“Không phải như cái xe hỏng có thể sửa được, nếu làm ăn thất đức, cung cấp sữa không sạch, uống vào ảnh hưởng tới sức khỏe của các em nhỏ, sẽ rất tội nghiệp”, ông Thanh khẳng định.
Cung cấp sữa không sạch là ảnh hưởng đến tương lai đất nước
Thực tế hiện nay, thị trường vẫn còn tình trạng sữa giả, sữa kém chất lượng lưu thông và len lỏi vào học đường. Riêng sản phẩm sữa nước, có hơn 70% được sản xuất từ sữa bột nhập khẩu về pha lại; sữa tươi trong nước chưa được phân loại rõ ràng. Điều đó đồng nghĩa với việc, các nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe trẻ em.
Trao đổi với chúng tôi, xung quanh thực trạng này, ông Nguyễn Chí Thanh, trưởng bộ phận kinh doanh một hãng sữa nổi tiếng khu vực miền Nam cho rằng, việc để trẻ em uống sữa không tươi sạch là rất tội nghiệp.
“Bởi lẽ, kinh doanh phải dựa trên đạo đức, đặc biệt ngành sữa lại liên quan đặc biệt tới sức khỏe, tính mạng con người. Không phải như cái xe hỏng có thể sửa được, nếu làm ăn thất đức, cung cấp sữa không sạch, uống vào ảnh hưởng tới sức khỏe của các em nhỏ, sẽ rất tội nghiệp. Hơn nữa, nó cũng ảnh hưởng tới cả cộng đồng vì trẻ em là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước” – ông Thanh nói.
Để ngăn chặn sữa bẩn, theo ông Thanh, các cơ quan có thẩm quyền cần có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.
“Điều quan trọng nhất là trẻ phải được uống nguồn sữa đảm bảo tuyệt đối về chất lượng. Vì có một số lưu ý đặc biệt, các trẻ em rất dễ bị ngộ độc nên đòi hỏi về chất lượng phải được đưa lên hàng đầu. Muốn có chất lượng, các doanh nghiệp sữa tham gia Đề án sữa học đường phải chú trọng tới dây chuyền sản xuất, trong khi đó, dây chuyền sản xuất phải dựa vào uy tín của thương hiệu doanh nghiệp.
Để nguồn sữa vào học đường mang tính tích cực cần sự phối hợp giữa các hãng sữa nổi tiếng và kinh doanh dựa trên đạo đức, họ sẽ dành một khoản ngân sách đặc biệt dành cho trẻ em nhỏ giống như Nhà nước đã có chính sách ưu đãi giảm bao nhiêu % cho trẻ em nhỏ khi đi xe bus. Với sự cam kết và tự nguyện tham gia của doanh nghiệp sữa, tôi nghĩ Đề án sẽ đạt hiệu quả to lớn” – ông Thanh chia sẻ.
Đồng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Tích, chuyên gia về bò sữa cũng nhấn mạnh, những nguy hiểm, tác hại của sữa bẩn, sữa kém chất lượng đối với sức khỏe của trẻ em đã được xác định rất rõ ràng.
“Về vấn đề sữa kém chất lượng, không đảm bảo hay còn gọi là sữa bẩn đã được quy định rõ trong Luật rồi. Trách nhiệm chính ở đây là các cơ quan chức năng trong viêc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cùng với đó, cần thường xuyên tuyên truyền để các cá nhân vi phạm thay đổi hành vi” - PGS.TS Tích cho hay.
Tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm tại TP.HCM, việc phân tích 5 loại sữa được bán tại các chợ gồm sữa tăng cân, sữa tăng chiều cao, sữa dinh dưỡng... dành cho trẻ 5 tháng tuổi, trẻ 1 tuổi và trẻ 4 tuổi, đã cho thấy 3 mẫu có thành phần đường cao đến hơn 62% mức quy định và 2 mẫu sữa dương tính với trans-fat.
Giảng viên Trần Thị Thu Trà, bộ môn hóa thực phẩm, khoa hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, những loại sữa có hàm lượng đường và chất béo quá cao không tốt cho trẻ. Uống nhiều sữa ngọt sẽ sinh ra dư đường và sẽ tích lũy lại trong cơ, gan, chuyển hóa thành mỡ với nguy cơ béo phì và sinh ra bệnh tiểu đường type 2. Việc uống sữa ngọt (nhiều đường) làm thận còn non yếu của trẻ sẽ mệt.
Thêm vào đó, chất béo trans-fat có trong những loại sữa không nhãn mác này là một trong các nguyên nhân gây các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, tắc nghẽn động mạch, tạo ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Sữa học đường: Cần sự vào cuộc tổng lực
Đánh giá về chương trình sữa học đường, PGS.TS Tích cho rằng, đây là chương trình mang ý nghĩa xã hội rất tốt.
“Đây là chương trình mang tính xã hội rất tốt và xuất phát từ giá trị dinh dưỡng của sữa. Tất cả các nước trên thế giới và nhất là các nước phát triển đều khẳng định sữa có liên quan tới quá trình phát triển trí não, thân thể của trẻ em. Nếu được uống sữa ngay từ đầu với số lượng thích hợp thì chắc chắn chiều cao các em sẽ tăng lên.
Dĩ nhiên uống sữa không thì không đủ mà cần kết hợp với các hoạt động khác như tập luyện. Tuy nhiên, dinh dưỡng vẫn là yếu tố rất quan trọng, bởi muốn tập luyện được tốt thì cần phải bổ sung các chất có dinh dưỡng cao như sữa” - PGS – TS Tích nhấn mạnh.
PGS.TS Tích cũng cho biết thêm: “Thực tế, tình hình chăn nuôi ở nước ta để sản xuất sữa trong nước mới đảm bảo được 28% còn lại 72% vẫn phải nhập khẩu về. Chính vì vậy, lượng sữa trong nước dùng cho trẻ em chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện.
Một số trẻ em ở các gia đình khá giả tại các thành phố thì được dùng sữa còn lại ở các vùng sâu, xa gần như tiếp cận với sữa là khó. Vì vậy, chương trình sữa học đường nếu làm rộng rãi, tốt thì điều đó rất tốt. Đó không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề phát triển lâu dài của cả dân tộc, thế hệ”.
Theo PGS.TS Tích, ở đây, để chương trình sữa học được thành công thì cần phải có sự vào cuộc tổng thể của toàn xã hội.
“Ở đây, cái chính là cần phát triển sản xuất để tăng cường nguồn sữa cung cấp cho người dân.
Để làm được việc đó, nhà nước cần tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất bình thường, ngoài ra, cần có các ưu tiên về đất đai, giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, phôi, tinh của các giống bò có sản lượng cao trên thế giới…
Thêm vào cần vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc cùng góp công sức cho chương trình.
Với người dân thì cần tuyên truyền để họ hiểu giá trị dinh dưỡng của sữa, qua đó giúp các em được tiếp cận với sữa sớm hơn và dùng đúng với mức độ phát triển” - PGS.TS Tích bày tỏ.
Còn ông Thanh cũng chia sẻ: “Đề xuất này chỉ hiệu quả khi và chỉ khi có sự can thiệp của cơ quan chính quyền nhà nước. Nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp sản xuất sữa, phải có ngân sách dành riêng cho trẻ em, cho nhà trường. Bởi theo như tôi biết, nhà trường cũng không có ngân sách, luôn rất khổ sở trong việc lo ngân sách cho trẻ em”.
Về ý kiến cần sớm ban hành quy chuẩn về sữa học đường, PGS.TS Tích nhận định, đây là việc rất cần thiết. “Quy chuẩn về sữa học đường là rất cần và nó không ngoài mục đích về giá trị dinh dưỡng cũng như mục đích của chương trình. Theo tôi, ở đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hơp với Bộ Y tế để xây dựng và sớm đưa vào áp dụng”, - PGS.TS Tích nói thêm.
Sữa học đường là giải pháp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, góp phần tạo dựng sự phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ cho trẻ nhỏ. Đề án Sữa học đường – một trong 6 nội dung của đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011.
Để đề án được thực hiện thành công, Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Tập đoàn TH (Doanh nghiệp đi đầu trong Đề án Sữa học đường quốc gia) đã nhấn mạnh: "Về nguồn lực sữa, với 12 triệu trẻ em, mỗi ngày, một trẻ là 180ml, như vậy, một năm chúng ta cần khoảng 400 triệu lít sữa.
Trong quy chuẩn về sữa học đường chúng tôi đã gửi lên Bộ Y tế thì sữa phải xuất phát từ sữa tươi sạch về vấn đề này thì TH True MILK là đơn vị đã được cấp giấy phép, chứng nhận.
Hiện tại, TH đã đạt 200 triệu lít sữa/ năm, đến năm 2015, chúng tôi sẽ có 500 triệu lít sữa. Về lượng sữa, chúng ta không thiếu nhưng cần phải có ngay quy chuẩn quốc gia về sữa học đường. Dòng sữa quy chuẩn này cần được làm từ sữa tươi sạch nguyên chất và bổ sung các vi chất cần thiết…”
Trước đó, TH cũng đã hoàn thành và gửi Chính phủ Đề án Sữa học đường với phương án: Cấp sữa miễn phí cho 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (khoảng 600.000 em) và giảm 20-30% giá sữa cho trẻ em nghèo ở nông thôn.
Đồng thời, ngay tại buổi Lễ khởi động chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt”, Tập đoàn TH cũng đã tặng 1 triệu ly sữa tươi sạch học đường TH school MILK cho đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuyển tới cho các trẻ em thuộc huyện nghèo và biển đảo.