Ở xóm Bát, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình, gia đình bà Đinh Thị Chó "nổi" lên trong làng bởi ba thế hệ đều có những tên xấu và khó đọc.
Bà Đinh Thị Chó quây quần bên các cháu
Mặc cảm vì mang tên một loài... động vật
Từ sau ngày xuất giá, theo phong tục của làng, bà Bùi Thị Chó (xóm Bát, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) mang họ chồng và đổi thành Đinh Thị Chó.
Sinh ra trong gia đình có 6 người con nhưng chỉ có mình bà mang tên loài động vật. Ở tuổi 74, mặc dù được gọi theo tên con cả nhưng bà Chó vẫn không khỏi “mặc cảm” khi có ai đó hỏi về tên mình.
Nghe tiếng chó sủa vang dưới sân nhà, anh Đinh Công Ục (con trai thứ ba của bà Chó) chạy vội xuống. Thấy chúng tôi hỏi thăm: “Anh ơi đây có phải nhà bà Chó không ạ?”, anh Ục khẽ cười, gật đầu.
Bà Chó vẫn ngồi lặng yên bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn của contrai thứ ba. Xung quanh bà, hơn 10 đứa cháu đang nghịch chơi. Thấy chúng tôi ướt nhẻm bởi cơn mưa đầu đông, bà mời chúng tôi ngồi sưởi ấm cùng.
Câu chuyện bỗng chốc trở nên thân thiện với những lời hỏi thăm.
Bà chia sẻ:“Ngày xưa bố mẹ đặt tên con xấu để không bị ma bắt và dễ sống, không bị bệnh tật. Anh em của tôi cũng có những cái tên chẳng “mĩ miều” gì đâu. Người tên Nịa, tên Tứa, người là Nhắc… Nhưng họ về trời hết rồi và chỉ mình tôi được đặt tên một loài động vật nuôi trong nhà".
"Ở địa phương cũng có nhiều người mang tên“động vật” lắm, nào làTrâu, làMèo,là Cú… Vì vậy không sao cả”,bà Chó nói.
Sau câu “không sao cả”, bà Chó lại ngồi trầm ngâm soi bóng mình trong ánh lửa. Vẫn giữ cho mình sự kín kẽ trong câu chuyện về cái tên, bà nói: “Chưa khi nào tôi bị mang ra so sánh với vật nuôi trong nhà, thậm chí cũng không có ai gọi tên “cúng cơm” của tôi.
Gần 10 người con, 54 cháu chắt nhưng đứa nào cũng quý tôi. Hôm qua tôi lên ủy ban nhân dân xã làm chứng minh nhân dân, các cháu ở đó còn nhường ghế để tôi ngồi. Họ còn hỏi vì sao tôi đi có một mình.Nói thật, bằng này tuổi rồi nhưng tôi vẫn đi làm ruộng chứ việc đi bộ lên ủy ban có thấm vào đâu. Ai cũng quý tôi lắm, họ không vì cái tên mà xa lánh tôi đâu”.
Ngôi nhà sàn bà sống cùng người con trai thứ ba
Thế nhưng tuổi thơ của bà Chó cũng đã từng không ít lần chứng kiến cảnh bạn bè, người xung quanh mím môi quay đi để giấu tiếng cười khi nghe tên bà. Dần dần, bà cũng ý thức được sự khác biệt trong cái tên của mình. Và giờ đã ở tuổi 74, bà càng ý thức rõ hơn điều ấy.
“Ngày xưa bố mẹ đặt tên như thế nào con cái phải nghe thế chứ có thắc mắc gì đâu. Mà cũng không dám thắc mắc.
Khi đi học bổ túc, cũng chỉ mình mình có cái tên “khác người” này. Cô giáo gọi “Chó lên bảng”, ở dưới cũng có những tiếng cười. Giờ mọi người gọi tên tôi theo tên con cả, trong bữa cơm hay bất cứ chỗ nào có mặt tôi và vật nuôi ở đó, ai cũng đều tránh nhắc tới tên Chó.
Nhưng cái tên này cũng đã in sâu trong kí ức từng người rồi. Nói thế, khách tới nhà mà hỏi “con chó nhà bà tên gì?”, tôi biết họ chỉ vô tình thôi nên cũng không chạnh lòng gì đâu.
Kể cả ông nhà tôi ngày trước cũng không khi nào thấy xấu hổ vì tên của vợ. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn tên này đấy”,bà Chó tâm sự.
Thế hệ cận kề cũng mang tên… xấu và khó đọc
Phía bên gian ngoài nhà, hai chị em Đinh Thị Quê và Đinh Công Ục (con trai, con gái bà Chó) cũng đang tủm tỉm cười trước câu chuyện về cái tên. Anh Ục nói vui:
“Tên của tôi cũng xấu không kém. Tôi bị bệnh từ nhỏ, bố mẹ đều tưởng không sống được nên đặt tên là Ục để đuổi ma, đuổi tà. Ở đây cái điếu cày còn gọi là điếu ục nên đi đâu mọi người cũng thêm cho tôi chữ điếu ở trước cái tên. Trước cũng xấu hổ về tên của mình nhưng nghe dần thành quen.Tên của mẹ tôi cũng thế, mới đầu nghe thì sợ sợ nhưng cũng không sao cả. Quát vật nuôi trong nhà, tôi cũng phải tránh nhắc tới tên “cúng cơm” của mẹ đấy”.
Những tưởng tên bà, tên bố đã từng gây “sóng gió” và trở thành chuyện tán gẫu của nhiều người thì đời con, cháu tên sẽ đẹp và dễ gọi hơn. Nhưng khi hỏi thăm về lớp kế cận của mình, anh Ục chỉ cười.
Những đứa cháu đứng xung quanh cũng bặm môi để tiếng cười không phát ra.
Anh Đinh Công Ục cũng từng "buồn" vì cái tên xấu của mình nhưng lâu rồi câu chuyện cũng thành quen
Một bé gái lên tiếng: “Anh Bân, chị Bương, anh Ượng…”, nói rồi chúng lại khúc khích và quay mặt sang hướng khác.
Giải thích về thế hệ 9X với cái tên khó đọc, anh Ục chỉ thầm thì: “Cũng không biết nữa”. Rồi anh im lặng.
Thấy câu chuyện gián đoạn bởi sự im lặng ấy, chị Quê ngồi sát đó tiết lộ: “Con trai tôi 25 tuổi cũng đặt tên là Trâu. Lúc sinh nó, tôi sinh ngay ngoài sân không kịp lên nhà nên đặt tên như thế. Không ngờ giờ nó cũng to và đen như con trâu vậy.
Nhiều lần nó đi học về cũng về trách mẹ vì cái tên bị bạn bè trêu chọc, nhưng lâu dần tôi không nghe con nhắc tới chuyện đó nữa. Thậm chí có lần tôi còn gọi: “Trâu ơi dắt trâu đi cày”, gọi xong hai mẹ con cùng cười. Nhà tôi tên con cũng chẳng đẹp đâu: Chực, Trâu, Lâm, Lơ. Đặt thế để ma nó không bắt”.
Chia sẻ với chúng tôi về những cái tên “độc” của làng, anh Đinh Công Ẻo (trưởng xóm Bát) cho hay: Ở xóm thế hệ 4X trở về trước hay đặt tên xấu như Chó, Mèo, Bắn, Cú… để ma không bắt hay ít ốm đau. Đó như phong tục của người Mường ở trên xứ này. Còn thế hệ 8X chúng tôi, những tên xấu như thế rất ít.
Nói rồi, anh Ẻo cười để bắt đầu cho câu chuyện về cái tên cũng thuộc loại“độc nhất Hòa Bình” của mình…