. Vì thế, tôi nghĩ không có con cũng là một lợi thế để mình có thời gian tìm hiểu người bạn đời, luôn quan tâm đến nhau để phát hiện những điều mới mẻ của nhau. Đó là một cách để làm mới tình yêu.
Hình ảnh Anh và Cưng quấn quýt bên nhau tràn ngập trên Facebook
Chuyện tình yêu của Anh và Cưng suôn sẻ có thể là do hai anh chưa có con cái không? Vì những cặp vợ chồng có con họ thường bận rộn chăm sóc con ốm, con đau, con đi học... nên quỹ thời gian dành cho nhau cũng dần thưa thớt đi?
Cưng: Điều này đụng đến khía cạnh văn hóa và sự công bằng cho người phụ nữ Việt Nam. Tôi chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình rằng người đàn ông Việt Nam rất thiếu công bằng với phụ nữ. Đứa con là con chung, cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ lo cho con chứ không chỉ riêng người phụ nữ. Ở Canada, họ rất bình đẳng trong vấn đề này, cả bố và mẹ đều lo cho con như nhau. Rất nhiều gia đình sáng mẹ đưa con đi học, tối bố đón về, công việc phân chia rất rõ ràng. Không như nhiều gia đình Việt Nam, mọi việc chăm sóc con đều dồn cho người vợ, còn chồng tan tầm về thì ra quán nhậu hay đi đánh tennis, rất bất công cho phụ nữ.
Anh: Nhiều phụ nữ bận rộn chăm sóc con lại cũng phải đi làm, không còn dành thời gian cho mình nữa cũng mất đi vẻ đẹp thời son trẻ. Những ông chồng nhìn thấy vợ mình không còn xinh đẹp như xưa thì bắt đầu tăm tia những em tươi trẻ khác. Đó là quan điểm Anh và Cưng đã chia sẻ trước đó. Khi mình không chăm sóc bản thân mình thì hạnh phúc cũng có thể bỏ mình đi.
"Hai người yêu nhau không phải là hòa quyện với nhau mà là đi song song với nhau trong cùng một hướng. Vì thế cả hai phải luôn trao đổi với nhau để biết hướng mình đi vẫn là cùng hướng"
Rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ hình ảnh hạnh phúc của Anh và Cưng. Hai anh có thể chia sẻ bí quyết để giữ gìn gia đình hạnh phúc?
Anh: Theo quan điểm của tôi, hai người yêu nhau không phải là hòa quyện với nhau mà là đi cùng với nhau trong cùng một hướng. Vì thế cả hai phải luôn trao đổi với nhau để biết mình vẫn đang đi cùng hướng. Trong bất kỳ mọi việc, Anh và Cưng đều đặt sự tôn trọng đối phương lên hàng đầu. Cho dù nóng giận, dù cho có chiến tranh lạnh với nhau chúng tôi vẫn chưa bao giờ vượt qua ranh giới của sự tôn trọng. Để rồi sau đó cả hai ngồi xuống để cùng giải quyết mâu thuẫn. Vì thế Anh và Cưng chưa bao giờ giận nhau quá một ngày hay cãi vã căng thẳng đến mức rạn vỡ tình cảm.
Cưng: Trong cuộc sống lứa đôi, cả hai bên đều phải thoải mái thì tình cảm mới bền chặt. Nếu một bên gượng ép để chiều theo người kia nghĩa là họ đã đánh mất chính mình thì không còn gọi là hạnh phúc nữa. Chúng tôi luôn tôn trọng những giây phút riêng tư của nhau, cả hai đều có những căn phòng riêng, phòng vẽ, phòng đọc sách cho mỗi người. Anh và Cưng tôn trọng những khác biệt của nhau và luôn tạo cơ hội để mỗi người tận hưởng không gian riêng của mình khi cần. Hôn nhân đồng tính và dị tính không có gì khác biệt, điều cốt yếu nhất của hôn nhân bền vững vẫn là sự tôn trọng lẫn nhau.
"Anh và Cưng tôn trọng những khác biệt của nhau và luôn tạo cơ hội để mỗi người tận hưởng không gian riêng của mình khi cần"
Trong cuộc sống gia đình, hai anh phân chia công việc thế nào?
Anh và Cưng: Chúng tôi không có phân chia rõ ràng công việc nhà cho ai mà tùy vào “tài năng” của mỗi người (cười lớn). Thời gian đầu sống chung thì Anh nấu nướng vì Anh sống tự lập từ lâu còn Cưng sống chung với gia đình nên mọi việc nấu nướng hoàn toàn không biết. Nhưng sau một thời gian, phát hiện ra Cưng nấu ăn rất ngon nên việc bếp núc dần chuyển giao sang cho Cưng.
Đi chợ thì hai người sẽ đi chợ chung. Giặt đồ thì đã có máy giặt, chỉ có việc phải phân đồ trắng, đồ màu giặt riêng và phơi, sắp xếp quần áo thì ai thấy mình rảnh sẽ làm chứ không phân công cụ thể cho ai cả. Cứ như vậy, tối nào chúng tôi cũng ăn tối chung với nhau và nếu có ăn tối ở ngoài cùng bạn bè thì cả hai sẽ đi cùng nhau.
"Hôn nhân đồng tính và dị tính không có gì khác biệt, điều cốt yếu nhất của hôn nhân bền vững vẫn là sự tôn trọng lẫn nhau"
Anh và Cưng có nghĩ đến việc có con để có một gia đình trọn vẹn?
Anh và Cưng: Cách đây vài năm chúng tôi có nghĩ đến việc đó. Nhưng nếu xin con nuôi ở Canada thì chúng tôi sẽ có một đứa con Tây trong nhà, phải nói bằng hai loại ngôn ngữ khác nhau nên không muốn. Còn việc xin con nuôi ở Việt Nam là điều không thể vì Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới. Thế nhưng chúng tôi cũng không đặt ra mục tiêu hay kỳ vọng gì. Có con cũng hạnh phúc mà không có con cũng hạnh phúc. Mọi chuyện cứ để tự nhiên thôi.
Đa số truyền thông Việt Nam đưa hình ảnh một gia đình hạnh phúc là phải có đầy đủ bố mẹ, con cái. Điều đó không hẳn phản ánh đúng thực tế xã hội. Cấu trúc gia đình Việt Nam giờ đây rất đa dạng, ngoài những gia đình đầy đủ bố mẹ con cái còn có gia đình mẹ đơn thân, gia đình đồng tính và họ đều hạnh phúc với lựa chọn của mình, chỉ có điều hình ảnh những gia đình như vậy ít khi được tôn vinh. Chúng ta nên thay đổi quan niệm này và nên tôn trọng sự đa dạng và sự lựa chọn hạnh phúc của mỗi kiểu gia đình này.
Theo thông tin mới nhất, từ ngày 1/1/2015 Việt Nam sẽ không cấm kết hôn đồng giới. Hai anh nghĩ gì về qui định mới này?
Anh và Cưng: Theo chúng tôi biết, trước những năm 2000 luật Việt Nam không đề cập đến vấn đề đồng tính nên không có điều cấm. Năm 2000 họ thêm vào qui định cấm kết hôn đồng giới và đến nay thì lại bỏ điều này. Tuy vậy, đây cũng là một bước tiến cần có trước khi có những tiến bộ lớn lao hơn. Anh và Cưng hy vọng tương lai không xa luật pháp Việt Nam sẽ công nhận hôn nhân đồng giới để đảm bảo quyền lợi hơn cho những cặp đôi đồng tính.
Cảm ơn Anh và Cưng về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc gia đình nhỏ của hai anh sẽ luôn tràn ngập yêu thương và hạnh phúc!
(Ảnh: FBNV)