Sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ nhằm hạn chế tình trạng quấy rối tình dục trên xe. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát ngắn với một số chị em phụ nữ xung quanh vấn đề này...
Xe buýt là phương tiện giao thông quen thuộc với nhiều chị em phụ nữ
Nguyễn Lan Anh, SV trường ĐH Hà NộiMình đã từng là nạn nhân của những trò sàm sỡ trên xe buýt ngay khi là sinh viên năm thứ nhất. Thật sự là rất bức xúc và sợ hãi. Bây giờ nghĩ lại mà vẫn rùng mình. Về cơ bản, mình rất ủng hộ kế hoạch xe buýt dành riêng cho phụ nữ, như vậy từ giờ sẽ không còn lo gặp phải những tên biến thái nữa.
Nhưng chắc những chuyến xe dành riêng cho phụ nữ là tự nguyện phải không ạ? Vì nếu trong trường hợp mình đi với bạn trai hoặc người thân thì không thể lại tách riêng ra, mỗi người đi một xe được. Mình nghĩ trước khi triển khai có lẽ cần cụ thể hóa những chi tiết này để tất cả mọi người cùng biết.
Còn cá nhân mình, từ năm thứ 2 trở đi mình đã nhờ các bạn có xe máy đèo đến trường rồi, ngại đi xe buýt lắm. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải sử dụng khi cần. Những lúc như vậy, mình cố gắng tránh khung giờ cao điểm, xe đỡ đông, và cũng ít xảy ra hiện tượng như móc túi hay quấy rối.
Phạm Hồng Hạnh, SV trường ĐH Thăng Long Hà NộiLà người thường xuyên sử dụng xe buýt để di chuyển, khi đọc được thông tin có thể có xe buýt dành riêng cho phụ nữ mình rất mừng. Nhưng sau đó nghĩ lại thì băn khoăn không biết là có bất tiện không? Ví dụ như tuyến xe mình đi từ nhà trọ đến trường chẳng hạn, khoảng 15 phút/chuyến, thế nếu thêm xe dành riêng cho phụ nữ thì tần suất sẽ là bao nhiêu? Nếu ít quá thì sẽ gây ùn tắc, nhiều lên sẽ gây tắc nghẽn giao thông.
Mình cũng muốn được an toàn khi đi xe, nhưng chắc chắn mình không muốn đợi lâu quá. Nếu có xe đến mà sắp muộn giờ học, mình cũng sẽ nhảy lên thôi. Kinh nghiệm của cá nhân mình khi đi xe buýt là đứng ở chỗ nhiều các bạn gái. Nếu thấy có đối tượng khả nghi, mình luôn thể hiện thái độ gay gắt, đồng thời di chuyển ra chỗ khác. Các bạn gái đừng ngại ngần hay im lặng khi bị sàm sỡ, điều này chỉ làm cho những kẻ xấu tiếp tục tự tung tự tác.
Từ trái sang phải: Hoàng Thị Nguyệt, Bế Diệu Hoa, Phạm Hồng Hạnh Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên truyền thôngTôi cho rằng việc có xe buýt dành riêng cho phụ nữ không khả quan, gây lãng phí vì sẽ phải có đầu tư thêm về cơ sở vật chất. Thêm xe buýt dành riêng cho phụ nữ đồng nghĩa số đầu xe buýt sẽ tăng lên, nếu như trước đây tuyến này chỉ có 1 xe chạy thì giờ sẽ phải là 2. Chúng ta thử làm phép tính xem sao.
Giao thông của chúng ta vốn đã rất tệ, giờ cao điểm thì tắc nghẽn, đặc biệt ở những trục chính, giờ lại thêm xe buýt nữa thì đường đâu mà tải hết. Tôi nghĩ là cần phải xem xét kỹ kế hoạch này. Hiện tượng quấy rối tình dục trên xe buýt vốn chỉ xảy ra khi xe đông người. Nếu như chúng ta giải quyết được hiện tượng quá tải trên xe vào giờ cao điểm, chỉ đón đủ khách, xe rộng thoáng, thì chắc chắn kẻ xấu không có cơ hội ra tay.
Bế Diệu Hoa, nhân viên công tác xã hộiQuấy rối tình dục là câu chuyện xảy ra đâu chỉ riêng ở trên xe buýt. Tôi cho rằng bất cứ chỗ nào đông người và là địa điểm công cộng, phụ nữ đều có nguy cơ bị quấy rối. Vậy là chuyện xe buýt dành riêng cho phụ nữ chưa thể giải quyết được mấu chốt vấn đề. Tôi cho rằng quan trọng nhất là là phải có biện pháp giáo dục rộng rãi trong nhà trường, trong cộng đồng, nhằm tác động vào nhận thức và hành vi của mọi người, từ đó tạo nên những thay đổi cơ bản.
Các bạn gái trẻ nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị quấy rối tình dục, nếu phải sử dụng xe buýt thường xuyên thì nên chú ý đến cách ăn mặc, đừng ăn mặc sexy quá, sẽ dễ lọt vào tầm ngắm của những tên “râu xanh”. Có lẽ điều này là không công bằng với các bạn nhưng trong trường hợp này, phòng vệ vẫn là tốt nhất.
Kế hoạch triển khai xe buýt dành riêng cho phụ nữ đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người, đặc biệt là các đối tượng như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người lao động... vốn hay sử dụng phương tiện công cộng để đi lại. Tuy nhiên, việc triển khai thế nào cho hiệu quả, không gây lãng phí, bất tiện, không tạo thêm gánh nặng cho giao thông nội đô... lại là câu chuyện mà các nhà hoạch định cần phải xem xét và cân nhắc dưới nhiều góc độ.