Đời sống

Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà

9 năm sống chung với căn bệnh ung thư máu quái ác, anh Đặng Văn Tư (35 tuổi, quê Lâm Lợi, Hạ Hòa, Phú Thọ) vẫn lạc quan sống, mưu sinh và lo lắng cho vợ con.

Từng muốn buông xuôi...
Dù là người rất lạc quan nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, vợ chồng anh Đặng Văn Tư và chị Lê Thị Thơm lại trùng xuống, với anh chị đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời hai người dù muốn hay không đã phải trải qua. 
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 1
Không nhiều khách hàng biết sau tính cách vui vẻ, hóm hỉnh, anh Tư mang trong mình căn bệnh ung thư máu
Anh chị xuất thân là những người nông dân chất phác của miền quê nghèo Phú Thọ, ngoài ruộng lúa phì nhiêu, anh chị còn có một cái ao đầy những chú cá béo. Anh bảo: “Hai vợ chồng lúc đó có cậu con nhỏ mới chào đời, dù có khó khăn nhưng cuộc sống với anh vậy là tạm đủ, không lo vợ thiếu ăn, con thiếu sữa”.
Cuộc sống cứ thế trôi qua tới một ngày giữa năm 2005, anh cứ làm việc nặng là lại chóng mặt, buồn  nôn, khó thở. Vợ bảo đi khám anh cương quyết: “thanh niên chưa đầy 30 tuổi sao mà bệnh được”. Đến một ngày, anh thấy bụng bị trướng rất to, lúc này mới đi khám tại bệnh viện xã, nhưng những hình ảnh siêu âm không thu được vì gan, lá lách của anh bị phình to che hết. Khi được chỉ định lên tuyến cao hơn thì những xét nghiệm về máu cho thấy anh có bệnh lý và các bác sĩ chỉ định anh lên bệnh viện Bạch Mai để điều trị. 
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 2
Quán ăn của anh lúc nào cũng đông khách, anh bận bịu luôn tay luôn chân từ sáng tới tối mịt. 
Khi lên đến Bạch Mai, cảm giác như ngã gục khi biết tin anh Tư bị bệnh ung thư máu – căn bệnh mà anh chị chỉ biết trên phim ảnh. Cả vùng quê nghèo xáo động bởi người đàn ông trẻ tuổi có vợ dại con thơ bị mắc căn bệnh oan nghiệt, hiếm gặp.
Chị Thơm chia sẻ: “Lúc đó, tôi không tin nổi sao chồng mình lại mắc căn bệnh này, liệu có một sự nhầm lẫn nào đang xảy ra không? Tôi bị suy sụp cả một quãng thời gian dài vì tin dữ này”.
Rồi những lần anh liên tục ngất xỉu, bụng phình to lên, môi thâm xì nhợt nhạt, chị hiểu dần ra, những kết quả đó không nhầm. Anh Tư nghẹn ngào nhớ lại những ngày tháng chán chường nhất của cuộc đời mình: “Suốt một thời gian dài tôi không ngủ được giấc dài, những hình ảnh vợ con cứ hiện lên trong đầu, tôi không biết họ sẽ sống sao khi thiếu tôi? Nghĩ tới đứa con mới đỏ hỏn mà tôi – một người đàn ông cứng rắn cũng phải ứa nước mắt như một đứa trẻ. Tôi suy sụp 1, vợ suy sụp 10, chính tôi cũng có lúc đã định buông xuôi”…
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 3
Căn nhà dựng tạm đối diện bệnh viện Huyết học là nơi vợ chồng anh Tư - chị Thơm ngày đêm làm việc. Số tiền làm ra cũng gọi là đủ để trang trải sinh hoạt phí cho hai vợ chồng và tiền khám bệnh của anh Tư

Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 4
Anh bảo, để thực hiện một ca phẫu thuật thay tủy hiện giờ "cứng" phải 300 triệu, chưa kể tới những phụ phí khác và đó là con số quá lớn với sức của vợ chồng anh, không chỉ vậy ca phẫu thuật không đảm bảo anh sẽ qua khỏi... nên anh cứ xác định "làm đến đâu rồi tính đến đó". 
Mưu sinh và đấu tranh với bệnh tật
Nhìn vợ trẻ, con thơ, anh quyết định “mình phải dứt khoát với bi lụy, mình phải quyết tâm sống tốt với quỹ thời gian của mình”. Anh khăn gói quả mướp lên đường chữa bệnh. 
Suốt một thời gian dài anh phải điều trị nội trú, bao ngày anh quặn lòng nhìn vợ tất tả bỏ cha mẹ già, bỏ con khát sữa lên chăm chồng. Biết bao lần hai vợ chồng cầm tay nhau ra đứng gầm cầu thang khóc. 
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 5
Bắt đầu 1 ngày mới của anh lúc 4h sáng, anh sẽ dắt xe đi chợ mua thịt ngon, rau tươi để về chế biến cùng vợ
Hết thời gian nội trú, anh Tư được điều trị ngoại trú, cứ mỗi tháng anh lại vào viện 4 lần để điều trị hóa chất và truyền máu. Bao khoản tiền viện phí khiến kinh tế trong nhà anh bị khánh kiệt, để tiết kiệm anh chị nhiều lần đắp nilon dựa vào xe ngủ ngoài đường chứ không thuê trọ để chờ tới sáng hôm sau vào viện tiếp. 
Rồi biết bao lần lượng bạch cầu trong anh quá cao, anh phải nằm viện dài ngày. Thấy sự đi lại của anh chị bất tiện, nhiều anh em, bạn bè, gia đình gợi ý, động viên anh chị mở quán ăn coi như vừa mưu sinh vừa chữa bệnh, tiêu chí là bán đồ ăn rẻ vì “Họ cũng như mình thôi, ai cũng mang bệnh, đa số là người từ nông thôn nghèo... lấy đâu ra tiền” 
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 6
Dù vất vả nhưng anh chị vẫn luôn tươi vui.
Sau một thời gian cân nhắc, anh chị quyết định mở quán ăn đối diện bệnh viện Huyết học để tiện chữa bệnh, và có thêm thu nhập. Quán ăn bình dân của vợ chồng anh nằm trên mảnh đất chưa đầy 20 m2, vừa là nơi bán hàng, vừa là nơi nghỉ ngơi của hai vợ chồng. Riêng tiền thuê đất đã mất 7 triệu/tháng, thuốc thang mỗi tháng khoảng 3-5 triệu. Tiền lãi của quán ăn cũng gọi tạm đủ cho sinh hoạt hàng ngày của hai vợ chồng.
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 7
Từ ngày biết anh bị bệnh, chị luôn ở cạnh, săn sóc cho anh
Sống chung với tử thần, biết bao ngày lượng bạch cầu trong máu của anh tăng lên nhiều hơn khiến anh bị đau đầu, chóng mặt, ăn gì cũng nôn, nước da lại đen xạm đi qua những lần truyền hóa chất, uống hóa chất khô, nhưng dù mệt mỏi là vậy, anh vẫn cần mẫn giấu vợ dậy từ 4 giờ  sáng để ra chợ đầu mối mua thực phẩm nấu ăn cho khách. Anh lựa những miếng thịt tươi ngon, mua thêm các loại rau sống, gia vị cho một ngày bán hàng mới. Về đến quán thì chị Thơm, vợ anh cũng dậy từ lúc nào. Hai vợ chồng luôn tay luôn chân người nhặt rau, người thái thịt chờ tới giờ phục vụ thực khách. Dù mệt mỏi vì bệnh tật, nhưng không lúc nào hai vợ chồng không dành cho nhau những nụ cười động viên nhau. 
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 8
Có những đợt điều trị anh phải nằm trong viện, một mình chị lo toan, chị Thơm chia sẻ: "Thương lắm, dù phải nằm viện nhưng cứ sáng sớm anh lại lục đục đi chợ, khi nào cần tiêm truyền anh mới vào viện"...
Quán phở gà, bún chả, bánh cuốn nóng của anh chị ngoài là hàng ăn, nó trở thành một địa điểm những người đồng cảnh ngộ đến gặp giao lưu và động viên nhau. 
Anh Bắc – người nhà của một bệnh nhân cùng phòng với anh Tư đang điều trị ở Viện Huyết học cho biết: "Trước cổng viện có rất nhiều hàng ăn nhưng riêng quán chú Tư là rẻ và ngon hơn cả. Nhà tôi thường ăn ở quán này, cũng tiết kiệm được một khoản khá khá hàng tháng. Đồng cảnh ngộ nên những khi bi quan tôi hay tìm đến anh để chia sẻ, xin kinh nghiệm".
Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 9
Da mặt anh ngày càng sạm đen vì những đợt truyền hóa chất trong viện nhưng anh vẫn chiến đấu không ngừng nghỉ với căn bệnh nan y và lạc quan sống.

Trước khi đi xa, tôi mong vợ con có một mái nhà 10

Nhìn tấm gương của anh Tư hồ hởi với khát vọng sống và lao động hăng say với công việc của chính mình, có thể nhiều người sẽ thôi than vãn vì những nỗi buồn vặt vãnh hàng ngày.
Anh bày tỏ nguyện vọng rất chính đáng của mình: "Tôi chỉ mong trước khi đi xa, vợ con có một mái nhà. Còn giờ đây sống ngày nào tôi sẽ vui ngày ấy"

aFamily

      © 2021 FAP
        4,317,182       272