Theo thống kê, khi sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng mỗi khách hàng sẽ phải chịu khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, người dùng Việt Nam hiện sở hữu hơn 63 thẻ ghi nợ nội địa, cao gấp 17 lần so với con số 3,6 triệu hồi cuối năm 2006. Khi có số lượng khách hàng nhiều hơn cũng là lúc các nhà băng mạnh tay tính phí hơn trước.
Hiện nay, mỗi cá nhân thông thường sở hữu ít nhất một thẻ ghi nợ nội địa ATM, không ít người cũng đã tiếp cận và thường xuyên dùng thẻ tín dụng (Visa, Master Card hay JCB, American Express...).
Theo thống kê, ước tính mỗi khách hàng sẽ phải chịu khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Ngoại trừ phí mở tài khoản, thẻ vẫn được các nhà băng duy trì hình thức miễn, hầu hết các dịch vụ khác đã được tính phí.
Một thẻ ATM theo tính toán sẽ phải chịu: Phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000-90.000 đồng, phí phát hành lại thẻ 25.000-66.000 đồng, phí cấp lại số pin 10.000-33.000 đồng, phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ) từ 39.600-132.000 đồng, phí tra soát nếu không đúng từ 10.000-110.000 đồng, phí chuyển khoản 1.650 đồng, phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550-1.650 đồng, trả thẻ bị nuốt tại máy ATM từ 5.000-20.000 đồng... Cá biệt có NH còn thu 10.000 đồng phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.
Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng số nhà băng thu phí ATM nội mạng rất ít (chỉ khoảng 10/46 đơn vị) nhưng thực tế cho thấy, đây đều là những đơn vị chiếm thị phần thẻ lớn nhất cả nước. Ngoài ra, mỗi chủ thẻ còn phải trả các khoản phí giao dịch cơ bản khác như Internet Banking, phí dịch vụ SMS Banking...
Còn với thẻ tín dụng, người dùng sẽ phải đối mặt với một "rừng" biểu phí khác, từ phí phát hành đến phí thường niên, phí rút tiền, phí chậm thanh toán, phí khiếu nại...
Chưa kể, mỗi giao dịch nộp tiền và rút tiền, chuyển tiền tại quầy hiện cũng đã mất phí. Tùy vào chính sách của mỗi ngân hàng, chi phí cho các giao dịch của một chủ thẻ mỗi năm dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Nhiều phí, dịch vụ có tốt hơn?
Lý giải về các loại chi phí trên, một nhân viên ngân hàng cho biết, đối với chi phí phát hành thẻ, mục đích là nhằm huy động vốn từ việc phát hành thẻ hoặc huy động vốn không kỳ hạn từ số dư trên thẻ. Đối với các chi phí phát sinh khi giao dịch như: Chi phí rút tiền tại ATM ngân hàng, ATM ngân hàng khác, phí in sao kê… tất cả chủ yếu để bù vào chi phí bảo trì, chi phí sử dụng máy ATM, ngoài ra ngân hàng không hưởng lợi gì nhiều.
Bên cạnh đó, đối với một máy ATM thì tốn rất nhiều chi phí, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì, chi phí nhân sự đi tiếp quỹ… vì thế, việc thu phí chủ yếu để tu bổ lại hệ thống ATM, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao dịch của người dân.
Lãnh đạo một ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ cho biết, các mức phí đều được công khai và được ngân hàng tính toán rất kỹ lưỡng để không quá cao với người Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ của hệ thống vẫn chưa thực sự tương xứng, điều này khiến không ít khách hàng phiền lòng. Theo một kết quả khảo sát gần đây của Ernst & Young (EY) cho thấy, 50% khách chia tay ngân hàng trong 12 tháng qua vì chất lượng dịch vụ không tốt, 20-30% người được hỏi mở hoặc đóng tài khoản ngân hàng vì vấn đề lãi suất và phí.
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và họ cần có nguồn thu để chi trả hoạt động, dịch vụ và không thể mãi miễn phí như các năm trước đây. "Việc họ thu phí các dịch vụ là dễ hiểu và đúng xu hướng chung của mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, nếu thu phí mà nhân viên giao dịch không nhiệt tình, ATM vẫn trục trặc, hệ thống chuyển khoản online giờ cao điểm lại nghẽn mạng... thì khách hàng vẫn không thể hài lòng và tâm phục", ông nói.