Trong thời kỳ bao cấp, để mưu sinh, một số người đã nảy ra các ý tưởng nghề nghiệp độc đáo nhằm mưu sinh. Theo thời gian, một số nghề đã biến mất, tuy nhiên, một số khác vẫn “sống” đến ngày hôm nay.
Nghề viết thư thuê: Người làm nghề này chỉ cần có khả năng viết lách, chữ đẹp là hoàn toàn có thế sống được với nghề. Đối với những lá thư viết bằng ngoại ngữ, người viết thư sẽ nhận được thù lao cao gấp 3-5 lần.
Nghề lộn xích xe: Chủ yếu là xích xe đạp, ai có tay nghề tốt hơn thì nhận luôn lộn xích xe gắn máy. Những chiếc xích xe sau khi giãn nở ra hết cỡ thì được mang đến đây để thợ lộn xích lại. Xích sẽ được đục ra từng mắt rồi lộn các phần trong ra ngoài để “tận dụng”.
Có người dùng xe đạp với cái xích được lộn tới 3-4 lần. Ngoài ra, xe đạp của bạn có thể được các thợ sửa lại các bộ phận đã mòn cũ như cặp vỏ, nối căm, đắp dĩa líp, sên, nhông, …
Nghề nhuộm quần áo: Sau một thời gian áo quần cũ bạc được người dân mang đi nhuộm lại cho mới hơn. Nghề này hiện đã không còn đất sống trong thời kỳ mà hàng hóa vải vóc nhiều như bây giờ.
Bơm mực bút bi: Người hành nghề đặt tất cả đồ nghề trên chiếc xe đạp gồm ống tiêm, cồn tẩy mực, mực bút bi, đầu viết bi, đầu bi, ống ruột viết,… Chiếc bút bi khi hết mực sẽ được rửa sạch ruột, nếu đầu bi hỏng sẽ được thay bằng một đầu bi cũ khác nhưng có thể còn xài được. Sau đó, bơm mực vào ống ruột viết bi để dùng tiếp. Người làm nghề này thường kiêm luôn nghề “bơm quẹt ga”.
Cò: “Cò” là một nghề sống “khỏe” đến tận bây giờ. Có rất nhiều loại “cò”, như “cò cơm”, “cò xe”, “cò bệnh viện”, “cò khách sạn”, “cò giấy tờ”, “cò nhà đất”,... Có “cò” rất giàu từ nghề này, có người chỉ vừa đủ “kiếm cháo”.
Nghề bán đá cục: Thời bao cấp có cái sướng là giá điện lại rẻ nhưng xài hạn chế theo định mức số KWH theo đầu nhân khẩu. Ai có được tiêu chuẩn xài điện cơ quan hay các khu quân đội lại nảy ra ý làm nước đá cục tủ lạnh bán cho các quán cà phê. Mùa hè nóng nực, một cái tủ lạnh trong gia đình có thể đủ tiền chợ cho cả nhà.
Nghề ép than tổ ong: Nguyên liệu, chất đốt khan hiếm khiến người phải mua than cám, độn thêm mùn cưa hay trấu, rồi trộn với bùn non cho dẻo và dễ dính, xong vắt thành từng cục hoặc áp thành từng bánh hình tròn có lỗ như tổ ong. Phơi khô thành một sản phẩm đốt khá rẻ tiền và tỏa năng lượng cao, ít hao nguyên liệu.
Nhà gia đình nào đông con hoặc các quán bán cà phê, bún phở chuộng mua loại than này. Nhược điểm của loại than này là thời gian nung đỏ ban đầu khá lâu và tỏa nhiều thán khí độc hại. Nấu với loại than này phải có loại lò than đá thích hợp. Nghề này đến nay vẫn còn tồn tại.