Những địa danh nổi tiếng gắn liền với Thủ đô như hồ Gươm, nhà hát lớn, cột cờ Hà Nội... nhìn từ camera bay đẹp đến ngỡ ngàng.
Những danh thắng đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ của người Thủ đô cũng như những ai đã từng đến, từng yêu, từng "phải lòng" Hà Nội vốn thân quen là thế, qua "cái nhìn" của chiếc camera bay lạ mắt hơn hẳn.
Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm, hồ Lục Thủy) - hồ nước ngọt tự nhiên nổi tiếng nhất Thủ đô. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần.Hồ Hoàn Kiếm được ví như "trái tim xanh" giữa lòng phố thị náo nhiệt, ồn ã.
Đảo Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc hồ, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi), sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, đảo được đặt tên là Ngọc Tượng, rồi đổi thành Ngọc Sơn vào đời Trần. Tọa lạc trên đảo là đền Ngọc Sơn do một nhà từ thiện lập nên. Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương - thần chủ việc văn chương khoa cử và thờ Đức Đại Vương Trần Hưng Đạo. Dẫn vào đền là chiếc cầu Thê Húc (nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm) cong cong như con tôm, được xây dựng năm 1865. Giữa nhộn nhịp phố xá, giữa những cao ốc hiện đại, tháp Rùa cổ kính, rêu phong bền bỉ "sống" như tiếng vọng Thăng Long xưa.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một quảng trường ở phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được đặt theo tên một phong trào yêu nước do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng. Quảng trường này là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Thời Pháp thuộc, quảng trường này có tên là Place Négrier ("Quảng trường tướng Négrier").
Vào thế kỷ XIX, khu vực này là vườn dừa, được nhà cầm quyền dùng làm bãi hành quyết. Sau đó quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được dùng làm trạm xe điện cho tới năm 1992. Phố Hàng Đào - Hàng Ngang (bên phải) - một trong những phố buôn bán sầm uất của Thủ đô. Cũng như các con phố "hàng" ở phố cổ Hà Nội, tên phố Hàng Đào có nguồn gốc từ xa xưa, chỉ mặt hàng vải nhuộm đỏ (màu đào) được bán nhiều ở đây. Từ năm 2003, UBND Quận Hoàn Kiếm thành lập tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào tối các ngày cuối tuần, tạo nên một nét văn hóa mới của Thủ đô, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và du khách. Không chỉ là con phố kinh doanh, phố Hàng Ngang nối liền phố Hàng Đào còn có một địa danh lịch sử: nhà số 48 Hàng Ngang là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Hiện nay, ngôi nhà này đã trở thành bảo tàng.
Phố Tràng Tiền - con phố nổi danh đẹp nhất nhì Hà Nội. Gốc gác xa xưa, thời nhà Nguyễn nơi đây có một xưởng đúc tiền, tên Nôm là Trường Tiền. Tọa lạc trên con phố sầm uất này là hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng.
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, ở đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được xem như biểu tượng đặc trưng của Thủ đô này được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris.
Không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, Nhà hát Lớn còn là một địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử: từng là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng như danh sách Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hồ Chí Minh đứng đầu); Toàn quốc Kháng chiến Ủy viên Hội (Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch); Quốc gia Cố vấn đoàn (Vĩnh Thụy làm đoàn trưởng). Bên phải nhà hát là khách sạn Hilton Opera uốn cong mểm mại, cũng là một công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Mang những đường nét cổ điển đậm chất châu Âu, khách sạn này không những không phá vỡ không gian kiến trúc của quảng trường Cách mạng tháng Tám mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp của Nhà hát Lớn.
Thời thuộc Pháp, tòa nhà 12 phố Ngô Quyền là Phủ Khâm Sai Bắc kỳ - nơi đặt trụ sở chính quyền Bắc kỳ của thực dân Pháp, nay là Nhà khách Chính phủ. Toà nhà này là một trong những nơi đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc và thủ đô Hà Nội.Trong Cách mạng tháng Tám, ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ tòa nhà này.
Sau đó, đây là nơi Hồ Chủ tịch làm việc đến ngày toàn quốc kháng chiến. Hiện trong toà nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn bó với Bác Hồ.
Vườn hoa Diên Hồng nằm đối diện với Nhà khách Chính phủ. Thời Pháp thuộc, vườn hoa này có tên là quảng trường Chavassieux. Năm 1901 Pháp cho xây dựng ở giữa vườn hoa một bể nước, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m ở giữa, xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá, nên vườn hoa này còn được gọi nôm na là vườn hoa Con Cóc. Đây là một trong những địa điểm chụp ảnh cưới ưa thích của giới trẻ Hà Nội.
Bên cạnh vườn hoa Diên Hồng là Ngân hàng Nhà nước.
Cũng như nhiều tòa nhà mang kiến trúc Pháp trong khu vực quận Hòan Kiếm, nét cổ kính của tòa nhà này là nét duyên giữa bộn bề phố xá.
Cột cờ Hà Nội hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội cũng là một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố. Cột cờ có kết cấu dạng tháp, được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 19). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ định phá luôn Cột cờ, nhưng rất may họ đã không tiến hành việc đó vì muốn biến cột cờ thành đài xem đua ngựa.
Hiện nay, Cột cờcnằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội) nằm trên đường Điện Biên Phủ.
Hình ảnh cầu Long Biên - cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng cũng đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ người yêu Hà Nội. Cây cầu này do hãng Daydé & Pillé thiết kế, giống với kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris - Orléans, Pháp.
Cây cầu huyền thoại vắt ngang sông Hồng đỏ nặng phù sa này là chứng nhân lịch sử, bị tàn phá bởi chiến tranh và thời gian, nhưng như những bãi bồi dưới chân mình, cầu Long Biên vẫn tràn đầy sức sống cùng nhịp phát triển của Thủ đô.