Trong trang phục truyền thống của Nhật, các cô gái gương cây cung dài trên 2m để bắn. Môn chơi mới xuất hiện tại Sài Gòn được gọi là cung đạo, thu hút nhiều bạn trẻ tập luyện.
Chỉ mới xuất hiện tại Sài Gòn, loại hình bắn cung kiểu Nhật Bản, tức cung đạo thu hút nhiều bạn trẻ, nhất là những người yêu thích văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Không chỉ nam giới, nhiều nữ sinh cũng tham gia tập luyện môn này.
Cung đạo, hay còn gọi là Kyudo là một trong những nghệ thuật bắn cung độc đáo trên thế giới của Nhật Bản.Cung đạo còn được biết đến với một cái tên khác là xạ nghệ. Môn chơi này chỉ mới xuất hiện ở Sài Gòn, hàng tuần đều có lớp tập ở NVH Thanh niên TP.HCM.
Những cây cung được làm từ tre hoặc hoặc sợi thủy tinh, dài từ 2,1 m đến 2,3 m. Đây là loại cung dài nhất trong các loại hình của môn bắn cung. Những cây cung Kyudo được nhập về Việt Nam với giá trung bình 1.000 USD.
Ngoài chiều dài lớn thì cách giương cung Nhật cũng khác biệt. Nếu như các cung khác đều cầm và giương cung ở chính giữa thì cung Nhật lại giương ở vị trí 1/3 cây cung từ dưới lênđể cung thủ có thể bắn với tư thế quỳ hoặc khi trên lưng ngựa.
Với người Nhật, cung đạo không hẳn là môn thể thao mà được coi như là một nghi thức tôn giáo. Tư tưởng của Kyudo nói về năng lực phát huy từ việc rèn luyện tâm linh. Vì vậy, trước khi được bắn cung thật, học viên phải trải qua việc học những nghi lễ trong cung đạo ngồi thiền.
Để làm quen, trước tiên các bạn trẻ được học cách sử dụng cung mô hình.
Khi luyện tập, tư thế rất quan trọng, vì thế các thao tác đứng, ngồi, giương cung... chiếm nhiều thời lượng học.
Vì được xem la loại hình nghệ thuật nên các nghi lễ như đi, đứng, quỳ, ngồi trước và sau khi bắn cung rất quan trọng. Nguyễn Ngọc Thùy Trang (24 tuổi) cho biết: "Các nghi lễ được dạy kỹ nhưng nhiều quá nên mình hơi khó nhớ".
Để tham gia cung đạo, người học phải đầu tư bao và găng tay cùng bộ đồng phục có tên gọi là Hakama.
Trong thú chơi này, cây cung và mũi tên là những vật thể đầy tôn kính, được gửi gắm tinh thần và sử dụng một cách đầy ngưỡng vọng.
Trong các thao tác giương cung và buông tên, cung thủ đứng lên, bước về phía tấm bia theo nghi thức nghiêm trang.
Nguyễn Phúc Ánh (21 tuổi) chia sẻ: "Mình rất thích văn hóa Nhật và biết đến cung đạo từ lâu nên khi biết có lớp học thì đăng ký tham gia ngay. Việc tập luyện loại hình này phù hợp với cả nam lẫn nữ. Mục đích của mình là rèn luyện sự tĩnh tâm, khiêm nhường, kiên trì... chứ không phải cố gắng để bắn trúng mục tiêu".