Cái duyên đã giúp chị Thau trở thành con nuôi của vợ chồng bà Vàng, ông Đạc. Gần ba mươi năm nuôi nấng, che chở, khi Thau muốn tìm lại bố mẹ đẻ, ông bà không một chút đắn đo đã bán từ hạt thóc, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ để có tiền đi tìm lại người thân cho con nuôi.
Duyên nợ với cô con nuôi
Chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Đặng Xuân Đạc và bà Trần Thị Vàng ở thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cặp vợ chồng nổi tiếng với tấm lòng cao cả khi bán cả gia sản để tìm lại cha mẹ đẻ cho con gái nuôi.
Khi được hỏi về chuyện hai vợ chồng ông đã làm tất cả cho con gái nuôi của mình, ông Đạc xua tay nói: “ Có gì to tát đâu! Là người Việt mình ai cũng sẽ làm hết mình vì con, con nào cũng là con, tôi coi Thau như con đẻ. Khi tôi tìm lại được cha mẹ đẻ cho Thau, thấy cháu vui chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng vì từ khi cháu nó có ý định tìm lại gốc tích của mình, tôi luôn canh cánh trong lòng làm sao phải tìm lại bằng được người thân cho cháu”.
Nhận làm con nuôi là cái duyên của vợ chồng tôi với Thau, ông Đạc kể lại: “Khoảng tháng 5/1986, vợ chồng tôi có việc ở Quảng Ninh, trên đường về đến bến đò Phả Lại, chúng tôi ghé vào quán của bà lão ở bến đò thì thấy một bé gái chừng sáu, bảy tuổi (Thau), mặt mày lem luốc, quần áo rách rưới quanh quẩn trước quán. Thấy vậy, vợ tôi liền lấy một chiếc bánh bóc cho cháu ăn, chỉ loáng cái đã hết. Tôi thấy cháu bé ăn một cách không bình thường, vì cháu ăn như chưa bao giờ được ăn, như đã bị bỏ đói lâu lắm rồi. Thấy cháu bé gầy guộc, hốc hác, cả hai vợ chồng tôi không cầm nổi những giọt nước mắt xót xa. Cố trấn tĩnh lại mình, tôi hỏi thăm bà lão chủ quán, bà cho biết: “Khoảng 20 ngày trước, từ chuyến đò bên Quảng Ninh sang đây thì thấy con bé này cứ khóc gọi bố, gọi mẹ mà không thấy ai đến nhận. Nó đi ăn xin loanh quanh khắp các hàng quán, nhà dân và cả hành khách qua đây, ai cho gì thì ăn nấy. Mấy hôm trước có người đã vớt được nó ở dưới sông mang vào đây, từ hôm đấy đến giờ tôi cho nó ở lại đây… Thấy thương cảm cho hoàn cảnh cô bé, chúng tôi đã bàn nhau xin bà cụ cháu bé về nuôi, nhưng bà cụ không đồng ý. Về nhà, chúng tôi có kể lại câu chuyện về cháu bé đã gặp cho mẹ tôi nghe, mẹ tôi nói đó là “cái duyên” và động viên vợ chồng tôi quay lại đón cháu bé về làm con nuôi. Ngay ngày hôm sau, tôi cùng em trai xuống bến đò Phả Lại để xin bà cụ cháu bé về làm con nuôi. Lúc đầu bà cụ cũng chần chừ mãi nhưng khi tôi đưa chứng minh thư để bà cụ biết quê quán, bà cụ đã đồng ý cho tôi nhận Thau làm con nuôi. Tôi còn ghi lại địa chỉ gia đình tôi và số điện thoại ở vách quán bà lão, để khi nếu người thân của Thau có đến đấy tìm thì theo địa chỉ mà đến tìm cháu”.
Khi nhận Thau về làm con nuôi, điều kiện kinh tế gia đình tôi vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, mà thời gian ấy năng suất lúa còn rất thấp, mấy sào ruộng không đủ ăn. Thế nhưng ông Đạc, bà Vàng vẫn lo cho Thau ăn học như bạn bè cùng trang lứa. Tên Thau là do ông Đạc đặt để cho vần với bà Vàng, vợ ông “ Vàng Thau”, còn ngày tháng năm sinh thì lấy theo ngày nhận Thau về làm con cho dễ nhớ.
Theo thời gian, Thau lớn lên trong vòng tay che chở và nuôi dưỡng của hai vợ chồng ông Đạc và gia đình. Năm 2005, vào một buổi tối khi Thau đang cùng với cả nhà xem ti vi, có chương trình nói về tìm lại người thân sau nhiều năm. Đêm hôm đó Thau ngủ cùng bà nội, Thau tâm sự với bà: “Cháu muốn tìm bố mẹ đẻ của cháu” rồi òa lên khóc nức nở. Kể từ hôm ấy, lúc nào Thau cũng trong tâm trạng rầu rĩ, thấy vậy vợ chồng ông Đạc cũng thấy lòng rối như tơ vò. ông Đạc phải dỗ dành nhiều lần và nói với Thau: “Bố mẹ hứa sẽ tìm lại bằng được bố mẹ đẻ và người thân cho con”, đó cũng là quyết tâm của vợ chồng ông. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, không một chút manh mối, ông Đạc rất nhiều lần hỏi Thau xem có nhớ quê quán, về người thân hay những thông tin về nơi mình sinh sống trước khi thất lạc. Thau chỉ vỏn vẹn nhớ một chi tiết là quê mình “mọi người hay đội cái gì lên đầu”, tên mình là Mộng, ngày bé bố hay cõng đi chơi, còn mọi thông tin khác cũng chỉ lơ mơ không cụ thể.
Không chịu bỏ cuộc, ông Đạc, người thân, bạn bè đi dò hỏi khắp nơi mong có thể tìm thấy cha mẹ đẻ và người thân cho Thau, phải tìm bằng được vợ chồng ông mới an lòng.
Bán cả gia sản đi tìm người thân cho con
Thấy con nuôi ngày một ủ rũ, vợ chồng ông Đạc cũng phiền lòng, trong khi gặng hỏi mãi Thau cũng không có thêm được những thông tin nào về quê quán. Chi tiết mà thau nhớ cái gì đội trên đầu, đó là đội thúng trên đầu, nó chỉ có ở một số tỉnh đồng bằng duyên hải, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Vì đây là các tỉnh hay xảy ra mưa bão, nước đầy thay vì gánh họ đội thúng lên đầu để tránh nước. ông Đạc bàn với vợ sẽ đưa Thau đi một chuyến, dù có tìm được hay không để hai vợ chồng ông bớt phần day dứt. Rồi đưa ý kiến bàn với cả gia đình đều được tán thành.
ông Đạc kể: Kinh tế gia đình khó khăn nên không sẵn tiền. Gia sản duy nhất bán được là số thóc, là nguồn lương thực hằng ngày của cả gia đình. Vợ chồng ông phải bán hai tạ thóc được chín trăm nghìn đồng cộng thêm hai triệu đồng vốn vay sinh viên của con gái đẻ vừa đỗ đại học được vay để làm kinh phí đi lại. Khi đó, ông Đạc cùng Thau bắt xe từ Bắc Ninh đi Nam Định, khi chạy đến Đồng Văn tỉnh Hà Nam, thấy khách lên xuống ông hỏi mấy người đi cùng xe ngồi gần mình, anh về đâu, chị về đâu, cô về đâu? Thấy ông hỏi có điều gì đó kỳ quặc, một người ngồi cạnh hỏi lại, thế anh về đâu sao ai cũng hỏi về đâu? ông Đạc buột miệng: “ Tôi cũng không biết tôi về đâu nữa!”. Thấy vậy, mọi người nghĩ ông có việc gì đó xúm lại hỏi.
Khi nghe ông kể lại toàn bộ câu chuyện của mình, mọi người đều cảm phục ông và thương cảm cho Thau. Mỗi hành khách cùng chuyến xe gom góp nhau lại được hơn một triệu đồng giúp đỡ cho ông vì vẫn còn chặng đường dài phía trước. May mắn hơn, có một đồng chí sĩ quan quân đội cùng chuyến xe, dựa vào mối quan hệ của mình giới thiệu cha con ông Đạc với hội cựu chiến binh tỉnh Hà Nam, lại được giới thiệu sang hội chữ thập đỏ và công an tỉnh. Có một ít tiền để đi lại của hai cha con nhưng ông Đạc bỏ chín trăm nghìn đồng để thuê Đài phát thanh Hà Nam đọc tin tìm người thân cho Thau, vài trăm nghìn đồng để đăng tin lên báo. Hai ngày cha con ông đi đến khắp các quan để nhờ sự trợ giúp tìm người thân cho Thau với hy vọng tìm lại cha, mẹ đẻ cho con.
Tiếp tục cuộc hành trình từ Hà Nam xuống Nam Định, cũng theo cách đã làm ông Đạc đem nốt những đồng tiền ít ỏi còn lại để thuê đài phát thanh, rồi báo Nam Định để phát tin tìm người thân cho Thau. Qua mấy ngày lăn lộn tìm kiếm khắp nơi, nhưng vẫn chưa có chút manh mối gì khiến ông bắt đầu thấy rệu rã thì có người bên Hội chữ thập đỏ Nam Định báo tin với hai cha con là Công an tỉnh Hà Nam vừa gọi điện xuống đây, họ nói là đã tìm thấy gia đình cho cháu nhà ông rồi. Nghe đến đó, ông như vỡ òa trong niềm vui hòa chung với nước mắt khi biết đã tìm thấy người thân cho con nuôi của mình. Ngay lập tức ông bắt xe đưa Thau về Công an Hà Nam. Cậu mợ, dì và chật cứng người thân bên gia đình mẹ đẻ Thau đang chờ Thau.
Gặp lại cháu mình sau mấy chục năm mất tích tưởng chừng như không bao giờ gặp lại nữa, cậu của Thau nắm lấy vai ông Đạc lay lay như một lời cảm ơn thay cho lời nói “anh đã nuôi cháu tôi khôn lớn thế này rồi ư, chắc gia đình anh chị cũng vất vả với cháu nhiều”. Anh em, họ hàng, bên đẻ nhà Thau xúm quanh ông Đạc, một người đàn ông khoảng ngoài năm mươi tuổi bước lại sát nói: “Để tôi xem anh là người thế nào, đội ơn anh đã nuôi cháu được như ngày hôm”, chưa dứt lời, những giọt nước trên khóe mắt dòng dòng chảy xuống, người đàn ông ấy là em trai của mẹ đẻ thau. Mẹ đẻ Thau ốm đau không đi đón con gái được, bố thì nghe nói đã có vợ hai ở dưới Quảng Ninh nên cũng bặt tăm.
Ngày hôm sau, khi ông nói với Thau: “Bố đã tìm được mẹ đẻ và người thân cho con, con cứ ở lại với mẹ đẻ, thỉnh thoảng về nhà mình thăm mọi người nhé!”. Từ biệt con, ông thấy bùi ngùi như vừa mất đi một cái gì đó mà trước đây hằng ngày ông vẫn thấy.
Giờ đây, chị Thau đã trở về với cái tên Mộng của mình, sống cùng và chăm sóc mẹ đẻ gần bảy mươi tuổi hay ốm đau bệnh tật, chị không bao giờ quên công ơn nuôi dưỡng và ân đức cao cả của bố mẹ nuôi: “Công ơn của bố mẹ nuôi quá lớn, tôi không biết lấy gì để đền đáp. Thời gian trước tôi cũng thỉnh thoảng bắt xe về thăm bố Đạc, mẹ Vàng nhưng giờ mẹ đẻ tôi đau ốm thường xuyên nên không đi thăm được. Tôi vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm bố mẹ nuôi và gia đình. Tôi cầu mong cho tất cả gia đình luôn mạnh khỏe, bình an”, chị Thau thổ lộ.
Qua câu chuyện cảm động về đức cao cả của cha, mẹ nuôi, ông Đạc bà Vàng, tôi lại nhớ đên câu “Công cha như núi thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, nhưng công của ông Đạc cao hơn núi, nghĩa của bà Vàng nhiều không có nguồn nào tả được.