Bốn lần sinh con là 4 lần chị Diễn đau như cắt da thịt vì các con không trọn vẹn hình hài. Đứa thì chân mềm như bún, muốn đi phải lết; đứa lại không ngồi dậy được muốn đi phải lăn.
Quần quật hơn 30 năm sau ngày cưới nhau, anh Phạm Văn Bưởi và chị Nguyễn Thị Ngọc Diễn (ở ấp Thạnh Lợi, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, Kiên Giang) vẫn nghèo. Hai năm nay, anh đưa 3 người con tật nguyền của mình ra TP Rạch Giá thuê nhà trọ để có điều kiện đưa đón trai út đến trường. Đứa gái tật nguyền còn lại ở nhà với bà ngoại.
Theo chị Diễn, vợ chồng có 6 con (2 gái) nhưng chỉ Phạm Văn Được và Phạm Văn Danh lành lặn. Bốn lần sinh còn lại chị đau như cắt da thịt vì các con không trọn vẹn hình hài.
Anh Bưởi với những đứa con giống như củ khoai.
Cách nay 29 năm, lúc mang thai Phạm Thị Bé Ba, vợ chồng chị Diễn ở nhờ nhà một người quen gần chợ ven quốc lộ 80. Hàng ngày anh Bưởi mượn ghe chèo đi mua khoai mang về cho vợ mang ra chợ bán. Khi chị sinh con, nhiều người hiếu kỳ vây kín trạm xá xã vì đứa bé đầu mềm như bọc nước, chân cuốn cong lên rốn.
Những lần thấy con vật vã, vợ chồng trẻ khóc hết nước mắt. Ban đầu anh chị còn hy vọng cứu vãn được tình trạng tật nguyền của Bé Ba nên ai bày cách nào anh chị cũng làm theo. Từ kẹp nẹp tre để uốn xương, đắp thuốc cho đến hơ lửa nhưng vô vọng. Đã 29 tuổi nhưng Bé Ba vẫn như đứa trẻ lên 3.
Lần sinh con thứ 3 chị Diễn đón nhận tin vui khi Danh lành lặn. Đến lần sinh thứ tư cách nay 24 năm, người mẹ lại bật khóc vì Phạm Thị Bích dị tật, tay chân lại uốn cong. Nhiều người thương đôi vợ chồng nghèo đã khuyên nên gửi Bích vào trung tâm từ thiện. Chị Diễn lắc đầu cho rằng núm ruột của mình dù có thế nào cũng cố gắng nuôi.
Sau lần sinh này, người đàn bà kém may mắn đi kế hoạch hóa gia đình nhưng không được do sức khỏe yếu. Hậu quả là hai năm sau lại mang bầu đứa con thứ năm Phạm Chí Công, bé sinh ra tay chân co quắp sát người.
Nhìn các con, người mẹ khóc hết nước mắt vì thấy có lỗi với những đứa trẻ mang hình hài khốn khổ do mình tạo ra. Giờ đây, Công nằm một chỗ, còn Bích muốn di chuyển phải lăn đi vì không tự ngồi được.
"Lúc nhỏ Công với Bích thường bị các bạn cùng xóm giẫm đạp lên người. Tụi nó sợ lắm nên thấy ai lại gần là lăn vào nhà trốn", chị Diễn kể.
Hoài Thương muốn di chuyển phải bò bằng tay, còn Chí Công suốt ngày nằm một chỗ.
Theo chị Diễn, sau khi sinh đứa con dị tật thứ 3, vợ chồng dặn nhau không sinh con nữa nhưng rồi lại vỡ kế hoạch. Lúc này người vợ thầm van vái trời phật cho đứa bé không giống các anh chị, nhưng Phạm Hoài Thương sinh ra lại có đôi chân như thịt thừa giống hệt Bé Ba.
Không chỉ tật nguyền, các con anh Bưởi thường xuyên đau ốm khiến gia đình cùng cực. Để có tiền lo cho anh em Bé Ba, hai vợ chồng phải cầm cố hơn chục công ruộng cho hàng xóm rồi đi gặt mướn, giăng câu, thả lưới kiếm sống.
Khi Hoài Thương lên 4, gia đình dồn hết lên chiếc ghe cũ đi làm mướn khắp nơi cho đến ngày chiếc ghe mục nát mới chịu lên bờ. Họ cất chòi trên vạt đất ven sông của vợ chồng cụ già gần công trình khai thác đá núi Trầu (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, Kiên Giang).
Ban ngày vợ chồng anh Bưởi làm phu đá, đến tối lượm đá vụn bán. Tiền kiếm được ngoài lo ăn uống, thuốc thang cho con, còn lại anh chị dành dụm gửi về quê trả nợ. Vài năm sau các điểm khai thác đá gần núi Trầu ngưng hoạt động, anh Bưởi cùng gia đình đi nơi khác. Mỗi lần như vậy, 4 đứa con tật nguyền được cho vào 4 chiếc giỏ để vợ chồng xách đi.
Năm 2011, được nhà hảo tâm hỗ trợ vốn, anh Bưởi trả hết nợ, quay về quê chuộc 3 công ruộng. Thấy thửa ruộng gần bên bỏ trống, anh thuê trồng dưa hấu nhưng gần đến ngày thu hoạch gặp trời mưa dầm khiến dưa thối trái gần hết.
Không đầu hàng, chị Diễn gom ít tiền còn lại mua heo nuôi với hy vọng thay đổi số phận. Vậy mà khi đàn heo gần chục con được 70-80 kg thì gặp bệnh tai xanh khiến gia đình trắng tay.
Bé Ba vừa bán vé số về đến phòng trọ. Cô gái 29 tuổi này không đi được nên khi di chuyển phải lắc người lết trên nền nhà.
Không muốn Hoài Thương nghỉ học vì gặp cảnh nghèo túng, con trai lớn nhất của anh Bưởi là Phạm Văn Được lên Bình Dương làm công nhân, dành dụm tiền gửi về quê giúp cha mẹ nuôi em. Còn Phạm Văn Danh ngày ngày ra đồng trồng thêm cây ớt, dây dưa trên bờ ruộng lấy trái bán nhưng cũng không đáng là bao.
"11 năm qua Hoài Thương đến trường trên đôi chân của anh và cha. Thấy con ham học nên vợ chồng tôi đưa 3 đứa tật nguyền ra Rạch Giá thuê phòng trọ sát trường THPT Nguyễn Trung Trực để anh Bưởi đưa Thương đến trường cho gần. Ban ngày chăm con, ban đêm anh phụ quán ăn được trả công 20.000 đồng", chị Diễn nói.
Mới đây chị xin được chân phụ bếp gần nhà trọ. Chủ nhật không cõng con đến trường, anh Bưởi lấy xe lăn đẩy Bé Ba ra góc chợ 30/4 bán vài chục tờ vé số rồi quay về làm cỏ thuê hoặc việc gì đó kiếm tiền, trưa quay ra chợ đón con gái.
Còn Hoài Thương chia sẻ: "Em ráng học để sau này thi vào ngành công nghệ thông tin, tìm việc làm giúp ba mẹ. Ngành này thích hợp với cảnh ngồi một chỗ của em".