Dù biết khả năng đỗ rất thấp, mức lương không cao nhưng 5 ngày qua rất nhiều người đã đổ về khu vực Cục Thuế Thành phố Hà Nội nộp hồ sơ với hi vọng có thể tìm được một công việc ổn định.
Sau 5 ngày thu hồ sơ (từ 11/8 - 15/8) thi tuyển công chức tại Cục thuế Hà Nội (đường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng lượng người đổ về nộp hồ sơ những ngày qua khiến nhiều người dự đoán Cục thuế Hà Nội đã nhận số hồ sơ lớn gấp nhiều lần 1.796 chỉ tiêu mà Cục thuế tuyển dụng.
Điều dễ nhận thấy là trong tất cả các thí sinh đến nộp hồ sơ chiếm đến 80% là các nữ sinh vừa rời ghế nhà trường với mong muốn tìm được một công việc ổn định, đúng chuyên ngành.
Chị Bùi Thị Hương (SN 1991) tốt nghiệp Khoa kế toán nhưng hiện tại cô cựu sinh viên trường Học viện Tài chính này đang phải làm nhân viên văn phòng cho một công ty tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Cầm tấm bằng cử nhân ròng rã đi xin việc nhưng chẳng có nơi nào gọi nên cuối cùng Hương chấp nhận vào khu công nghiệp làm nhân viên hành chính.
Dù đang mang thai ở tháng thứ 5 nhưng Hương vẫn nhờ mẹ đẻ chở đến và xếp hàng nộp hồ sơ với mong muốn được làm đúng chuyên ngành đào tạo. “Hiện tại tôi đang làm nhân viên hành chính, công việc không đúng với chuyên ngành kế toán. Khi biết tin Cục Thuế Hà Nội tổ chức thi tuyển công chức tôi nộp hồ sơ dự thi với mong muốn có thể làm đúng chuyên ngành”, Hương tâm sự.
Hương không phải trường hợp hiếm gặp giữa thời buổi "thừa thầy thiếu thợ" này. Ra trường với tấm bằng loại ưu chuyên ngành Tài chính, Thu Minh (SN 1992, Học viện Tài chính) cũng giống như rất nhiều người khác chuẩn bị cho mình một xấp hồ sơ để đi “gõ cửa” các nhà tuyển dụng.
Khi biết tin Cục thuế Hà Nội thi tuyển công chức, Minh cũng chuẩn bị cho mình một bộ hồ sơ đem nộp để thử vận may. Cầm trên tay phiếu ghi số thứ tự, Minh buồn bã cho biết số thứ tự của mình vừa phải mất hàng tiếng đồng hồ để lấy ghi rõ ngày mai quay lại nộp hồ sơ.
Dù biết "tỉ lệ chọi" rất cao nhưng Minh vẫn muốn thử vận may của mình. Hiện tại, ngoài nộp hồ sơ thi tuyển tại Cục Thuế Hà Nội, Minh cũng gửi hồ sơ đến nhiều nơi, trong đó có cả các công ty nước ngoài.
Minh cho biết: “Em vừa nhận bằng tốt nghiệp được ít hôm, khi biết Cục Thuế Hà Nội tuyển công chức em cũng muốn tìm cho mình một cơ hội. Mong muốn có được một công việc ổn định và được làm đúng chuyên ngành của mình có lẽ là điều mà rất nhiều sinh viên mới ra trường như em mơ ước”.
Phần lớn những người đến nộp hồ sơ thi tuyển tại Cục Thuế Hà Nội đến từ các trường Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngân hàng và Đại học Công nghiệp. Bên cạnh các ứng cử viên trẻ tuổi, vừa tốt nghiệp ra trường cũng có một lượng những người đã từng công tác tại các đơn vị khác nhau hy vọng có thể tìm được công việc ưng ý.
Chị Dương Thị Dung (SN 1983, Đại học Kinh tế Quốc dân) hiện tại đang làm kế toán cho một công ty trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Mức lương hiện nay của chị là 8 triệu đồng, chưa tính các khoản phụ cấp khác, nhưng chị Dung vẫn chấp nhận mức lương thấp hơn khi đi nộp hồ sơ thi tuyển vào công chức.
“Đây là lần thứ hai tôi đăng ký thi, nhưng lần trước là thi thử xem sức mình đến đâu còn lần này tôi hi vọng có thể tìm được một công việc tốt hơn, ổn định hơn để có thời gian chăm lo cho gia đình”, chị Dung chia sẻ.
Không riêng gì ngành kế toán, kể cả những ngành “hot” khác hiện nay, sinh viên ra trường cũng muốn thi tuyển công chức để tìm được một việc làm vừa sức và ổn định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trần Hữu Thắng cho biết, có ba lý do chính dẫn đến còn tồn tại tình trạng chen chân thi công chức mặc dù biết trước rằng mức lương ở đây không cao so với bên ngoài: Thứ nhất là có được công việc ổn định; thứ hai là có môi trường thuận lợi và cuối cùng là giúp họ có một tầm nhìn rộng hơn.
“Khi vào công chức họ sẽ được sắp xếp công việc đúng chuyên môn và ổn định hơn. Đây là điều mà rất nhiều người mong muốn. Bên cạnh những khó khăn nhất định thì nhìn chung những người làm công chức vẫn có môi trường công tác thuận lợi hơn so với bên ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể phát huy hết khả năng của mình.
Cuối cùng là tùy vào đặc thù công việc mà người công chức có được tầm nhìn, có được sự hiểu biết về các nội dung, vấn đề rộng hơn so với các môi trường khác. Họ sẽ có cách nhìn nhận, cách đánh giá nhiều khi không chỉ bó hẹp trong phạm vi một ngành, một lĩnh vực. Và cũng chính trong môi trường này mới tạo điều kiện cho họ có được tầm nhìn đó, còn trong những môi trường khác sẽ rất khó”, nguyên Thứ trưởng cho biết.