Đời sống

"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?"

Bà mẹ già 83 tuổi Nguyễn Thị Sinh nói chuyện với chúng tôi và liên tục khóc. Khóc không phải vì đời bà khổ khi già yếu rồi vẫn phải nuôi hai con bệnh tật, mà bởi "mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?"

"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?" 1
Trong ngôi nhà tuềnh toàng của bà Sinh chỉ có chiếc nồi cơm là đáng giá
Chồng bỏ đi khi hai con mắc bệnh nặng
Vừa đặt chân tới thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn - Duy Tiên - Hà Nam, hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Sinh, tôi đã nhận được những cái lắc đầu cùng ánh mắt cảm thương của người dân nơi đây đối với hoàn cảnh mẹ con bà Sinh. Bước vào căn nhà nhỏ lụp sụp, ọp ẹp, với cái ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn cũ, bà cụ Sinh nhìn càng xanh xao, vàng vọt, đăm chiêu mệt mỏi. 
"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?" 2
83 tuổi nhưng bà Sinh vẫn phải đi làm thuê làm mướn kiếm cơm cho con
Bố mẹ bà sinh được hai người con, nhưng bà sớm phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ. Bà tự thân bươn trải kiếm sống để nuôi em trai mình. Rồi sau đó em bà đã không may qua đời, để lại bà một mình không người thân ruột thịt, không ai nương tựa. Đến tuổi trưởng thành, bà lập gia đình, có 3 đứa con, hàng ngày vợ chồng bà đi làm thuê, đánh bắt cá trên sông, sống cảnh no đói có nhau. 
Nhưng số phận nghiệt ngã đã ập đến với bà khi một ngày nọ hai người con thứ của bà lần lượt mắc bệnh. Chồng bà thấy vậy liền bỏ rơi bà và các con, bà Sinh chia sẻ: “Ông ấy bỏ mẹ con tôi trong lúc khó khăn nhất, túng bấn nhất, đến giờ cũng không một lời hỏi thăm."
Chồng bỏ đi, một mình nuôi ba người con, 2 con bị bệnh nặng, một mình bà hàng ngày đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê gì bà cũng làm, miễn là kiếm được tiền lo cho con cái. Một mình bà tần tảo làm lụng nhưng con cái bệnh tật nên làm bao nhiêu tiền làm ra tích cóp cũng không đủ. Giờ khi tuổi cao, sức yếu bà không thể đi làm thuê kiếm tiền được nữa, thành ra cuộc sống vốn đã túng, nay càng túng thiếu hơn. 
"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?" 3
Chồng bỏ đi, một mình bà nuôi hai con bệnh nặng
Hạ sinh được ba người con, chỉ có con trai trưởng lành lặn, bình thường. Chu Văn Cường (sinh năm 1959), con đầu của bà có vợ và hai con, hiện sống ở Kim Bôi - Hòa Bình. Bà Sinh nói: “Nó cũng nghèo khó lắm, thỉnh thoảng nó mới gửi về cho mẹ và các em được năm chục, một vài trăm bạc thôi. Vợ chồng nó phải làm lụng để nuôi hai đứa con nhỏ ăn học. Họa hoằn mới có điều kiện về thăm tôi với các em. Tôi chẳng trách nó, vì số nó cũng vất vả, khó khăn lắm rồi”. 
Người con thứ hai của bà là anh Chu Văn Hùng (sinh năm 1963)  không may mắc bệnh thần kinh từ bé, anh Hùng không nói được, chỉ thỉnh thoảng lắp bắp, ú ớ được vài từ. Bà Sinh buồn rầu kể: “Bình thường thì không sao, nhưng mỗi lúc lên cơn là nó lại phá bĩnh, đánh mẹ với em. Thân tôi già yếu, sức khỏe không có nên đành phải chịu, chứ biết làm thế nào?”
Cũng may là bà con lối xóm ở đây rất tốt, họ đã quyên góp, giúp đỡ xây cho anh Hùng một cái nhà nhỏ để mở quán bán hàng, "nếu lỡ không may sau này tôi có qua đời thì Hùng còn có thể tự lo cho bản thân được", bà nói. 
"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?" 4
Người mẹ già gạt nước mắt nhìn đứa con lúc bình thường, lúc lên cơn
Chị Chu Thị Dung (sinh năm 1964) là con út của bà, lúc mới sinh chị cũng khỏe mạnh, bình thường nhưng không may mắc bệnh viêm màng não, bà Sinh  ứa nước mắt nói về con: “Hồi đó Dung được 1 tuổi, tôi đưa nó về nhà ông nội ăn cỗ, sau khi trở về nhà nó có những biểu hiện bất thường, gia đình tôi đã đưa nó lên bệnh viện chữa trị nhưng các bác sĩ chẩn đoán nó bị vỡ màng não. Cả nhà bán đồ đạc, vay mượn khắp nơi nơi để chữa chạy cho con, nhưng mọi thứ đều vô vọng. Từ ngày đó trở đi đầu của Dung cứ to dần lên, chân tay teo lại và bị bại liệt toàn thân. Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống vệ sinh tôi đều phải lo hết. Thương con nhưng không biết làm gì hơn”. 
Nhà nghèo, lại bệnh tật, các con bà không được đến trường, không biết chữ, không có bạn bè, quanh năm suốt tháng mấy anh em chỉ làm bạn với cái cây, ngọn cỏ…  "Biết hai con bị bệnh nặn nhưng tôi cố lắm rồi, mà tiền không có để đưa các con đi chữa trị."
"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?" 5
Người con gái út của bà lúc nào cũng chỉ nằm một chỗ
Ngồi trong căn nhà nhỏ chật hẹp, cũ nát, lắng nghe tâm sự tận sâu trong lòng bà, nhìn vẻ mặt hốc hác, gầy guộc với những nếp nhăn trên khuôn mặt sạm nắng gió, tảo tần của bà Sinh mà bất cứ ai đứng tại đây cũng không cầm nổi nước mắt. Hằng ngày, ba mẹ con bà chỉ sống rau cháo qua ngày. Số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng không đủ để mua thuốc cho các con huống chi là mong có bữa thịt, bữa cá. Bà Sinh nói về con gái mình: “Nhiều khi thấy thương mẹ, Dung khóc, nó không nói được nhiều nhưng tôi hiểu nó thương tôi lắm. Thỉnh thoảng có ít gạo ngon bà con hàng xóm mang cho, nó bảo tôi rằng: 'Mẹ mang đổi lấy gạo không ngon, nhưng được nhiều như vậy không sợ nhanh hết gạo', nghĩ thấy tội cho con, sao ông trời lại đày đọa con như vậy?”. 
Nỗi trăn trở và niềm hi vọng
Cách đây cũng khá lâu, thấy gia cảnh éo le của bà, xã trợ cấp cho 300 viên ngói để dựng nhà, vân động bà con chòm xóm giúp đỡ, ủng hộ, ai có gì góp đó, mọi người chung tay dựng cho mẹ con bà Sinh một ngôi nhà để ở. Nhưng hiện giờ căn nhà đã lâu năm nên cứ mưa là bị dột, nát. Ngày nắng không sao, những ngày mưa gió thì trong nhà bị dột, ướt khắp nơi, nền nhà được làm bằng đất nên có nước sẽ trở nên nhầy nhụa, bẩn thỉu. Bà Sinh phải đi kiếm, đi xin những mảnh giấy bóng rách hoặc áo mưa cũ nhặt được để đem về buộc tạm những chỗ dột... 
Bác Trương Văn Đường (sinh năm 1960) trưởng thôn Tường Thụy 2 cho biết: “Ai cũng biết, gia cảnh nhà bà Sinh thuộc diện khó khăn nhất trong thôn. Chồng bỏ đi biệt xứ từ rất lâu, một mình bà tảo tần nuôi hai đứa con bệnh tật từ nhỏ. Bà ấy khổ quá. Hàng năm, những đợt trợ cấp, hỗ trợ từ thôn xã gửi về chúng tôi đều ưu tiên cho gia đình bà ấy trước. Nhưng khoản trợ cấp cũng không thấm vào đâu khi mà bà phải lo cả thuốc thang cho con. Vừa rồi bà Sinh cũng có làm đơn để xin gửi chị Dung vào hội bảo trợ khuyết tật tỉnh Hà Nam, hiện đang được cấp trên xem xét”.
"Mai này tôi chết, ai sẽ nuôi con?" 6
Trưởng thôn Tường Thụy 2 Trương Văn Đường
Cô Lã Thị Duyên một người hàng xóm của bà Sinh chia sẻ: “Mẹ con bà ấy đáng thương lắm, bà Sinh sống với mọi người rất hòa đồng, tốt tính. Thấy gia cảnh như vậy, bản thân chúng tôi cũng là nông dân nghèo nên chỉ thỉnh thoảng cho mẹ con bà ấy mớ rau, con cá, chứ cũng không lấy đâu ra nhiều. Chúng tôi mong sao những nhà hảo tâm giúp đỡ cho mẹ con bà ấy làm sao để họ bớt khổ”.
Tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu đi, bà Sinh luôn canh cánh trong lòng về tương lai cho hai người con ngây dại của mình. “Hoàn cảnh mẹ con tôi thế này, tôi thật sự không có mong muốn gì hơn là mong cho các con tôi có được chỗ nương thân trước lúc tôi khuất núi”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: bà Nguyễn Thị Sinh, thôn Tường Thụy 2 - xã Trác Văn - huyện Duy Tiên - tỉnh Hà Nam.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,067,332       606