Đời sống

Gặp hai bà lão không chồng cưu mang 7 đứa trẻ bị bỏ rơi

Bước sang tuổi 70 nhưng bà Mười Yêu và bà Nhiễu đã có “thâm niên” 25 năm đi nhận những đứa trẻ bị cha mẹ chúng bỏ rơi khi còn đỏ hỏn về nuôi nấng. 25 năm, 7 đứa trẻ lớn lên từ tình thương yêu vô bờ của 2 bà…

Ngày định mệnh đến với những đứa trẻ lọt lòng
Cách đây nửa thế kỷ, bà Vũ Thị Mười Yêu (Ninh Cường – Nam Trực – Nam Định) và bà Đinh Thị Nhiễu (Xuân Giao – Giao Thủy – Nam Định) đang ở tuổi mười tám đôi mươi, sống trong nhà thương Phú Nhai (thôn Phú Nhai – xã Xuân Phương – Xuân Trường – Nam Định) gắn bó với công việc chăm sóc người già, trẻ nhỏ.
Bà Yêu và và Nhiễu đều mang trong mình tình thương yêu bao la đối với những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Vào một ngày năm 1986, hai bà bắt gặp một sinh linh bé bỏng còn đỏ hỏn đặt trước nhà. Bà Yêu cùng bà Nhiễu mang sinh linh ấy về nuôi nấng, chăm sóc…
Gặp hai bà lão không chồng cưu mang 7 đứa trẻ bị bỏ rơi 1
Bà Yêu và bà Nhiễu đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng đã "nhặt" 7 người con nuôi từ khi chúng còn đỏ hỏn.

Mang cháu bé về, hai bà quyết định đặt tên là Vũ Thị Hương. Và cũng từ đó đến nay hai bà lão đã đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mang 7 đứa trẻ lọt lòng về nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương và xem những đứa trẻ đó là con mình.
Các người con của hai bà lần lượt là Vũ Thị Hảo (sinh năm 1995), Vũ Thị Huyền (sinh năm 1996), Vũ Thị Huế, Vũ Đình Dương (sinh năm 2003), vũ Thị Hoài (sinh năm 2006), Vũ Thị Hài (sinh năm 2008). Các con được ghi ngày tháng năm sinh vào ngày chúng đến với các bà. Tất cả 7 người con đều mang họ Vũ, đều gọi hai bà là mẹ. 
Bà Yêu và bà Nhiễu ở cái tuổi mười tám đôi mươi cũng lúng liếng và có không ít người theo đuổi. Thế nhưng từ khi sống và chăm sóc trong nhà chung, hai bà luôn tâm niệm rằng cứ ở vậy để chăm sóc, yêu thương và lo cho những đứa trẻ kia là thấy cuộc đời quá đỗi hạnh phúc. "Ai cũng mong muốn một mái ấm, một gia đình riêng, nhưng với chúng tôi thì 7 người con đang nuôi nấng là một gia đình vĩ đại rồi...", bà Nhiễu cho biết.
Sở dĩ các cháu đến với hai bà cũng nhiều lý do, nói về điều này bà Yêu ngậm ngùi: "Tôi làm công tác thiện nguyện từ lúc nhỏ nên nhiều người trong vùng đều biết đến. Thế nên có những cháu đến với chúng tôi do bố mẹ chúng không thừa nhận hoặc quá nghèo đói, thậm chí có những cháu bị bệnh tật nhưng gia đình quá nghèo không thể đứng ra chữa trị được nên đã lén mang đến nhờ cậy chúng tôi".
Nhớ lại những ngày tháng gian nan nuôi các con lớn khôn, bà Yên chia sẻ: “Hầu hết các con lúc mới tìm đến với tôi đều đau ốm khiến cả hai chúng tôi đều phải thức trắng nhiều đêm. Có những người con phải đưa đến bệnh viện chăm cả mấy tháng trời”.
Rất may, những người con của bà Yêu, bà Nhiễu đều ngoan ngoãn. Khi cháu Hương, cháu Hảo, Huyền lớn lên lại đỡ đần hai bà chăm lo cho các em còn lại.  
“Thương nhất là khi mấy đứa trẻ đòi được mẹ cho bú, những lúc đó chúng tôi dùng một cái núm da và nghiền gạo thành bột nấu với ít sữa đặc cho con ăn. Cứ như vậy rồi các con cũng lớn lên, yêu thương gắn bó với nhau như anh em. Đứa lớn giúp các mẹ trông nom, lo lắng cho các em, đỡ đần những việc nặng nhọc trong nhà.

Đứa nhỏ thì phụ giúp những công việc lặt vặt, cuộc sống tuy vất vả nhưng trong nhà không thiếu tiếng cười, những bi bô của trẻ nhỏ. Niềm vui trong ngày của hai bà mẹ là được nghe các con kể chuyện, vui đùa, quây quần bên cạnh”,
bà Nhiễu nghẹn ngào kể.
Đi ăn xin để con có miếng cơm
Để duy trì cuộc sống cho cả gia đình, hai người phụ nữ nhận làm 7 sào ruộng, bên hông, đằng sau, đằng trước nhà thả bèo nuôi thêm lợn, gà. Khi chân còn khỏe, mắt còn tinh hai bà thay nhau làm hàng xáo, đi đong lúa xát thành gạo bán, số cám dư ra một phần dành bán, phần còn lại nuôi thêm con lợn, con gà.
Có những lúc lúa gạo trong nhà không đủ để nuôi 9 miệng ăn, tiền đóng học cho các con không có, tiền thuốc men không lo đủ bà Yêu quyết tâm đi “ăn xin”, để các con ở nhà cho bà Nhiễu, phiêu dạt vào tận Bà Rịa Vũng Tàu, Sài Gòn kiếm miếng ăn cho các con.
Bà Nhiễu kể:“từ năm 2005 cho đến 2007 tôi vào ra Sài Gòn – Nam Định suốt. Cứ khi đi xin để dồn dồn được ít nhiều tôi lại quay trở ra, lo trả nào tiền vay gạo, tiền học, tiền thuốc. Nhìn những đứa trẻ có thời điểm gạo không có mà ăn, chúng tôi phải lên tận Hành Thiện mua bột sắn về làm bánh ăn thay cơm, thương vô cùng”.
Thương nhất là khi khi em Hà và em Huê vào năm 2000 bỏ các bà ra đi mãi mãi do bệnh tật. Nỗi đau ấy hằn vào hai người phụ nữ những ký ức khó quên, xót xa. 
Em Vũ Đình Dương bị dị tật, đầu to, chân tay lại bị teo nhỏ. Khi mới nhận nuôi em rất hay đau ốm, bị mọc mụn và lở loét khắp người, gửi đi nhà trẻ không ai dám nhận trông giữ. 
Gặp hai bà lão không chồng cưu mang 7 đứa trẻ bị bỏ rơi 2
Nụ cười hạnh phúc của cháu Vũ Thị Hài (sinh năm 2008) bên 2 người mẹ cưu mang mình từ khi lọt lòng.

Đưa Dương đến trạm y tế, có người nói với hai bà: Bà cứ đưa những đứa trẻ ở đâu về nhà rồi thì nó lây bệnh cho cả xóm, cả thôn. Hai người phụ nữ lại ngậm ngùi đưa con về nhà, ai bảo gì, mách gì cũng làm, cũng tắm cho con. Từ các loại nước lá, thuốc bôi các bà mẹ chạy chữa đủ cách.
Bây giờ khi sức khỏe Dương đã ổn hơn song thỉnh thoảng bệnh vẫn còn tái phát. Nhìn con chạy nhảy hai bà nghẹn ngào: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ được rằng có ngày bé Dương có thể bước đi được trên đôi chân của chính mình một cách khoẻ mạnh như thế này. Khi chúng tôi mới nhận con, nhìn con mọi người ai cũng bảo con sau này sẽ không đi lại được.

Nhưng có một lần tôi thấy con lật người và cố gắng bò, thế là từ đấy cứ chiều chiều tôi lại cho con ra sân, cho con bám vào một chiếc xe đẩy, tôi kéo đi để con bước đi dần. Cuối cùng thì con cũng đi được”.
Con càng lớn nỗi lo của hai bà mẹ càng nhiều, giờ lo nhất vẫn là mỗi tháng kiếm đâu ra 2 triệu đồng để cho cái Huyền học lớp 11, cái Huế học lớp 4, Dương học lớp 3…có đủ tiền đóng học. Lo là vậy nhưng không thể để các con nghỉ học giữa chừng được. Sẽ phải cố gắng, chắt chiu thêm từng chút nữa. Vất vả là vậy song khi được hỏi có nhận thêm con nữa không, hai người phụ nữ già móm mém cười trả lời hồn hậu: “Có chứ, nhìn thương như thế không nuôi sao được..."
25 năm qua, cả bà Yêu và bà Nhiễu thi thoảng vẫn bắt gặp những người lạ đến thăm nom các cháu một cách chóng vánh, các bà biết trong số đó rất có thể là người thân, cha mẹ của 7 người con kia nhưng họ chẳng bao giờ mở lời với hai bà. Và cứ thế, 7 người con vẫn lớn lên, yêu thương và đùm bọc nhau như anh em ruột thịt, chúng xem hai bà là những người mẹ tuyệt vời nhất trên đời...
aFamily

      © 2021 FAP
        3,855,276       343