Xu hướng tặng quà cho trẻ nhỏ nhân ngày Tết thiếu nhi (1/6) ngày càng trở lên phổ biến. Năm nay, bên cạnh những món đồ chơi truyền thống, nhiều cha mẹ mạnh tay sắm đồ chơi "xịn" hoặc lựa chọn đồ chơi trí tuệ, thông minh cho con.
Thị trường đồ chơi phong phú
Cha mẹ chiều con mua cả đồ chơi "cấm"
Đã từ lâu theo quy định của các cơ quan chức năng cấm tất cả các đồ chơi mang tính chất bạo lực, không phù hợp với sự phát triển của trẻ nhỏ. Thế nhưng vì lợi nhuận cũng như nhu cầu của người tiều dùng thì đồ chơi bạo lực vẫn được bày bán tràn lan, công khai. Trong khi đó lực lượng chức năng, quản lý thị trường lại không kiểm soát hết hoặc thờ ơ nên việc đồ chơi bạo lực vẫn tung hoành là điều dễ hiểu. Dạo quanh những tuyến phố chuyên cung cấp đồ chơi cho trẻ nhỏ có tiếng tại Hà Nội nhưng ngày sát Tết thiếu nhi như chợ Đồng Xuân, Lương Văn Can, Hàng Mã… khá nhộn nhịp. So với mọi năm thị trường đồ chơi năm nay có phần đa dạng và mẫu mã cũng bắt mắt hơn.
Nếu những loại đồ chơi mang tính chất truyền thống và mang đậm chất Việt có phần lép vế và trở nên ế ẩm. Ngay cả trò chơi từng làm mưa làm gió trên thị trường của Việt Nam như tosy cũng trở nên lạc hậu, lỗi thời mặc dù nhà sản xuất cố gắng trong việc chế tạo, sản xuất các đồ chơi mới.
Các loại đồ chơi bạo lực mặc dù lực lượng chức năng đã cấm nhiều năm nay nhưng tại nhiều điểm bán vẫn ngang nhiên bày bán công khai. Với trẻ nhỏ, đồ chơi bạo lực luôn lôi cuốn chúng, nhưng các bậc cha mẹ lại không hướng con mình đúng cách. Tại các điểm vui chơi giải trí, các công viên những sạp hàng bán đồ chơi di động cũng không có nhiều sự lựa chọn. Còn đối với những mặt hàng đồ chơi nhập khẩu từ các nước như: Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… được bán tại các showroom, trung tâm thương mại đáp ứng nhiều yếu tố về trí tuệ, thẩm mỹ cũng như khơi gợi trí thông minh của trẻ. Nhưng, trở ngại lớn nhất đối với người tiêu dùng vẫn là giá cả.
Anh Bình mua một khẩu súng chiều theo ý con trai mình. Khảo sát của chúng tôi tại nhiều điểm bán đồ chơi cho thấy những bậc làm cha mẹ dường như chiều theo ý muốn, sở thích của trẻ là phần nhiều. Bắt gặp anh Bình (trú tại Long Biên) đang mua một khẩu súng cho con trai mình, khi chúng tôi thắc mắc anh chia sẻ:“Con trai mà, nên việc các cháu thích súng ống là chuyện đương nhiên”.
Liệu rằng trẻ sẽ phát triển thế nào nếu suốt ngày tiếp xúc với các loại đồ chơi bạo lực? Lý giải cho việc cháu thích bố mua súng thay vì mua ô tô điều khiển từ xa hay máy bay mô hình hoặc bộ xếp hình lego thì anh Bình nói: “Có lẽ ở nhà cháu xem quá nhiều phim hoạt hình, các cảnh chém giết nhau, bắn nhau quá nhiều nên “ngấm” vào đầu con cái. Vì vậy, khi tôi hỏi cháu muốn mua tặng đồ chơi gì cháu nằng nặc đòi mua súng!”.
Hướng con trẻ tìm đến các loại đồ chơi phù hợp là điều các bậc cha mẹ cần làm. Không riêng gì anh Bình mà cả chị Hoàng Thị Phượng (trú tại Hoài Đức) đang chọn đồ chơi cho con trước cổng công viên Cầu Giấy cũng cho hay: “Hai vợ chồng cũng thường xuyên mua và tặng cháu các loại đồ chơi mang tính trí tuệ nhưng cứ chơi được vài hôm là cháu đã chán ngấy rồi. Các bạn hàng xóm có súng, có gươm mà cháu không có nên cứ nằng nặc đòi hai vợ chồng tôi mua bằng được. Không còn cách gì nên tôi phải chiều thôi”. Các chuyên gia tâm lý cho rằng: Khi say mê một món đồ chơi nào đó, trẻ gần như đánh đồng chính bản thân mình với nó, với những đặc điểm ẩn giấu bên trong của đồ chơi. Chính vì thế, thật nguy hiểm khi trẻ chơi với những món đồ chơi - phản đồ chơi. Chẳng hạn, khi ta mua súng, kiếm, dao, quái vật hay những nhân vật phản diện v.v… cho trẻ, thì thử hỏi: những món đồ chơi ấy giáo dục điều gì? Những hình ảnh liên quan đến đồ vật, nhân vật này sẽ khiến trẻ bắt chước và vô tình hình thành trong suy nghĩ của chúng là mọi vấn đề đều xử lý bằng bạo lực, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu...Cuộc sống hiện đại khiến bậc phụ huynh luôn chú trọng đến sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ. Vì vậy những món quà tặng đầy ý nghĩa chứa đựng tình cảm yêu thương dành cho các em bé nhân dịp Tết thiếu nhi luôn là mối quan tâm đặc biệt. |