Đời sống

Cử nhân ngân hàng IELTS 7.0 đi bán bánh mì

Đinh Văn Cường - cậu cử nhân ngành tài chính với điểm IELTS 7.0 - từng khiến bố mẹ sốc vì không theo nghiệp ngân hàng, mà quyết tâm bán bánh mì khởi nghiệp.

Bỏ ngân hàng, chọn bánh mì

“Thuê tôi đi. Tôi đang rất nghiêm túc. Tôi sẽ làm bất kì điều gì bạn cần trong 1 giờ, chỉ với 200.000 đồng. Tôi thực hiện trải nghiệm này hoàn toàn với mục đích gây thêm quỹ cho chuyến đi thiện nguyện sắp tới tại Yên Bái. Tôi là Cường, cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng. Tôi từng làm nhiều nghề, từ bán sách dạo, buôn cà phê cho đến chạy bàn ở quán bar hay dạy kỹ năng mềm. Tôi tham gia sáng lập và hiện đang là Cán bộ dắt xe tại Bánh Mì Cười. Chưa hề thành công nhưng tôi có thể chia sẻ cho bạn một số khó khăn và những sự "khốn khổ khốn nạn" của người khởi nghiệp mà thiếu hụt trầm trọng về vốn, kiến thức và kinh nghiệm. Tôi từng ko biết chút gì về tiếng Anh nhưng sau 1 năm quyết tâm tu luyện cũng thi được 7.0 IELTS”, là nội dung lời rao "bán thân" của Cường gây sự chú ý.

Đinh Văn Cường được biết đến thông qua những chia sẻ trên facebook của cộng đồng mạng về một chàng trai rao “bán thân” làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo ở Yên Bái. Vài gạch đầu dòng giới thiệu về bản thân của Cường khiến nhiều người cảm thấy tò mò và thích thú về sáng lập viên kiêm “cán bộ trông xe” cho quán bánh mì cười ở phố Nam Đồng (Hà Nội).

Cử nhân ngân hàng IELTS 7.0 đi bán bánh mì 1
  Chọn hướng đi khác biệt, Cường chấp nhận nhiều khó khăn, vất vả nhưng luôn vui vẻ. Ảnh: Diệp Sa.

Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, điểm IELTS 7.0, thuộc top “khủng”, Cường hoàn toàn có khả năng xin vào những vị trí có thu nhập tốt liên quan tới tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Nhưng cậu trai 26 tuổi, đến từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh này lại quyết định đi bán bánh mì. Đây là quyết định khiến ngay cả chính bố mẹ cậu cũng sốc.

Cường tâm sự, do ngày trước, khi làm hồ sơ thi đại học, học sinh ở quê chỉ biết tới 2 khối ngành “thoát nghèo” là Kinh tế và Kỹ thuật. Tự thấy mình không hợp kỹ thuật nên theo gợi ý của chị gái, Cường quyết định thi kinh tế và vào một trường rất “hot” lúc bấy giờ là Học viện Ngân hàng. Thi đỗ, nhập học, nhưng càng học, Cường càng cảm thấy đây không phải nghề hợp với mình. Vậy là cậu cố gắng hoàn thành việc học, ra trường nhưng không đi làm ngay mà học thêm tiếp tiếng Anh, thi IELTS và trải nghiệm nhiều nghề khác nhau, từ bán sách dạo, buôn cà phê, chạy hàng quán bar tới dạy kỹ năng mềm.

Cuối cùng, sau khi hoàn thành khóa học “khai sáng” tại một dự án tâm huyết do giới doanh nhân sáng lập nhằm tạo cơ hội cho bạn trẻ được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, Cường phượt ra Hà Nội bằng xe đạp và đi bộ. Sau nhiều suy nghĩ, cân nhắc, cậu quyết định không theo nghiệp ngân hàng mà rủ chị gái cùng một người bạn kinh doanh món khoái khẩu là bánh mì.

Cường chia sẻ: “Mình biết đây là lựa chọn mạo hiểm, có thể khiến mình vất vả hơn nhiều nhưng đã là đam mê thì rất khó giải thích. Bố mẹ mình ban đầu khá bất ngờ nhưng về sau bố mẹ cũng dần chấp nhận, cho mình tự quyết, giúp đỡ mình lúc khó khăn và luôn động viên hai chị em”.

Cử nhân ngân hàng IELTS 7.0 đi bán bánh mì 2
  Cường từng trải qua nhiều nghề trước khi mở tiệm bán bánh mì và tham gia chương trình rao "bán thân", làm từ thiện gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo. Ảnh: Diệp Sa.

Từ bốt bánh mì tới ước mơ chuỗi cửa hàng và làm việc thiện

Ập vào nghiệp kinh doanh ngay nên Cường không chủ động về vốn. Gom góp tiền tiết kiệm và vay mượn thêm, cậu cùng chị gái và người bạn chung vốn khoảng 50 triệu đồng mở bốt bánh mì đầu tiên bán tại phố Trương Định (Hà Nội). Sau đó, cậu chuyển sang thuê cửa hàng là một biệt thự cũ trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm để bán lâu dài. Bánh khá ngon, địa điểm đẹp, kiến trúc quán độc đáo trên con phố đông đúc giúp tiệm bánh mì của Cường đắt khách. Những ngày cao điểm, quán đón tới 400 - 500 lượt khách.

Bánh mì được Cường lựa chọn kĩ càng từ vỏ bánh đặt làm riêng với bột mì chất lượng tốt. Các nguyên liệu ăn kèm như pate, khoai tây, bít tết, bò sốt vang… đều là hàng tự làm, đảm bảo vệ sinh. Rau thơm và dưa chuột cũng được rửa sạch, ngâm nước muối kĩ càng trước khi đưa vào sử dụng. Với ý định làm lớn, lâu dài, Cường đặt tên quán là Bánh Mì Cười và logo là chú dế mèn, dự định nếu thành công sẽ phát triển chuỗi cửa hàng thương hiệu nói trên.

Lý giải về tên quán và logo dế mèn không liên quan tới sản phẩm, Cường chia sẻ: “Tính mình vốn vui vẻ, yêu đời nên muốn khách hàng khi tới quán sẽ luôn vui cười, hài lòng với chất lượng đồ ăn cũng như dịch vụ tại đây. Còn với logo lấy hình chú dế mèn làm linh vật là do mình rất thích hình ảnh chú dế mèn vui tươi, cá tính, vô tư lự trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký của cố nhà văn Tô Hoài. Thực tế, có rất nhiều thương hiệu trên thế giới cũng lấy logo và linh vật không liên quan gì tới sản phẩm, Starbucks với biểu tượng mỹ nhân ngư là ví dụ”. Cường nói thêm, logo dế mèn là do bạn thân làm về thiết kế sáng tạo vẽ tặng bạn dựa trên tinh thần chung của cả nhóm hướng tới. Tên quán cũng là sản phẩm từ ý tưởng của cả nhóm.

Gần một năm quán của Cường khá đông khách tại Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng không hề giúp cậu và hai cộng sự có lợi nhuận. Lý do là 3 chủ quán chưa biết cách quản lý vốn, phân bổ ngân sách hợp lý mà đầu tư nhiều cho thương hiệu. “Từ nguyên liệu như thịt lợn, bò, rau, củ quả phải lấy nguồn sạch và tốt, bánh mì đặt làm riêng phải thơm ngon, đảm bảo tới làm nội thất cửa hàng, đồng phục nhân viên, rồi cả túi giấy đựng bánh mì và những phụ kiện đi kèm cho khách tiện mang đi xa… Những thứ tưởng chừng như lặt vặt nhưng lại khiến giá đội lên đáng kể mà lợi nhuận thấp nên chúng mình liên tục gặp khó khăn về vốn, rất vất vả mới duy trì được quán chứ chưa nói tới thu nhập, lời lãi”, Cường tâm sự.

Cử nhân ngân hàng IELTS 7.0 đi bán bánh mì 3
  Mỗi suất bánh mì có giá 14.000 - 35.000 đồng, được nhiều người lựa chọn làm bữa phụ và cả bữa chính trong ngày. Ảnh: Diệp Sa.

Khó khăn chồng khó khăn khi mặt bằng tại Nguyễn Bỉnh Khiêm bị thu hồi, quán của Cường phải chuyển vội về phố Nam Đồng mới với lượng khách ít hẳn. Diện tích quán nhỏ hẹp và quan trọng nhất là lượng khách hàng quen có thể vì ngại đi xa mà vơi đáng kể. Nhiều lúc nản chí, Cường đã từng nghĩ chuyện chuyển hướng. “Nhưng rồi mình phải gạt ngay những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Bên cạnh mình còn chị và người bạn chung vốn. Mình phải học cách chấp nhận làm cả những việc mình không thích để hướng đến thành công. Mình chấp nhận rửa bát, chấp nhận vào bếp, trông xe… tất cả các công việc mình chưa từng thích trước đó”, Cường tâm sự.

Trái lại với diện tích nhỏ hẹp của địa điểm mới chuyển đến, lượng khách đến với cửa hàng ngày một đông. Nhiều khách ở xa cũng tìm tới tận nơi hoặc đặt hàng qua mạng. Hồng Nhung (SV ĐH Ngoại Thương Hà Nội) chia sẻ: “Món bánh mì chảo cười ở đây khá ngon. Cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình như người nhà. Đồ ăn sạch sẽ và quan trọng nhất là chủ quán cũng như nhân viên ở đây luôn lắng nghe khách hàng với thái độ cầu thị, biết rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Mình với bạn bè thỉnh thoảng vẫn qua đây vào dịp cuối tuần, vì mến người mến quán hơn cả vì chất lượng đồ ăn”.

Chú Hùng, tài xế taxi Mai Linh thường xuyên mua bánh mì tại quán cho biết, giá bánh ở đây dao động 15.000 - 35.000 đồng/suất. Thông thường, chú Hùng tiêu 15.000 đồng cho bữa sáng và 35.000 đồng cho bữa trưa với bánh mì tới 2 - 3 ngày/tuần. Tuy giá bánh mì tại quán này đắt hơn vài ngàn so với bánh mì rong ngoài đường nhưng khách hàng này tới ăn thường xuyên vì cảm giác sạch sẽ, ngon và phục vụ nhiệt tình.

Bắt đầu khởi sắc từ tháng 7, Cường vui mừng chia sẻ quán của cậu đã cho những đồng lãi đầu tiên sau 1,5 năm đầy khó khăn. Dự định cuối năm sẽ mở thêm một quán nữa, Cường nói: “Thêm một cửa hàng là thêm rất nhiều vấn đề. Sau nhiều bài học đắt giá, mình rút ra được nhiều kinh nghiệm nên sẽ có kế hoạch rõ ràng hơn, tỉ mỉ hơn nhằm giảm thiểu rủi ro". Cậu cũng chia sẻ ý định xây dựng chuỗi cửa hàng thương hiệu bánh mì cười với các món ngon về bánh mì, công thức được chuẩn hóa về định lượng và đi kèm với đó là chất lượng dịch vụ tốt. Hiện tại, bên cạnh những công việc chính, Cường dành không ít thời gian cho việc trưng cầu và lắng nghe ý kiến góp ý của khách hàng. Với mỗi ý kiến tiêu cực, cậu đón nhận một cách trân trọng, truy tìm nguyên nhân và giải quyết nhanh chóng.

Kết hợp với đơn vị tổ chức triển khai chương trình thiện nguyện hướng tới trẻ em nghèo tại Yên Bái, Cường cũng trích lãi mỗi suất bánh mì bán ra 1.000 đồng gây quỹ từ thiện. Đồng thời, cùng nhiều bạn trẻ khác, cậu rao “bán thân”, chấp nhận mọi công việc làm thuê để lấy tiền công góp quỹ từ thiện.

Chủ quán bánh mì cười bẽn lẽn chia sẻ: “Doanh nghiệp lớn bên cạnh hoạt động kinh doanh còn có trách nhiệm xã hội thì quán bánh mì của mình cũng có những hoạt động thiết thực tương xứng. Khách nhà mình cũng vui hơn khi biết rằng với mỗi suất bánh mì họ đang thưởng thức đồng nghĩa với việc họ đã cùng chúng mình chung tay làm việc tốt vì trẻ em nghèo vùng cao. Đó cũng là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh mà mình hướng tới”.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,317,172       274