Còn trẻ, còn tự do tung tăng, chẳng ai nghĩ đến việc một ngày đẹp trời, mẹ thân yêu bỗng chốc gọi điện “tối ở nhà đừng có đi đâu đấy, nhà có khách". Vậy là biết rồi, lại có “mối” nào đây…
Tuổi 19, 20 các nàng định nghĩa về gái ế cũng chỉ là việc chưa có nổi một anh người yêu, hay đơn giản chỉ là thấy các bạn có người yêu, mình không có cũng thấy lo lo, cũng thấy không được bằng bạn bằng bè. Kêu ế ầm ĩ đấy, nhưng chẳng sợ lắm đâu, kêu giả vờ ý mà, còn trẻ – phía trước có mà đầy – lo gì. Nhưng đến khi, bước qua cái tuổi 23, 24 chẳng cần người khác chê ế, tự bản thân các nàng sẽ lo lắng sợ hãi, có lẽ nào mình ế thật? Khi mà xung quanh, bạn bè cùng trang lứa, hầu hết đã có người yêu, có người còn chuẩn bị lấy chồng. Thì lúc này, các cô nàng đang FA cũng… chột dạ phết đấy.
Suốt ngày "được" mai mối
Khi còn trẻ, còn tự do tung tăng, chẳng ai nghĩ đến việc một ngày đẹp trời, mẹ thân yêu bỗng chốc gọi điện "tối ở nhà nhé, đừng có đi đâu đấy, nhà có khách". Vậy là biết rồi, lại có mối nào đây. Lần đầu còn biết nghe lời, dần dà, nào là trốn, nào là cáo bận, nào là đủ lí do được các nàng đưa ra để không phải gặp mặt đối tượng. Hết bố mẹ lo lại đến bạn bè, ai cũng lo, cũng sốt ruột hộ. Tất nhiên cũng biết một điều rằng, con gái chỉ cần bước qua tuổi 24 là bố mẹ đã bắt đầu lo thật đấy nhưng vẫn khó chịu vì cảm thấy mình trở thành món hàng “rớt giá”.
Có "bom nổ chậm" trong nhà, bố lo 1, mẹ phải lo 100. Nếu thấy mọi người hỏi cô con gái: “thế cuối năm có cho bác ăn kẹo không đấy”, mẹ già ra vẻ biết ý: “thôi đừng hỏi, không nó lại lên cơn điên, mất cả vui". Rồi bạn bè nữa, suốt ngày điệp khúc “ mày yêu đi còn chờ gì nữa, định ở vậy à?”. Thế đấy, các nàng luôn phải chịu những áp lực vô hình và có hình, mệt mỏi thật và đương nhiên mặt lúc nào hầm hè đầy khó chịu.
Tự dưng mất tự tin, ngại tụ tập bạn bè
Dần dà, các cô bạn trong nhóm “theo chồng bỏ cuộc chơi”, vậy là những lần tụ tập bạn bè chủ đề thường xuyên và quen thuộc được nói đến sẽ là chuyện chăm con, chuyện chồng, chuyện mẹ chồng... Ôi thôi, các nàng đang còn chưa người yêu, chưa chồng kiểu bị lệch sóng, chỉ biết ngồi ậm ừ cười trừ sau khi “chém” hết một đống lý thuyết tham khảo trên mạng mà hoàn toàn không có trải nghiệm thực tế. Cô bạn thân biết ý, ghé tai "thôi, xem có anh nào ưng ưng thì quyết đi, không sang năm sóng bắt không kịp đâu". Đấy, cứ thế bảo sao đôi lúc cũng chạnh lòng, đôi lúc cũng cảm thấy mất tự tin.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều nàng ngại đi tụ tập bạn bè bởi sợ… phải nghe nhiều về chuyện yêu đương, chồng con. Và lẽ đương nhiên, tần suất gặp mặt với hội FA sẽ tăng vọt vì một lẽ - chúng mình cùng hội cùng thuyền mà.
Cứ giục đi, vội vàng lựa chọn chắc gì đã đúng?
Mọi người vẫn bảo dưới 25 tuổi vẫn còn được chọn chồng chứ quá cái tầm này thì chả còn cái quyền đấy đâu. Các nàng nghe mà hãi. Có người lại ví von: lấy chồng chẳng khác nào đi chợ. Chợ sớm thì được hàng tươi ngon, chợ chiều thì... Không chỉ thế, “gái già” được ví như quạt điện giữa mùa đông, để đâu cũng thấy không hợp, ngay cả bố mẹ cũng chê mình chiếm chỗ trong nhà nữa kia mà. Vậy nên, nhiều nàng vội vội vàng vàng “cọc đi tìm trâu, dẫn đến những chuyện bi hài.
Nhưng các nàng à, chọn người sống với mình cả đời đâu phải chuyện đơn giản. Ngoài kia có biết bao trường hợp hôn nhân không hạnh phúc kìa, vậy nên: phải chọn phải chọn, chậm nhưng phải chắc!
“Gái già” nhạy cảm lắm, dễ bị stress nữa
Các cụ vẫn bảo, lấy chồng là do cái duyên cái số, có ép cũng chẳng được, yên tâm rồi cũng tìm được người hợp với mình. Nhưng các cụ cũng bảo, cơ hội mất đi khó lấy lại được, không quyết nhanh có khi ế cả đời. Thế là đau đầu, không biết thế nào đúng thế nào sai. Đôi khi lại lo lắng, lại suy nghĩ. Nên xác định - stress là lẽ đương nhiên.
Tuy vậy, càng những lúc thế này, tinh thần lạc quan của các nàng càng nên được phát huy hết sức. Đừng nên tự làm làm khó mình làm gì. Cái gì đến sẽ đến, cứ từ từ, không phải vội, vẫn “đầu 2” - đang còn xuân chán, sao phải xoắn!