Là người từng bị chọc ghẹo trên xe buýt, nhà văn Keng góp ý về cách hạn chế quấy rối tình dục trên xe buýt.
Tôi không thích đi xe buýt Hà Nội, dù mạng lưới vận hành được chuẩn hóa và đồng bộ tốt hơn hệ thống buýt của thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không chê tài xế hay phụ xe thu vé, bởi căn bản từ văn hóa và ý thức của hành khách.
Có lần ở Hà Nội, tôi đón tuyến buýt 58 từ Yên Phụ về Phúc Yên. Không giỏi chen lấn nên khi lên xe đã kín mọi ghế ngồi dù ngay trạm đầu tiên của lộ trình. Chặng đường dài, nên tôi bước xuống phía cuối xe đứng để bớt phải va chạm với người lên xuống. Xung quanh toàn là những nam thanh niên trẻ khỏe, họ nhìn bâng quơ ra ngoài cửa kính, hoặc nhắm mắt ngủ hờ trên những chiếc ghế an nhàn. Tôi đứng bình thản.
Rất lâu sau đó xe ra khỏi Hà Nội, vào địa phận Vĩnh Phúc, vẫn không có ai nhấc mông ra khỏi ghế, bấm chuông và xuống trạm. Tôi vẫn đứng bình thản.
Xe đi thêm hơn chục cây số, tôi nghe sau lưng mình tiếng trò chuyện: “Chắc là gái miền Nam...”, rồi tiếng gọi đùa cợt: “Em ơi! Đứng lâu chắc mỏi chân rồi! Có cần anh nhường ghế cho không?”. Tôi quay đầu lại băng ghế cuối, nhìn năm sáu thanh niên đang hiếu kỳ cười cợt, không chắc họ có nhiều tuổi hơn, nhưng tôi cố giữ chất giọng Bắc nhấn nhá trả lời: “Cảm ơn các anh! Em đứng được rồi! Đối với em, ghế xe buýt chỉ nên dành cho người khuyết tật và... (chẹp)...”. Tôi chép miệng và ngừng liệt kê các đối tượng hành khách khác rồi quay mặt đi, tiếng cười đùa ngưng lại, xe vẫn yên ả lăn bánh. Tôi vẫn đứng bình thản, rất lâu, cho tới khi xuống trạm của mình.
Khi kể tình huống này cho vài người bạn nghe, họ đều bảo tôi may mà không bị đám ấy đánh hội đồng. Tôi cảm thấy chán ghét trong lòng. Những nam thanh niên tôi gặp trên chuyến xe buýt đó, họ thực sự có vấn đề. Họ thiếu nghĩa hiệp đã đành, tôi không chấp nhất. Nhưng họ giở giọng trêu ghẹo một cô gái vì cho rằng cô ta là người xứ khác, lạ nước lạ cái, chẳng hại được ai. Nếu tôi không đành hanh đáo để, hẳn họ sẽ tiếp tục chọc ghẹo, và chẳng biết một cô gái hiền lành trong tình huống đó sẽ ứng phó và chịu trận như thế nào?
Tôi luôn nghĩ mình đủ xinh đẹp để lọt vào mắt của đám đàn ông mê gái ngoài đường, nên thường ở chốn công cộng tôi hay trưng ra bộ mặt kênh kiệu khó ưa để gạt bỏ những ánh mắt khó ưa của người khác giới. Mà lỡ bị quấy rối tình dục thì tôi phản ứng rất dữ dội, trong cự ly gần có thể sẵn chân đạp ngã thủ phạm, còn không tôi sẽ chửi váng lên cho mọi người xung quanh rõ mặt tên biến thái. “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” là cách dạy dỗ phận nữ phải hiền thục chịu đựng mà tôi không thể thẩm thấu được. Cũng may, chưa lần nào tôi thực sự bị quấy rối khi đi xe buýt hết. Có lẽ vì nhìn mặt tôi không hiền.
Trước kia tôi nghĩ, trong trường hợp dư dả thời gian, tôi sẽ luôn chọn xe buýt. Nhưng nếu tôi có đủ tiền trả taxi. Ấn tượng đầu tiên là sự đông đúc chen chúc đến nghẹt thở, ở hầu hết tất cả các tuyến, thế mới tài! Ấn tượng tiếp theo là kiểu một mét vuông vài thằng ăn cắp, ví tiền và điện thoại rất dễ không cánh mà bay, thậm chí để trong túi quần jeans bó sát vẫn bị bọn móc túi xử đẹp lúc nào chẳng hay, thế mới hiểm! Ấn tượng cuối cùng là những tình huống tiếp nối và lặp lại như câu chuyện trên chuyến xe 58 tôi kể ban đầu.
Nhà văn Keng suýt bị quấy rối trong một lần đi xe buýt ở thủ đô Hà Nội
Tôi vẫn đi xe buýt ở Sài Gòn. Loại phương tiện di chuyển của đa số dân lao động nghèo chân chất thiệt thà và học sinh, sinh viên. Thành phố xe buýt màu xanh, tạp nham đủ các thể loại xe to nhỏ, đối ngược hoàn toàn với một hệ thống buýt vàng đỏ chỉn chu đồng bộ của thủ đô. Trên những chuyến xe sơn màu xanh lam xanh lá, có chuyến đông, chuyến vắng, có sự nhắc nhở nhường ghế cho những đối tượng ưu tiên, có ít kẻ hành nghề hai ngón giả làm hành khách, và có ít hơn những kẻ thiếu ý thức trong cư xử với phụ nữ.
"Tại những thành phố lớn của Indonesia và Malaysia, trên những chiếc xe buýt kềnh càng, luôn dành nửa phần trước cho riêng phụ nữ, với bảng thông báo và vài tấm chắn ngăn hờ giữa xe để tạo không gian riêng biệt"
Nếu vì mục đích chống quấy rối tình dục, tôi nghĩ xe buýt thủ đô nên học theo các quốc gia Hồi giáo. Tôi đã đi xe buýt ở tất cả các nước Đông Nam Á. Tại những thành phố lớn của Indonesia và Malaysia, trên những chiếc xe buýt kềnh càng, luôn dành nửa phần trước cho riêng phụ nữ, với bảng thông báo và vài tấm chắn ngăn hờ giữa xe để tạo không gian riêng biệt. Phụ nữ ở đó dù đã che chắn bằng khăn trùm đầu, thậm chí nhiều người còn che cả mặt, thì bước lên xe buýt họ vẫn được cách ly với nam giới, bằng ý thức tôn giáo.
Tôi mong chờ lắm một ngày trong tương lai, tất cả xe buýt ở Hà Nội có khu vực dành riêng cho phụ nữ. Khi ấy, không chỉ giảm nạn quấy rối tình dục, mà móc túi xe buýt cũng giảm, còn ý thức tôn trọng phụ nữ trong xã hội sẽ phần nào được nâng cao.