Trên chuyến đò chòng chành về với một xóm nghèo của xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), chúng tôi được bà con kể cho nghe cảnh đời hẩm hiu cùng cực của người đàn bà tên Nguyễn Thị Tân. Điều ít ai hình dung nổi là trong gian nhà dột nát của bà Tân, có một cậu bé phải làm "trụ cột gia đình" từ khi 6 tuổi.
Giọt nước mắt khóc phận người tủi cực
Bước chân đến trước căn nhà tranh vách nát hay nói đúng hơn là túp lều của bà Nguyễn Thị Tân ở xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), chúng tôi không khỏi xót xa. Chúng tôi đang ngó nghiêng tìm gia chủ thì từ trong bếp ló ra một khuôn mặt lấm lem than củi đứng tựa cột nhà lặng nhìn, hỏi gì cũng không nói. Dựa vào những câu chuyện của các hành khách trên chuyến đò trước đó, chúng tôi đoán đây là cậu bé Hoàng Dương Hải (SN 2006), cháu ngoại bà Tân. Nhìn vào cậu bé 8 tuổi ấy, chúng tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên. Dẫu bị lấm lem nhưng khuôn mặt đó vẫn sáng bừng, lém lỉnh.
Lúc sau, một người đàn bà có khuôn mặt khô khốc, chai sạn, già nua, dáng người nhỏ bé, gầy gò, tóc đã bạc quá nửa đầu tất tả đi về. Mới 62 tuổi nhưng trông bà Tân như đã ở tuổi 80. Chừng đó thôi cũng đủ để hiểu phần nào cuộc sống khắc nghiệt của bà. Tay run run rót nước tiếp khách, mắt rơm rớm, bà kể cho chúng tôi nghe quãng đời bi ai của mình.
Nguyễn Thị Tân sinh ra trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. 21 tuổi, người thiếu nữ thôn quê ấy viết đơn tình nguyện xin đi làm dân công, tạm gác chuyện tình cảm riêng tư để cống hiến tuổi xuân của mình cho công cuộc giải phóng miền Nam. Khi chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại trên hai miền đất nước, bà Tân đã "quá lứa lỡ thì". Năm 1976, duyên số run rủi, bà có được một cô con gái là Nguyễn Thị Hồng, từ đó bà lo cuốc cày nuôi con.
Hồng lớn lên trong cái đói khổ, bần hàn của vùng quê nghèo cùng sự chắt chiu, hy sinh của người mẹ. Nhưng đến tuổi trưởng thành, không chấp nhận cuộc sống cơ cực ấy, chị bỏ vào miền Nam theo chúng bạn đi làm công nhân. Năm 1999, chị gặp một thanh niên cùng quê, cả hai quyết định trở về mảnh đất Hương Thọ để gây dựng cuộc sống gia đình. Không lâu sau, vợ chồng Hồng hạnh phúc đón tiếng cười con trẻ. Những tưởng cuộc sống của chị từ đây đã yên ổn, bà Tân có thể an lòng sống nốt phần đời còn lại của mình. Nào ngờ, trong khi chồng Hồng vào Nam kiếm việc làm thêm thì ở nhà, đứa con trai của cô bị suy tim nặng và mất sau một cơn sốt cao. Một thời gian sau, chồng chị cũng ra đi vì căn bệnh xuất huyết não. Nỗi đau mất chồng, mất con, khiến thiếu phụ trẻ ấy bất mãn với cuộc đời, quyết định bỏ nhà vào Nam.
Sau đó, chị này gặp rồi lấy (không cưới xin - PV) một người đàn ông khác và có bầu. Sống với nhau chưa được bao lâu thì người chồng "hờ" này bỗng dưng bỏ đi, để lại người phụ nữ bụng mang dạ chửa bơ vơ, cô độc giữa đất thị thành. Hồng đau đớn ôm bụng về quê mẹ chờ ngày "vượt cạn". Khoảng thời gian đó, cuộc sống của những con người vốn lam lũ này cơ cực trăm bề.
May mắn, cháu Hải sinh ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn, không ốm đau. Thế nhưng bi kịch lại một lần nữa giáng xuống ngôi nhà xiêu vẹo ấy. Khi bé Hải bước vào lớp 1, chị Hồng đột ngột ra đi do căn bệnh thế kỷ HIV. "Thời gian sau sinh khi cháu Hải, con gái tôi thỉnh thoảng kêu đau, đi khám thì họ bảo đau tử cung. Sau đó, đến bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang khám thì tim đã suy độ 3, phổi đen hai phần. Bệnh quá nặng nên Hồng được chuyển lên bệnh viện Hà Tĩnh thì phát hiện bị HIV giai đoạn cuối. Tháng 10/2012, Hồng trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian chịu nhiều đau đớn. Từ đó tôi và cháu Hải nương tựa vào nhau", bà Tân rớt nước mắt tâm sự.
"Mẹ chết rồi, con chỉ ở với bà thôi"
Có lẽ là một điều kỳ diệu của cuộc sống, khi cháu Hải không bị nhiễm HIV từ mẹ. Sau cái chết của con gái, bà Tân vay mượn tiền khắp nơi để đưa Hải đi xét nghiệm máu kiểm tra. Kết quả sau ba lần xét nghiệm đều khẳng định cháu Hải âm tính với HIV. Hai bà cháu dắt nhau trở về trong niềm vui khó tả.
Một người dân sống cạnh nhà hai bà cháu cho biết: "Nỏ (không) biết rồi đây hai bà cháu dạt về mô (đâu), bởi bà Tân nay ốm mai đau. Thời tiết thay đổi, bà ấy kêu đau khắp mình mẩy. Chúng tôi khuyên bà nên đi bệnh viện khám, bác sỹ cắt thuốc cho uống, nhưng bà nỏ dám đi vì làm gì có tiền điều trị, lại nỏ dám bỏ cháu cho ai. Sức khỏe bà Tân quá yếu nên không làm được công việc nặng. Hằng ngày bà cố bòn bó rau, bện chổi bán kiếm tiền, góp nhặt mua sách, đóng học cho cháu".
Nói chuyện với chúng tôi được lúc thì bà Tân đuối giọng hơn, thời tiết oi bức khiến bà càng mệt mỏi. Người bà già nua bệnh tật, cháu bé tội nghiệp ấy bất đắc dĩ trở thành "người đàn ông" trụ cột của gia đình từ năm lên 6 tuổi. Hàng ngày, Hải cùng bà đi hái rau nhổ sắn. Khi bà mệt quá không đi nổi, Hải lại xin đi theo mấy người trong làng bắt cá để có cái ăn qua ngày, còn không thì ai cho gì ăn nấy. Đứa trẻ không cha, mất mẹ, sống với bà ngoại đau ốm triền miên ấy lớn lên lay lắt như ngọn cỏ mọc giữa đồng hoang.
Tuy sống trong nghèo khó, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nhưng Hải rất lém lỉnh. Suốt cả buổi chuyện trò với chúng tôi, chỉ có bà Tân nói, còn mỗi khi được hỏi đến, Hải chỉ mỉm cười. Sau này mới hay là do cậu bé vừa thay hai chiếc răng cửa nên xấu hổ không nói gì, cũng chẳng dám cười to. Cũng hiếu động như bao đứa trẻ cùng lứa khác nhưng Hải được bà con sống xung quanh đánh giá là rất hiếu thảo và chịu khó giúp đỡ bà.
Trước đây, một vài người thương hoàn cảnh bà cháu, có ý định nhận đưa Hải về nuôi, nhưng cậu bé mồ côi nhất mực không chịu. "Con chỉ ở với bà thôi", câu nói của Hải đã khiến bà Tân không nỡ rời xa cháu. Thế là cho đến bây giờ, hai bà cháu vẫn nương tựa vào nhau trong "ngôi nhà" rách nát ấy.
Mảnh đất Hương Thọ vẫn còn rất nhiều gia đình vất vả, nhưng trường hợp của bà Nguyễn Thị Tân lại thuộc diện nghèo nhất nhì xã. Trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, trống hoác ấy không có nổi đồ dùng nào giá trị.
Năm 2004, được chính quyền địa phương hỗ trợ 4 triệu đồng (tính bằng gạch ngói) để xóa nhà tranh tre dột nát. Nhưng vì không có điều kiện, gia đình bà Tân chỉ đủ xây mỗi cái nền, lợp mái ngói gian nhà chính, còn xung quanh vẫn để trống trơn. Gian nhà bếp đã xiêu về một phía vì không chịu nổi khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm, lũ nhiều của miền Trung. Ngồi trong bếp của hai bà cháu có thể nhìn thấy cả một khoảng trời rộng lớn trên đầu, bởi tranh trên mái cái còn cái mất, vách tường cũng sắp sập xuống. Để tránh mấy hôm trời mưa dột, bà Tân phải mang cái kiềng ba chân vào phần góc nhà lành lặn nhất để nấu ăn.
Mùa bão lũ sắp về, Vũ Quang là một trong những huyện luôn phải gánh những hậu quả nặng nề. Đứng trước ngôi nhà rách nát ấy, chúng tôi không khỏi ái ngại cho hai bà cháu khi đang mùa mưa bão.
Số phận của hai bà cháu như những ngọn đèn yếu ớt trước bão giông. Những gì họ đang phải trải qua thật khắc nghiệt như chính sức nóng của gió Lào nơi dải đất này. Khi bữa cơm, viên thuốc vẫn đang là những nỗi lo thường trực của họ, nếu bão gió làm mất đi ngôi nhà ấy, cuộc sống của hai bà cháu rồi sẽ ra sao?
Những số phận "nghèo khổ ba đời" Ông Nguyễn Sĩ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: "Bà Tân là hộ gia đình nghèo nhất xã. Bà không có chồng, con gái mất vì bệnh HIV cách đây hai năm. Giờ bà ở với đứa cháu mồ côi. Mỗi tháng, họ được nhận 180.000 đồng tiền trợ cấp xã hội. Xã đang trong quá trình đề xuất chế độ người neo đơn cho bà Tân. Mỗi khi có các phần quà từ nhà tài trợ thì cháu Hoàng Dương Hải đều được ưu tiên đầu tiên, vì gia đình quá hoàn cảnh. Trước đây, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ gạch ngói để cho gia đình bà Tân dựng nhà tạm thời, nhưng hiện nay vì qua nhiều trận bão nên ngôi nhà của bà đã bị hư hỏng nặng". |