Cư dân thủ đô bất kỳ nước nào cũng đều do người tứ chiếng qui tụ mà thành. Tính cách người thủ đô được chưng cất từ trí tuệ, tài năng, tay nghề, sản vật, ẩm thực, tập quán của người đến từ mọi nơi đất nước.
Hà Nội đẹp. Và là một trong số những địa danh đáng đến.
Đó không phải ý kiến chúng ta mà là cảm nhận của bạn bè quốc tế, trong số đó có đại gia văn học, truyền thông hay nhà lữ hành từng đặt chân tới nhiều nơi.
Nhiều người đã tái hiện ấn tượng của họ về Hà Nội qua tác phẩm. Xin đừng nghĩ họ làm vì... xã giao. Đúng là cũng có vị từng tung những câu bay bổng nhất ngợi ca Hà Nội thành phố chủ nhà khi khách và chủ tưng bừng cạn chén, tuy nhiên họ đủ bản lĩnh để không cho lọt những lời phù phiếm vào tác phẩm của mình. Họ đã nói, đã viết là thật lòng ngợi ca cái đẹp Hà Nội chúng ta.
Cá nhân tôi, một chàng trai nhà quê thứ thiệt từ gió Lào cát trắng gặp Hà Nội một ngày bảng lãng heo may và bỗng dưng trở thành cư dân Hà Nội từ bấy đến nay. Lần đầu tôi nhìn thấy Hà Nội bằng mắt chứ không phải qua những trang văn nằm lòng từ tuổi thiếu niên, tạo cái nền sâu vững cho tình yêu Hà Nội trong cậu bé nhà quê.
Ấy là ngày 10-10-1954, ta tiếp quản thủ đô sau chín năm kháng chiến trường kỳ.
Sáu mươi năm tròn. Trong một vòng vận hội xoay vần đủ mười hai con giáp, ta đã mang cái quê mùa của mình pha loãng tới mức nào chất hào hoa người Hà Nội. Ta đã đóng góp được gì vào việc bảo tồn, phát triển thủ đô yêu quý. Và trước hết, ta đã có phải là người Hà Nội - mấy câu hỏi lửng lơ tự chúng hiện lên trong tôi những đêm trằn trọc sao trời lâu sáng vậy.
Bên Bờ Hồ Hà Nội. Ảnh VTC
Tuy nhiên, một khi tính cách người thủ đô định hình thì tự nó vượt trội, vững bền và có sức lan tỏa, từ đây nó sẽ tiếp thu có chọn lọc hơn những gì các nơi đóng góp, nó có sức cưỡng đối với những thứ ngược với tinh hoa đã thành truyền thống. Tính cách thủ đô, được sự hỗ trợ của luật và lệ, đòi hỏi cư dân nơi khác đến phải thật sự hội nhập với ý nghĩa trọn vẹn của hai từ ấy, và như vậy có nghĩa là chấp nhận từ bỏ một số nếp nghĩ và thói quen cố hữu. Có lần tôi hỏi một anh bạn người Paris, phải định cư bao lâu bên sông Seine để được người khác coi mình là parisien chính hiệu? - Bảy năm, anh đáp. Tôi không tin. Chỉ ngần ấy thôi sao? Hay bảy năm là một quy định hành chính? Theo cung cách ấy, hóa ra tôi đã là dân Hà Thành từ bao giờ?
Đêm đầu tiên của tôi tại Hà Nội là... nhà thương Đồn Thuỷ, dưới rừng lá xà cừ và bàng cổ thụ.
Quân đội Pháp vừa rút khỏi đây mấy ngày. Cơ quan báo Nhân Dân tạm trú trong khi chờ tìm được nơi thích đáng làm trụ sở. Tôi là lính mới. Anh Quang Đạm là lão binh. Anh kể: "Cậu Tường giao thông (Ma Văn Tường) vừa được ra xem phố xá cho quen đường. Cậu than: "Đường sá rối rắm thế này tôi đến lạc mất thôi. Không làm giao thông ở đây được. Về quê thôi". Chính cậu Tường ấy - anh Quang Đạm nói tiếp - hồi ở chiến khu có lần được giao nhiệm vụ đưa nhà khoa học Trần Đại Nghĩa đến một cơ quan nọ. Đi suốt buổi sáng trong cây, đến một khoảnh rừng thưa, cậu chỉ làn khói mơ hồ bốc lên đằng xa, rất xa sau bao nhiêu là cây núi chập chùng và thưa: "Bác theo hướng khói kia mà đi, chốc nữa là đến". Nhà bác học băn khoăn: "Có nhìn thấy đường nào đâu? Tôi đến lạc mất thôi". Tường ta quả quyết: "Lạc thế nào được, thưa bác. Không có đường thì vạch lá tìm đường. Đã nhìn thấy hướng kia, lạc làm sao được, thưa bác!". Cậu thanh niên ấy giờ sợ lạc giữa ba mươi sáu phố phường. Và nhà báo - học giả bình: "Trí thông minh của con người rốt cuộc do môi trường, điều kiện tạo nên thôi".
Thực tế Hà Nội sáu mươi năm về trước đâu có lớn, có rộng bao nhiêu so với riêng nội thành Hà Nội ngày nay.
Những ngày chủ nhật đầu tiên tại thủ đô, tôi lên chiếc xe đạp cà tàng chưa kịp lắp lại đôi gác-đơ-bu bị tháo bỏ để bùn khỏi làm kẹt bánh xe khi đi vào các ngõ xóm lầy lội vùng quê, đi tham quan Hà Nội. Trước hết, những địa danh ngưỡng mộ từ hồi còn bé qua sách giáo khoa. Hồ Gươm, Trúc Bạch, Hồ Tây đây rồi. Trở lại: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Ba Mẫu... Đến cuối phố Huế tôi dừng xe hỏi bà hàng nước trên hè: "Thưa cụ, từ đây đến hồ Ba Mẫu đi lối nào?" - "Đi nốt khúc đường nhựa, rẽ phải là anh đến nơi".
Tôi làm theo lời. Đến lúc không ngồi trên yên được nữa, xuống dắt xe lội bộ khá xa vẫn chưa thấy hồ đâu. - "Bác làm ơn chỉ giúp cho lối đến hồ". - "Hồ đó, trước mặt anh", một người đàn ông đang lúi húi sửa cái sọt nan không buồn ngẩng đầu đáp.
Hồ? Ngao ngán bèo tây và bèo tây. Mênh mang đồng bèo tây, hoa bèo tím ngát im phăng phắc vì ken chặt vào nhau mà tôi cứ mường tượng như đang dập dờn đùa với gió thu, bởi còn đậm ấn tượng trong đầu sóng nước Hồ Tây.
Thơ thẩn tôi đếm các phố tên có chữ Hàng. Hàng Nón, Hàng Tiện, Hàng Than, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Cót... - "Hàng Lọng ở đâu, thưa bác?" - "Anh đến ga Hàng Cỏ".
Trước ga Hàng Cỏ, sững sờ nhìn tấm biển phố đề tên De Lattre de Tassigny, viên tướng bốn sao tổng tư lệnh quân đội Pháp thua trận qua đời vài năm trước, người ta bảo vì uất ức khổ đau cậu quý tử bỏ mạng tại xứ này, chính quyền ta chưa kịp tháo gỡ để thay bằng cái tên Nam Bộ sâu lắng trong tim người Hà Nội và mọi người Việt Nam ta thời ấy. Tôi tìm phố Khâm Thiên, không phải hoài niệm cái đài khí tượng chưa có trong hiểu biết của mình mà đơn giản muốn biết cái gì nơi đây mà nằm lâu vậy trong văn thơ nhạc Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Văn Thương...
Phố Khâm Thiên này, rồi tôi sẽ đi về không biết bao lần, tập thể chúng tôi tôi gần gò Đống Đa mà nơi làm việc mãi bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Phố Khâm Thiên mà sáng 4-9-1969, mọi nhà hai mặt phố không ai bảo ai tự động treo cờ rủ có đính dải băng tang, bởi chương trình thời sự đầu ngày Đài Tiếng Nói Việt Nam vừa chính thức thông báo Bác Hồ qua đời. Phố Khâm Thiên 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" với những đống gạch ngói đổ ngổn ngang vẳng tiếng khóc mất người thân từ những căn hộ chưa sập đổ hoàn toàn, tiếng khóc của chủ nhà và của phụ nữ, trẻ em lối phố đến tá túc, tiếng khóc mà ai cũng cố nén để khỏi làm ảnh hưởng tới những người đang bới đất cứu nạn.
Phảng phất trong không gian đẫm buốt sương đêm đông ấy mùi khói hương trầm lẫn khét lẹt chưa tan mùi đạn bom Mỹ, mùi máu người dân bị vùi lấp, một thứ mùi kỳ lạ sẽ đeo đẳng tôi nhiều kể cả sau khi đã chuyển nhà...
Hà Nội ta đã thăng trầm như thế trong một đời người.