Người ta bảo chợ là nơi phản ánh chân thực nhất về cuộc sống. Vì thế, muốn biết sự thay đổi chân thực nhất về nhịp sống Sài Gòn, hãy tìm đến chợ...
Dù ngày nay, những siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên như nấm thì văn hóa đi chợ truyền thống vẫn in đậm dấu ấn trong đời sống người dân Sài Gòn. Gần 4 thập kỷ kể sau ngày thống nhất đất nước, chợ Sài Gòn có gì thay đổi?
Về cơ bản, kiến trúc của những ngôi chợ nổi tiếng trăm tuổi ở Sài Gòn như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định… vẫn không có nhiều thay đổi sau bao nhiêu năm tháng. Điểm khác biệt chính là phương tiện đi lại cùng sự thay đổi đối tượng khách hàng của các chợ.
Chợ Bến Thành được khánh thành năm 1914, khi ấy người dân gọi là chợ Mới hay chợ Sài Gòn để phân biệt với chợ Cũ. Sau năm 1957, chợ đổi tến thành chợ Bến Thành, gồm 4 ô cửa và 4 tháp cổng có gắn đồng hồ nhìn ra 4 con đường trung tâm quận 1. Trong ảnh là mặt trước chợ Bến Thành do nhiếp ảnh gia John Diminis chụp năm 1961. Phương tiện di chuyển chủ yếu ngày ấy là xe đạp và xe xích lô, những người bán hàng thì quẩy gánh dập dìu trước và bên hông chợ.
Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua chợ Bến Thành đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố. Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh với các mặt hàng thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm…
Chợ Bình Tây là chợ trung tâm của khu vực Chợ Lớn, nơi có nhiều người Hoa sinh sống nhất của miền Nam trước đây. Nơi đây thu hút đa số dân mua bán chuyên nghiệp bởi phần lớn hàng hóa được bán sỉ và chuyển về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong ảnh là chợ Bình Tây được chụp năm 1965 khi ấy mặt tiền vẫn còn thoáng đẹp với kiến trúc cổ rất đặc trưng.
Ngày nay, chợ Bình Tây đã được sửa sang lại, phân khu theo ngành hàng và vẫn còn chức năng chợ đầu mối, nhưng đã vai trò đã giảm do các hãng buôn lớn đều có nhà phân phối ở các tỉnh. Chợ phát triển, các quầy hàng tấp nập, xe cộ nhộn nhịp khiến chợ mất đi vẻ đẹp hoài cổ vốn có.
Chợ Tân Định được xây năm 1926, là một trong những chợ được xem là dành cho nhà giàu Sài Gòn thời ấy, bởi giá bán thường cao hơn các chợ khác. Kiến trúc chợ từ những năm 40 đến nay không thay đổi nhiều, nhưng ngày xưa thoáng đẹp, những gian hàng rộng rãi hơn.
Ngày nay Tân Định là chợ nổi tiếng kinh doanh các loại vải rẻ nhất Sài Gòn. Chợ Tân Định nay bí lối, sạp hàng, ki-ốt, quảng cáo tứ bề. Đi bên đường Hai Bà Trưng, chẳng ai còn nhìn thấy mặt tiền được thiết kế nổi bật theo kiến trúc Pháp nữa.
Chợ An Đông nằm trên đường An Dương Vương, Q.5, có lịch sử hoạt động 56 năm. Khu chợ cũ ngày xưa được xây dựng năm 1954, qua thời gian bị hư hại nhiều. Vào năm 1990 trên nền chợ cũ mọc lên ngôi chợ mới với 5 tầng lầu khang trang. Chợ An Đông được Donald Jellema chụp năm 1967 (ảnh trên) và Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông ngày nay.
Những con đường ở chợ xưa luôn tấp nập người mua kẻ bán (Ảnh trên: con đường bên hông Chợ Lớn năm 1966). Ngày nay, bên cạnh những quầy hàng tất bật, người đi chợ phải chịu cảnh đồng hàng cùng hàng xe cộ chật chội (Ảnh dưới: con đường vào chợ Xóm Củi, Q.8)
Bên cạnh những ngôi chợ được lưu giữ trong nhiều thập kỷ, hòa cùng nhịp phát triển của Sài Gòn, nhiều ngôi chợ đã biến mất nhường chỗ cho những công trình mới khang trang, hiện đại.
Từ khoảng năm 1947, khi chợ Cầu Muối hình thành thì chợ Cầu Ông Lãnh chia thành 3 khu vực. Khu vực các vựa bán trái cây nằm từ chân câu Ông Lãnh đến đầu đường Yersin, khu vực bán cá (chợ cá) từ đầu đường Yersin đến chân cầu Calmette. Khu vực bán tạp hóa gọi là Chợ Cháy, nằm đối diện với chợ trái cây. Hàng hóa từ các nơi về chợ Cầu Ông Lãnh bằng ghe thuyền. Những chiếc ghe chở trái cây đầy ắp từ miền Tây nam Bộ chở lên cập bến chợ Cầu Ông Lãnh luôn tấp nập.
Ngày 13/4/1999, chợ Cầu Ông Lãnh cháy rụi. Tất cả tiểu thương ở chợ phải chuyển sang buôn bán ở chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền (Bình Chánh) và chợ đầu mối trái cây Tân Xuân (Hóc Môn) từ 23/10/2003. Ngày nay, ở địa điểm tụ tập chợ Cầu Ông Lãnh xưa là cây cầu 3 làn xe nối liền khu vực Q.1 và Q.4. Những mảnh đời nghèo khổ từ lâu sống bám vào bờ rạch Bến Nghé, dọc chợ Cầu Ông Lãnh cũng phải chuyển đi trả lại mỹ quan cho đại lộ Đông Tây. Dấu ấn của khu chợ tấp nập xưa chỉ còn là những quầy hàng nhỏ lẻ dọc hai bên đường Nguyễn Thái Học và Cô Bắc.
Sài Gòn thập niên 1960 – 1970 có đầy những khu chợ đen (chợ trời) trên đường Tôn Thất Đạm, Lê Lợi chuyên bán những mặt hàng giảm giá của Mỹ như thuốc lá, rượu, đồ hộp…
Ngày nay những khu chợ đen ấy không còn nữa. Người dân Sài Gòn và du khách nước ngoài thỉnh thoảng vẫn đi tìm những món đồ Mỹ ngày xưa ở vài quầy hàng lưu niệm trong chợ Dân Sinh.
Nếu như về kiến trúc chợ Sài Gòn xưa nay không có nhiều thay đổi thì sự biến đổi ở những sạp hàng ở chợ mới chính là điểm khác biệt lớn nhất. Thay cho những sạp hàng ngồi sệt đất và bày bán lộ thiên, những sạp hàng ngày nay được nâng cao, bày biện đẹp mắt và chuyên nghiệp hơn xưa.
Một khu bán gà ở chợ An Đông năm 1956, những con gà được nhốt vào lồng và đem ra chợ bán (ảnh trên). Ngày nay, gà được làm sẵn sạch sẽ, người mua chỉ việc mua về và chế biến.
Một quầy trái cây năm 1970 (ảnh trên) và năm 2014 ở chợ An Đông
Một sạp bán hành ở chợ do nhiếp ảnh Donald Jellema chụp năm 1967 (ảnh trên) với chiếc cân đĩa với những quả cân 2 lạng, 5 lạng, 1kg, 5kg…Ngày nay, người bán hàng thường dùng cân điện tử tiện lợi hơn (ảnh dưới)
Một khu bán cá năm 1965 (ảnh trên) và năm 2014 ở chợ Xóm Củi
Một quầy bán thịt năm 1966 (ảnh trên, Marilyn Rita Silverstone) và năm 2014
Một quán hủ tiếu người Hoa trong Chợ Lớn năm 1961 (ảnh trên, John Dominis) và năm 2014.
Bên cạnh những khu bán sành sứ như xưa (ảnh trên, chụp năm 1956), chợ nay xuất hiện rất nhiều khu bán đồ nhựa.
Một quầy hàng ăn ở chợ năm 1961 (ảnh trên, John Dominis) và năm 2014.
Năm 1971, Sài Gòn đã có vài siêu thị, có một cái nằm trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8) nhưng siêu thị lúc đó chỉ là cửa hàng chủ yếu là thức ăn, một ít đồ gia dụng. Phương thức mua bán giống như cửa hàng tự chọn ngày nay. Trước 1975 cũng có một siêu thị Nguyễn Du nằm trên đường Chu Mạnh Trinh – Nguyễn Du (vị trí Tổng Công ty lương thực Miền Nam ngày nay) đây là siêu thị đầu tiên của Sài Gòn quy mô khá lớn, trong đó cũng có máy lạnh, hàng hóa rất phong phú .
Bên trong siêu thị Nguyễn Du năm 1971. Ngày xưa, siêu thị không phải là nơi ai cũng vào được, khách hàng phải có thẻ công chức, những người ăn lương nhà nước.
Ngày nay, siêu thị là nơi dành cho tất cả mọi người. Với ánh đèn điện sáng choang, những lối đi mát rượi, sạch sẽ và có vô số quầy hàng trưng bày phong phú, siêu thị trở thành điểm đến của nhiều bà nội trợ hiện đại.