26 tuổi, cô gái trẻ Hoàng Thùy Trang đã là Outlet Manager (quản lý nhà hàng) của Compass group Singapore. Cô gái Hà Nội đã nhiều lần mặc áo dài, trang trí bàn tiệc với hoa sen và giới thiệu những món ăn đặc biệt của Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Profile Hoàng Thùy Trang (Trang Terumi) Sinh năm: 1988 Tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng, khoa kiến trúc. Tốt nghiệp thạc sĩ ngành “International Business Economics” của trường City University London Hiện đang là Outlet Manager (tạm dịch quản lý nhà hàng) của Compass Group Singapore (outlet đặt tại Resorts world Sentosa) Giải nhất Hoa học trò Icon năm 2006 Top 24 Vietnam’s Idol 2007 Top 8 Phụ Nữ thế kỉ 21 năm 2007 Một trong 10 sứ giả “100 điểm đến thú vị” do Nokia và Báo Tuổi trẻ tổ chức. Đồng tác giả cuốn Palette tình yêu đã được xuất bản |
Đọc profile của Trang, ai cũng nhận thấy một điều đặc biệt rằng, có vẻ như chuyện học hành và chuyện nghề nghiệp của cô nàng này có chút “chẳng liên quan”: học Đại học Xây dựng khoa kiến trúc; sang Anh học thạc sĩ về kinh tế rồi lại tới Singapore làm công việc thuộc lĩnh vực nhà hàng – khách sạn. Nếu biết thêm về những thành tựu trong quá khứ của cô, bạn sẽ phát hiện nhiều chuyện “chẳng liên quan” hơn nữa.
Thùy Trang là cô gái rất năng động và đa-dzi-năng.
Năm 2006, Trang tham gia cuộc thi siêu “hot” dành cho lứa tuổi teen lúc bấy giờ - Hoa Học Trò Icon và giành giải Nhất. Sau giải thưởng này, cô có cơ hội làm người mẫu ảnh, trình diễn trên sân khấu, làm MC dẫn chương trình truyền hình,... Nhờ số tiền kiếm được từ những hoạt động đó mà cô nàng tự trang trải được chi tiêu của bản thân, không phải xin “trợ cấp” từ bố mẹ. Cô gái đa tài này còn từng mở shop thời trang, viết sách, tham gia một vài cuộc thi trên sóng truyền hình…
Với gương mặt xinh xắn, giọng hát ngọt ngào, phong thái tự tin,… Trang hoàn toàn có thể dấn sâu vào lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với cô, ca hát và những hoạt động nghệ thuật chỉ là niềm đam mê, là những cơ hội cô nắm bắt và thử sức, chứ không phải là nơi gửi gắm sự nghiệp. Xác đinh được như vậy, nhưng để tìm ra “nơi gửi gắm sự nghiệp” ấy, là một chặng đường dài, và cần có một “cái duyên”.
Trang luôn nỗ lực hết mình trong mọi công việc, hoạt động cô tham gia và đạt được nhiều thành tích đáng nể.
Học xong 5 năm kiến trúc tại Đại học Xây dựng, Trang quyết định rẽ ngang sang học thạc sĩ về kinh tế. Không có kiến thức nền về kinh tế, cô phải trải qua khóa Dự bị Thạc sĩ kéo dài 8 tháng tại trường City University London để được vào học Master International Business Economics. Bắt đầu lại với một chuyên ngành lạ lẫm, chương trình học nặng, yêu cầu cao, Trang phải cố gắng, nỗ lực gấp bội so với người khác.
Thùy Trang trong lễ nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh.
Mức sống ở Anh khá cao và đắt đỏ, nên đa phần các du học sinh tại đây, đều đi làm thêm, phần là để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, phần là để cuộc sống thêm bận rộn, vơi đi nỗi nhớ nhà, lại học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm, cải thiện trình độ tiếng Anh. Riêng đối với Trang, công việc làm thêm còn có ý nghĩa vô cùng lớn lao: giúp cô định hình được nghề nghiệp mà mình yêu thích, muốn gắn bó lâu dài.
Trong quá trình học Thạc sĩ ở Anh, Trang làm thêm cho tiệm Banhmi11 tại London, ban đầu, cô làm việc trong bếp, sau đó chuyển sang làm sales (bán hàng), và trở thành Retail Manager (quản lý bán lẻ). Nhờ có công việc này, Trang nhận ra mình có niềm đam mê vô cùng lớn lao với ẩm thực, và quyết định theo đuổi công việc quản lý nhà hàng - nghề nghiệp giúp cô vận dụng, kết hợp được kiến thức, kỹ năng từ các công việc “chẳng liên quan” trước đây: óc thẩm mỹ của người học kiến trúc, cái đầu nhạy bén của một nhà kinh tế, khả năng giao tiếp khéo léo của một MC và sự mềm dẻo, tinh tế của người làm nghệ thuật,…
Những ngày học tập và làm việc tại London đã giúp cô tìm được nghề nghiệp mình yêu thích.
Lên “sếp” trong 3 tháng
Nghĩ là làm, tốt nghiệp Thạc sĩ, Trang nộp CV vào một số công ty ở cả Việt Nam, Anh, và Singapore, trong đó có Compass Group - tập đoàn dịch vụ thực phẩm hàng đầu thế giới. Quả đúng là “duyên trời đinh” khi Compass Group là công ty đầu tiên gọi cho Trang và phỏng vấn qua skype. Cô nàng đỗ vào vị trí trợ lý cho Outlet Manager (quản lý nhà hàng) của Compass Group Singapore (outlet đặt tại khu Resorts world Sentosa) và “khăn gói” tới Singapore làm việc.
Đảm nhận chức vụ trợ lý được 3 tháng, Trang được thăng chức lên vị trí Outlet Manager. Công việc của cô là lên menu cùng với bếp trưởng, hàng tuần đặt tất cả mọi thực phẩm và đồ dùng cần thiết, quản lý chi phí, lương nhân viên, lịch làm việc, quản lý về tất cả công việc sổ sách, hoá đơn và giấy tờ.
Mới vào làm 3 tháng đã được thăng chức, Trang còn khá nhiều bỡ ngỡ trong công việc, kiến thức về ẩm thực địa phương cũng không hoàn toàn biết hết. Cô không còn cách nào khác là phải ở lại rất khuya mỗi ngày để tìm hiểu, học hỏi. Có đợt, Trang được công ty cử đi học nghiệp vụ, vừa phải lo giải quyết công việc giấy tờ cho outlet, vừa phải làm bài tập về nhà, cô chỉ được ngủ 3 tiếng mỗi đêm.
Sau một thời gian, mọi việc dần đi vào quỹ đạo, nhưng không có nghĩa là gánh nặng trên vai cô gái trẻ này trở nên nhẹ nhàng.
Một ngày, outlet của Trang phục vụ cả 4 bữa sáng-trưa-tối-đêm cho khoảng 1500-2000 khách hàng, có rất nhiều tình huống cần phải xử lý. Theo như chia sẻ của Trang, khách hàng ở Singapore có yêu cầu cao, và sẵn sàng cho ý kiến, cũng như phàn nàn nếu sản phẩm, dịch vụ của bạn không làm họ hài lòng. Cô cũng phải tính toán, cân bằng giữa yêu cầu của bếp trưởng và các đầu bếp về mặt nguyên vật liệu, với mức ngân sách cấp trên đưa ra,…
Có những lúc nhiều việc, nhân viên làm không xuể, Trang và thậm chí là sếp của cô phải “nhảy” vào làm cùng, cũng phải mỏi rã rời tay chân, làm đến toát mồ hôi hột chẳng thua kém gì nhân viên. Vất vả như vậy, nhưng Trang luôn hạnh phúc với công việc và tận tụy cống hiến. Đối với cô, khi đem đến cho khách hàng những bữa ăn ngon, dịch vụ tốt, mang lại niềm vui cho họ, cũng là mang lại hạnh phúc cho bản thân mình.
Giới thiệu món ăn Việt Nam tới bạn bè thế giới
Học tập và sống ở nước ngoài, nhưng Trang luôn hướng về Tổ quốc, dành một tình cảm sâu nặng cho thủ đô Hà Nội – nơi cô sinh ra và lớn lên. Một trong những lý do cô chọn Singapore để làm việc, chính là bởi đất nước này nằm trong khối ASEAN, rất gần với Việt Nam, chỉ cần ngồi máy bay 3 tiếng là có thể về tới nhà.
Làm công việc dịch vụ ẩm thực, Trang có nhiều cơ hội để quảng bá văn hóa, ẩm thực của đất nước quê hương đến bạn bè thế giới.
Tại các outlet của Compass, hàng tháng đều tổ chức Promotion, có mời guest chef (đầu bếp khách mời) đến nấu nướng, ví dụ như Thai, Filipino, Japanese promotion… Khi còn làm trợ lý, Trang vô cùng phấn khích khi được sếp hỏi ý kiến về ý tưởng trang trí cho Vietnamese Promotion và được giao thực hiện công việc này. Cô nàng đã “huy động” cả “lực lượng” trợ giúp từ quê hương, trình bày ý tưởng với bố mẹ và nhờ bố mẹ mua toàn bộ những thứ cần thiết từ Việt Nam gửi sang.
Hình ảnh bàn tiếp đón được trang trí như một đầm sen trong buổi Vietnamese Promotion tại outlet của Trang do chính tay cô trang trí.
Hôm đó, cô trang trí bàn tiếp đón như một đầm sen, với những món ăn đặc sắc của người Việt, cùng với các món đồ nhỏ xinh hình xích lô, quang gánh, cafe phin, trái cây Việt Nam, nón lá... Cô còn làm các poster bằng tiếng Anh giới thiệu về những nét đặc trưng văn hoá của Việt Nam. CD nhạc bật hôm đó cũng là CD do Trang tự soạn, với các ca khúc như Quê hương tôi, Hello Việt Nam, Xinh tươi Việt Nam,...
“Hai ngày trời mặc áo dài đứng trên đôi giày cao gót, chân mỏi nhừ nhưng mình đã rất hạnh phúc. Hạnh phúc khi tất cả khách hàng đều khen trang phục truyền thống của Việt Nam quá đẹp và xin chụp ảnh cùng. Hạnh phúc khi họ tấm tắc ngắm nhìn hoa sen, ngắm nhìn nón lá và đọc những lời giới thiệu về đất nước mình. Và cảm giác mình sẽ không bao giờ quên được đó là khi đứng giữa nước bạn, mặc bộ áo dài, âm nhạc văng vẳng câu hát:
"Tự tin em cô gái Việt Nam….Rồi mai đây em tung bay bay đến những chân trời xa, thì hãy luôn ghi trong tim màu da tiếng nói người Việt Nam… Nụ cười em luôn xinh tươi cả thế giới sẽ nhận ra, một Việt Nam luôn hân hoan trào dâng sức sống qua thời gian…” – Cô xúc động chia sẻ khi nhớ lại.
Thùy Trang mặc áo dài, đứng tại khu vực tiếp đón của outlet giới thiệu cho bạn bè quốc tế về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Sau này, khi đã lên giữ cương vị Outlet Manager, thỉnh thoảng, Trang lại đưa món ăn Việt Nam vào phục vụ cho menu món ăn đặc biệt của ngày như phở bò, bánh mì,… do chính cô cùng các đầu bếp của outlet chuẩn bị. Nhận được phản hồi tốt, sự ủng hộ và yêu mến của bạn bè đồng nghiệp, và của cả khách hàng, Trang rất hạnh phúc.