Những người bán bóng bay dạo đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày, thấy trẻ con ở đâu là mò tới. Anh Nghĩa, sinh năm 1988, đã có thâm niêm 8 năm bán bóng nói: “Em không phải tự hào chứ em biết gần như rõ trẻ con khu nào thích bóng loại nào."
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, những người bán bóng vẫn lặng lẽ mưu sinh, không lễ Tết, không đi chơi, không áo quần xúng xính...
Những người bán bóng cứ vác bóng đến trước các cửa khu vui chơi, công viên, trưng ra những chỗ nhiều trẻ con nhất. Thậm chí họ mò mẫm vào từng con phố, khu dân cư, cứ đâu có trẻ con là họ có mặt. Thế là, chẳng có bố mẹ nào từ chối được con mình, đành tặc lưỡi cho xong, “có chục bạc thôi mà”, nhưng thực ra trong lòng không ưng gì mấy "thằng lỏi con" bán bóng. Có người thì ghét ra mặt: "Chúng mày biến đi không? Rặt một lũ ăn dỗ trẻ con".
Làm nghề bán bóng bay, không "dụ dỗ" trẻ con thì chết đói. Anh Nghĩa sinh năm 1988 đã có thâm niên 8 năm với nghề bán bóng nói: “Em không phải tự hào chứ em biết gần như rõ trẻ con khu nào thích bóng loại nào."
Đi bộ chục cây số một ngày
Theo chỉ dẫn của mấy người bán bóng, chúng tôi tìm được đến khu Linh Quang, phường Văn Chương (quận Đống Đa) nơi được mệnh danh là đại bản doanh của những người bán bóng bay và đồ chơi dạo.
Chỗ anh Nghĩa chẳng rộng rãi gì, ước chừng chỉ 40m2, nhưng có lúc "nèn" (từ của anh Nghĩa, tức là "lèn") được tới mấy chục người. Toàn những người đi bán bóng, hoặc đi bán bóng thuê, hoặc dân đánh giầy... Đàn ông ở dưới tầng 1, còn chị em thì cheo leo trên gác xép.
Cơm nước thì ăn chung thành từng nhóm 3, 4 người. Bữa cơm chiều có sớm thì cũng bắt đầu lúc... 11h đêm. Tiền ngủ tính 3.000đ/người/đêm, cao điểm, những ngày cận lễ, Tết thì tính 6.000đ/người/đêm. Đi bán bóng thuê thì nhận bóng đi bán, chủ không tính tiền ngủ qua đêm.
Ai giàu có lắm thì mới đi bán bóng bằng xe đạp, còn lại, chủ yếu là đi bán bằng... chân của mình. Một chị tuổi chừng 35, 37 ngùi ngùi: "Mỗi ngày đi cả chục cây số vòng quanh phố phường, có lúc đi bộ sang bên kia cầu Chương Dương, loanh quanh bên đấy đến tối mới lại cuốc bộ về bán bên bờ hồ Tây.
Nhà anh Bình làm nghề bơm bóng trong ngõ khu Văn Chương. Anh Bình bảo: “Người bơm bóng ở Hà Nội chủ yếu là dân Hà Nam lên, mỗi người ở một chỗ, người thì ở ga Hàng Cỏ, người thì ở ngoài bãi, người tít trong Thanh Xuân, người ở Khâm Thiên, người ở Bạch Mai... Chúng tôi cùng làng, đều có quan hệ họ hàng xa gần nên không cạnh tranh nhau, ai làm vùng nào thì cứ làm vùng ấy".
Cả nhà anh Bình đều bơm bóng và bán bóng
Vợ chồng anh Tuấn chị Hạnh quê ở Thanh Liêm - Hà Nam: Chỉ với mấy quả bóng bay, ít đồ chơi rẻ tiền này, nhưng đó lại là nguồn sống của cả gia đình tôi ở quê đó.
Những dịp lễ như vừa qua, mọi người cũng dễ dãi hơn không kỳ kèo mặc cả nên cũng “ kiếm” được đôi chút cho các cháu ở nhà vào năm học mới. Đến Tết cũng chỉ có mẹ nó về quê ăn Tết cùng lũ nhỏ, còn tôi cứ mùng 5-6 về ăn Tết sau cũng được. Tội gì chỉ có những ngày lễ với Tết là bán được tội gì mà không cố”
Lo toan cho cuộc sống vất vả phía trước, những phụ nữ và đàn ông ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh chỉ ước ao gặp được khách, bán hết hàng để họ không phải mang về. Trong dòng người, những gia đình dạo chơi đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp vẻ lam lũ, cần cù, chịu thương chịu khó của những lao động ngoại tỉnh mưu sinh ở Hà Nội.