0g10 đêm 15-11, một câu chửi thề đáng sợ (xin miễn ghi) kèm tiếng thét chói tai vang lên ở một quán ốc tại đại lộ mới Phạm Văn Đồng: “(…) Mẹ con tao lượm rác cả ngày không đủ cho mày ngồi đây”.
Không quán nào không chật cứng khách trong đêm cuối tuần 15-11 - Ảnh: TIẾN LONG
Một hình ảnh khá "lạ" trên cung đường nhậu Phạm Văn Đồng so với quán nhậu nơi khác: nhiều bàn nhậu có cả các khách hàng nhí đi theo cha mẹ, anh chị - Ảnh: TIẾN LONG
Hàng trăm quán, quán nào cũng tấp nập - Ảnh: C.M.C - Đồ họa: VIỆT THÁI
Bàn nhậu “dừng hình” vài giây. Một người đàn ông tuổi băm sần sần đứng lên, chửi thề đáp trả và có vẻ muốn đi "túy quyền"với kẻ hỗn xược dámphá rối cuộc vui. May mà anh em trong bàn nhậu chặn lại: “Thôi ông về sớm mai đi làm cho bả khỏi nói”.
Một vị khách bàn bên bảo nhỏ chúng tôi: “Vợ lượm rác bên khu Sở Thùng, chồng chạy xe ôm nhưng thằng chồng ra đây uống bia tuần mấy lần, không đưa tiền về, con vợ cự hoài”.
Thì ra là chuyên nội bộ. Bình thường thôi giữa muôn ngàn câu chuyện mỗi đêm, trên một quãng đường có thể nói là cung đường nhậu “khủng” nhất cả nước hiện nay: đại lộ Phạm Văn Đồng, đoạn từ bùng binh công viên Gia Định đến cầu Bình Lợi.
Tà lỏn vô "cờ lúp", váy hiệu bệt vỉa hè
“Chuyện nhỏ thôi - như một nhân viên quán H.đầu đường Phạm Văn Đồng thản nhiên bảokhi chúng tôi trố mắt ngạc nhiên chứng kiến lúc 0g ngày14-11hai người đàn ông U50 mặc… tà lỏn rời quán lảo đảo chở nhau về trên chiếc Wave cũ -Coi vậy chớ tánh tình trẻ lắm đó”.
Thì ai dám bảo hai vị khách trên không trẻ khi hồn nhiên vào một quán bia kiểu thời thượng nhất Sài Gòn hiện nay: beer club.
Dì Sáu H., cư dân phường 1, Gò Vấp, bảo: “Tui dân cố cựu, chưa bao giờ thấy khu này lạ như giờ, ra đường có khi tui tưởng mình đang ở đâu đâu”.
Đúng là cung đường vành đai, giờ mangtên đại lộ Phạm Văn Đồng thay đổi khiến ai chỉ đi qua lúc nó thông xe gần tết năm trước giờ đi lại đều không hình dungnổi.
Chưa đầy một năm, đườngđã “lột xác” hoàn toàn: từ những quán nước buồn hiu hắt vỉa hè do bà con tại chỗ tranh thủ bỏ vài trăm ngàn ra mở quán, giờ choáng lộn hàng trăm hàng ăn, quán nhậu có thể nói sành điệu và không thua kém những hàng quán nhậu khu trung tâm thành phố.
Trải dài, ken chặt, hoa mắt những quán là quán, những bia là bia suốt gần 2km, đoạn từ bùng binh đầu đại lộ Phạm Văn Đồng cho đến cầu Bình Lợi mới.
Hoa mắt trước lượng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” đến đây mỗi đêm, nhấtlà những đêmcuối tuần;không phải hàng ngàn mà vài ngàn, thậm chí đêm 31-10, không cường điệu khi có thể nóicả vạn. Xe cộ đi chật và kẹt cứng ngay giữa đêm.
Số khách đủ cho các làng nướng, phố nhậu, bãi nhậu… lẫn các beer club khắp nơi mơ ước ấy tràn vào các quán theo từng tốp, từng nhóm. Có nhóm áo sơmi đóng thùng, đi giày nghiêm túc, rõ là công chức nhà nước hay nhân viên công ty thì cũng có nhóm khách chỉ nhìn sơ qua đủ dặn lòng"hạn chếngồi gần, liếc xéo".
Vỉa hè xung quanh không còn một chỗ trống cho xe khách hàng - Ảnh: C.M.C
Tối 13-11, tốp chục người bạn của anh D., chủ tiệm tóc cùng tên gần ngã ba Huỳnh Văn Bánh -Phan Đình Phùng (Phú Nhuận), bước vào một quán. Tưng bừng, rôm rả bia đủ loại, món nhậu đến gần nửa đêm mới xong. 1,5 triệu đồng.
“Chia nhau mỗi người chỉ 150.000 đồng là có một đêm vui-D. bảo, rồi cho biết thêm -Khu nhậu đông vui, mát mẻ, đủ kiểu hàng quán lạ và giá bình dân nên mỗi tuầnchúng tôi đến đây 2, 3 đêm”.
Khách nơi khác tìm đến đây như nhóm D. khá phổ biến. Biển số đủ quận huyện có mặt tại khu này mỗi đêm. Gần 0g ngày14-11, một nhóm bạn chạy xebiển số quận 8 mới lục tục rời quán B.G. “Chỗ nhậu đông, thoải mái như vầy thì đi xa xíu có gì đâu” -một bạn bảo.
Trường đấu tưng bừng và không khoan nhượng
Khách hàng khắp nơi, đủ thành phần, nếu cư dân tại chỗ và khu vực gần đó thường chọn các quán vỉa hè và ngồi rất khuya, đến sau 0gthì dân nhậu các nơi thường rời quán sớm hơn.
Ở một quán phong cách Hàn Quốc với bàn nhậu cao 30cm, một nhóm bạn tuổi khá trẻ là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp chọn ngồi nơi đây.Nói như bạn Thanh H.: “Sinh viên đâu có xô bồ dzô dzô như mấy quán kia được, ngồi đây cho yên tĩnh, uống mỗi đứa một, hai chai cho dễ trò chuyện”.
Khách hàng vẫn tấp nập lúc 0g đêm 13 rạng 14-11 ở một quán ốc - Ảnh: C.M.C
Đúng là sinh viên đâu có thể xô bồ uống bia hàng két, cụng bia côm cốp đổ lênh láng mặt bàn như một nhóm bạn trẻ khá bặm trợn trong quán Ô.Đ. tối 8-11 mà chúng tôi xanh mặt khi ngồi cạnh bên. Dù tuổi chỉ đôi mươi nhưng toàn dân xăm mình, phanh ngực lộ đầy hình xăm. Hầu như tất cả chơi soọc lửng, vừa uống vừa chủi thề nghe nổi da gà.
Có thể nói không nơi nào có thể so vớicác kiểu hoạt động của các quán xá nơi đây: từ quán ghế nhựa như bao quán trên đời cho đến quán… trải chiếu ngay trên vỉa hè cho nam thanh nữ tú áo quần sang trọng ngồi bệt trên đó mà uống bia bằng tô. Thậm chí uống bia tô và thắp đèn dầu như một bàn nhậu làng quê.
Khi hàng loạt quán nướng trên ngói không chỉ thịtbò mà đủ thứ nguyên vật liệu: gà, vịt, dê, ốc… thì một quán khác tung ra chiêu mới: 50 món nướng trên đá. Hải sản biển xem ra quen quen thì dê leo núi, gà đồi, vịt chạy đồng...; rồi phối kết hợp "dê và biển” như bảng hiệu một quán treo bự xự bên ngoài.
Để khách choáng ngợp, mềm lòng trước cảnh quan đêm nhậu đại lộ, dễ hiểu khicác quán cũng ra sức tìm đủ cáchlôi kéo các nhóm khách vào quán mình. Cuộc đấu căng thẳng đến mức thực tế chỉ sau vài tháng hoạt động, một số quán đã rao sang lại quán.
Một chủ quán đang có nhã ý muốn sang lại quán với giá chỉ hơn 100 triệu đồngbảo chúng tôi: “Đua hếtxiết, các quán sau thường đầu tư mạnh hơn, có quán cả tỉ đồng, vài tỉ đồng thì quán bình dân trăm triệu của mình chỉ như rác”.
Cuộc đấu nhắm vào khách hàng bằng cách tăng đô, tăng trọng (thay đổi món, trang trí và mở rộng quy mô...),của các quán rõ ràng vẫn còn rất dài khi mới đây, ngay loại hình kinh doanh beer club đang thời thượng hiện nay ở Sài Gòn cũng đã chễm chệ xuất hiện ngay đầu đại lộ, chớp nháy đèn màuđọ sứchằng đêm với quán trải chiếu đèn dầu, quán Hàn…
Tiệm quần áo thời trang đầu đại lộ Phạm Văn Đồng giờ đã phải lui bước cho một quán nhậu - Ảnh: C.M.C
Kết quả kinh doanh thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn hàng ngàn, hàng vạn khách nhậu hào hứng kéo về đây mỗi đêm sẽ nhận hậu quả thấy ngay. Bạn Đoàn Thành Đ., SV năm 4 Trường ĐH Hutech vừa ra trường đang tìm việc làm, bảo: “Nhà tôi ở bên kia cầu Bình Lợi, hầu như tuần nào cũng sang đây ngồi một quán ít nhất một lần mà đi cả năm nay chưa giáp vòng”.
Sao không ngồi một quán quen? “Trời đất -Đ. trợn mắt - Quán đổi món xoành xoạch, đi từng quán cho biết mùi chớ”. Biết mùi kiểu này sao hao quá? -Đ. cười như… mếu: “Đi làm thêm được bao nhiêu nướng hết trên ngói, trên đá ở đây ráo”.
Dân các nơi tìm đến thì có lẽ thiệt hại nặng nhất chỉ là hầu bao, sức khỏe, chứ bà con tại chỗ sau phút hào hứng trước cung đường mới to đẹp đãbắt đầu lo, như nỗi lo của chị Thanh H., nhà trong một con hẻm nhỏ phường 13, Bình Thạnhthông ra đại lộ Phạm Văn Đồng: “Giờ mở cửa ra là thấy quán. Thằng con trai đang học đại học hồi trước tối tối đi làm thêm giờ bỏ làm ra ngồi quán hoài. Nhà mình khu này hầu hết làdân lao động nghèo, đâu phải như nhà người ta…”.
Nghe như một tiếng thở dài, trong đêm đại lộ…