Tại nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột còn khoảng 30 phụ nữ gắn bó với việc chăm sóc mộ phần đã hàng chục năm. Mỗi người nhận chăm sóc hàng trăm ngôi mộ với tiền công 20.000-40.000 đồng.
Khi mặt trời mới vừa lên, tại khu nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nằm trong khu đất rộng thênh thang vắt trên lưng một ngọn đồi dốc, thấp thoáng dáng những phụ nữ len lỏi giữa hàng ngàn ngôi mộ. Họ bịt khăn, đội nón kín mít, một tay cầm giẻ lau, một tay xách theo xô nước và cây chổi, lom khom lau dọn từng ngôi mộ thật tỉ mỉ. Với họ, đây chính công việc suốt mấy chục năm qua.
Ít ai dám làm
Suốt 10 năm qua, trừ những ngày đau ốm, bất kể nắng mưa, mỗi ngày 2 buổi, bà Đỗ Thị Thu đều đặn ra nghĩa trang để lau chùi những ngôi mộ và quét dọn khuôn viên xung quanh. Ngoài ra, vào những ngày rằm, lễ, bà còn đến thắp nhang, mua hoa quả, giấy tiền cúng cho những người đã khuất và ở lại đến tối mới về.
Khi được hỏi làm nghề này có buồn và sợ không, bà cười: “Có gì đâu mà sợ! Làm riết rồi quen, nghỉ một thời gian là cảm thấy nhớ. Vì làm cả ngày nên tôi thường ăn trưa và ngủ cạnh các ngôi mộ”.
Bà Thu nhận chăm sóc tổng cộng 230 ngôi mộ, trong đó có 200 mộ cải táng và 30 mộ lớn. Mỗi ngôi mộ lớn người ta trả bà 40.000 đồng/tháng; còn mộ nhỏ, mộ cải táng thì chỉ 20.000 đồng. “Những ngày mới vào, tôi chỉ được nhận lau chùi 3 ngôi mộ với giá 15.000 đồng/mộ, một tháng chỉ được 45.000 đồng mà hôm nào cũng phải làm. Bây giờ, tôi nhận hơn 200 mộ, thu nhập cũng đỡ lắm rồi” - bà Thu cho biết.
Tại nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột còn khoảng 30 phụ nữ gắn bó với công việc chăm sóc mộ phần đã hàng chục năm. Mỗi người nhận chăm sóc hàng trăm ngôi mộ với tiền công 20.000-40.000 đồng/tháng/mộ. Tuy nhiên, không phải tháng nào họ cũng được nhận thù lao vì tiền công trả theo thỏa thuận với chủ mộ. Có khi một tháng họ nhận vài triệu đồng nhưng cũng có tháng không được đồng nào. Những tháng như vậy, các “ôsin” nơi đây phải chạy ăn từng bữa.
“Thu nhập thấp vậy chứ cũng giúp tôi nuôi 2 con ăn học nên người. Một đứa đang làm ngân hàng, đứa kia vừa ra trường” - bà Hoa (51 tuổi), có thâm niên 12 năm làm nghề này, tâm sự.
Phần lớn những người chăm sóc mộ phần đều có hoàn cảnh khó khăn, được người quen giới thiệu vào nghĩa trang làm. Bà N.T.A, người có thâm niên lau mộ lâu nhất ở nghĩa trang này, thổ lộ: “Công việc vất vả và nhiều oái ăm lắm nên ít ai dám làm, chỉ những người khó khăn như chúng tôi mới chấp nhận thôi”.
Tủi phận nghề
Cặm cụi làm việc dưới cái nắng như thiêu như đốt, bà Đặng Thị Kim Thủy không giấu nét buồn bã trên khuôn mặt khi tâm sự với chúng tôi về nghề của mình. Bà Thủy nhận hơn 100 ngôi mộ lớn nên ngày nào cũng phải ra nghĩa trang thật sớm để lau dọn đến tận chiều tối mới xong.
“Công việc này vất vả là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu và cảm thông. Với những người thường xuyên vào thăm mộ, họ tận mắt chứng kiến mình làm việc nên thông cảm. Còn với những người thân ở xa, lâu ngày mới quay lại thăm mộ một lần, chỉ cần thấy không được sạch như ý muốn là họ cằn nhằn. Thậm chí, có người còn la mắng, xỉ vả rất khó nghe” - bà Thủy kể.
Theo bà Thủy, việc bị cằn nhằn, la mắng chưa phải là điều khổ tâm nhất của những người làm nghề này. Điều khiến bà và mọi người khổ tâm nhất là phải đối mặt với không ít sự kỳ thị. Mười năm chăm sóc mộ ở nghĩa trang là chừng ấy cái Tết bà Thủy không dám đến xông nhà đầu năm cho ai, bởi nhiều người quan niệm làm việc ở nghĩa trang thường mang lại điều không tốt cho gia đình họ, ảnh hưởng đến cả năm làm ăn.
Với bà Đỗ Thị Thu, mỗi lần nghe con gái kể chuyện bị bạn bè chọc ghẹo ở lớp về nghề của mẹ, bà lại ứa nước mắt. “Nhiều khi đi đâu chơi, có ai hỏi về nghề nghiệp, tôi chỉ dám nói mình làm bên môi trường” - bà rớm nước mắt.
Mặc dù phải chịu rất nhiều vất vả, buồn tủi với nghề nhưng những phụ nữ ở nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột vẫn ngày ngày lầm lũi làm việc. Với họ, đây không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là tấm lòng đối với người đã khuất.
Bị quỵt tiền công Bà Đỗ Thị Thu cho biết nhiều người do làm ăn thất bại hay biến cố gia đình nên phải chuyển đến địa phương khác sinh sống, để lại mộ phần của người thân. Vì lương tâm, trách nhiệm với người đã khuất, bà và các đồng nghiệp vẫn chăm sóc các mộ phần này một cách chu đáo. “Nhiều người vẫn ở địa phương nhưng tìm mọi cách để không trả tiền công cho chúng tôi dù mộ phần của thân nhân họ luôn được chăm sóc đầy đủ” - bà Thu cám cảnh. |