Câu chuyện bắt đầu từ việc đổi hàng đã mua của người phụ nữ mặc áo xanh. Cụ thể, chị này là người mua chiếc túi tại sạp hàng buổi chiều ngày 24/7. Nhưng sáng sớm 25/7, vì một số lý do không ưng nên chị tới sạp để đổi hàng lại nhưng người bán mặc áo trắng nói lại là trưa hoặc đầu giờ chiều thì mới đổi được, vì tâm lý người bán kiêng đổi buổi sáng. Nhưng người phụ nữ áo xanh nhất quyết đòi đổi cho bằng được vì chiều bận, không có thời gian đến chợ.
Thấy người bán kiên quyết không cho đổi, chị mua hàng mặc áo xanh lập tức chửi tục rồi về gọi chồng và người thân lên can thiệp. Điều đáng nói ở đây, sau khi người phụ nữ mặc áo xanh gọi chồng lên "nói chuyện" thì 2 vợ chồng không cần hỏi lý do, liên tục buông ra những lời chửi bới rất khó nghe với người bán chỉ đáng tuổi con, cháu mình.
Sau khi đoạn clip được tung lên, cư dân mạng rất bức xúc vì giữa thanh thiên bạch nhật, không ngờ lại có vợ chồng dùng những ngôn từ khó nghe chửi bới cô gái đáng tuổi con, cháu mình. Hành động và lời nói của 2 vợ chồng thực sự là vô cùng ngông cuồng, coi thường pháp luật.
Khi "thượng đế" đanh đá như... sư tử Hà Đông
Cư dân mạng mới đây đã vô cùng xôn xao vì đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một khách hàng mắng liên tiếp khiến nữ nhân viên bán hàng khóc lóc, thậm chí phải quỳ xuống xin lỗi.
Đoạn clip dài 1 phút 39 cho thấy tại siêu thị bán đồ mẹ và bé ở Hà Nội, khi khách hàng yêu cầu mua nước rửa bình sữa thì nữ nhân viên đưa nhầm thành nước xả vải. Điều này khiến khách hàng là nữ giới, ăn mặc lịch sự kiểu công sở rất tức giận và đưa ra những lời mắng chửi. Đỉnh điểm của sự việc là nữ nhân viên đã quỳ xuống để xin vị khách không gọi giám đốc bán hàng.
Qua đối thoại trong video thì nữ nhân viên mắc lỗi trông hiền lành và mới vào làm ở siêu thị này, còn nữ khách hàng cao ráo và ăn mặc rất lịch sự nhưng không khác gì sư tử Hà Đông.
Nhân viên cửa hàng quá sợ hãi nên quỳ xuống xin khách hàng tha thứ. Ảnh cắt từ clip.
Có lý do để vị khách hàng nổi giận vì nhân viên đã mắc sai lầm khi đưa nhầm nước rửa bình sửa cho trẻ em thành nước xả vải. "Nếu con cháu tao mà uống xong có bị làm sao thì mày có đền được không?" - đây được xem là lời mắng mỏ nhân viên hợp lý.
Tuy vậy, những câu nói khác hay thái độ khi la hét nhân viên của cô ta lại khiến người xem video cảm thấy khó chịu, thậm chí bức xúc. Điển hình là: "Mày không đủ tư cách nói chuyện với tao nghe chưa, gọi ngay giám đốc của mày ra đây".
Đến khi thấy cảnh nhân viên quỳ xuống đất, nhiều người cảm thấy chạnh lòng và nóng mắt với nữ khách hàng đanh đá kia.
Bình luận về clip trên, bạn Hoàn... viết: "Kể cả có mua nhầm phải nước gì thì cũng ra gửi lại rồi nói chuyện tử tế. Mặt thì sáng sửa mà bốp chát bà nhân viên đến khổ".
"Bà áo đen kia nên cư xử có học 1 chút, hoặc có mắng cũng vừa phải thôi. Chứ cứ xồn xồn lên như con đầu đường xó chợ", bạn Anna... nhận xét.
Khách hàng lấy "võ mồm" uy hiếp nhân viên
Thông thường, tâm lý chung của người bán hàng là muốn làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nhưng khi gặp phải những "thượng đế" đanh đá như thế này thì quả thực khó chiều.
Một callcenter (người tiếp nhận thông tin khách hàng) của một nhà mạng viễn thông cũng chia sẻ, sau ba năm làm việc, chị có cảm giác thất vọng rất nhiều về một số bộ phận người Việt Nam. Theo chị, họ có quá nhiều thói xấu và tư duy thì không có từ ngữ nào diễn tả đầy đủ. Cụ thể đó là thói hồ đồ, tính tham lam và thiếu sự tư duy cần thiết với những điều rất tối thiểu.
Nhiều khách hàng khi gọi đến tổng đài chưa bày tỏ sự cố, chưa để nhân viên kiểm tra đã chửi bới và nguyền rủa kiểu nhà mạng lừa đảo, các nhân viên câu kết để ăn cướp của khách hàng.
Điển hình như một khách hàng nữ vừa gọi điện tới tổng đài đã chửi tới tấp, nguyền rủa thậm tệ. Chửi một lúc xong, người này mới giải thích là: mua ba thẻ nạp 100.000 đồng, nhưng mới chỉ nạp thành công một thẻ, còn hai cái nữa chưa nạp được.
Khi được yêu cầu đọc số serial thẻ card để kiểm tra xem thẻ đã nạp chưa, thì khách hàng này lại kêu toáng lên nhân viên làm khó khách hàng. Mãi một hồi chị ta cũng đọc và tổng đài xác định nguyên nhân thì chị ta ú ớ rồi tắt máy.
Đến chuyện một anh khách hàng khác, cũng chưa gì đã chửi toáng như muốn nuốt cả nhà mạng về chuyện tặng 50% giá trị thẻ nạp (chia làm hai phần: 25% tài khoản khuyến mại và 25% tài khoản khuyến mại nội mạng). Anh ta chữ đọc, chữ bỏ khi hệ thống gửi bản tin về nên đã chửi rủa không tiếc lời.
Sau khi chửi hơn 10 phút, anh ta mới chịu giải thích vài câu. Nhân viên chăm sóc khách hàng bảo anh kiểm lại, vì thông tin của hệ thống báo số điện thoại đã được cộng tiền. Thế mà, vị khách hàng ngang ngược bảo: “Kiểm tra lại để mất thời gian của tôi à, lừa đảo rồi còn già mồm thế này thế nọ”.
Điều khiến người tiếp nhận thông tin khách hàng này thấy nản nhất là nhiều khách hàng không cho họ cơ hội hỏi và giúp đỡ, giải thích cho họ hiểu. Họ xem nhân viên chăm sóc khách hàng là cái bao tải để trút hết tức giận.
"Thượng đế" lộng quyền và chuyện ức hiếp người yếu thế
Những trường hợp kể trên khi được đăng tải trên báo chí đều khiến dư luận khá bức xúc. Trong rất nhiều vụ việc xô xát giữa nhân viên bán hàng và khách hàng trước đây, dư luận thường đứng về phía khách hàng vì tâm lý "khách hàng là thượng đế", mà "thượng đế" thì không bao giờ sai cả. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, đa số ý kiến đều bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình khi khách hàng quá lộng quyền, quá đanh đá với cương vị "thượng đế" của mình.
Câu chuyện cô nhân viên bán hàng lấy nhầm đồ cho khách kia có thể đã có một kết thúc có hậu khác nếu như vị khách kia bớt một chút đanh đá và thêm một chút vị tha. Có thể lỗi ban đầu là của nữ nhân viên bán hàng vì đã sơ suất lấy nhầm nước xả vải thay vì nước rửa bình sữa. Nhưng chỉ cần một lời phàn nàn nhẹ nhàng và chỉ ra sai sót ấy thì tin rằng cô nhân viên bán hàng sẽ nhanh chóng nhận lỗi và giải quyết thỏa đáng cho khách.
Sau khi sự việc xảy ra, nữ nhân viên bán nhầm hàng đã xin nghỉ việc tạm thời vì quá sốc. Vậy là chỉ vì một chút nhầm lẫn nghiệp vụ, một sai sót nhỏ chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng sự phản ứng có phần quá đáng của nữ khách hàng đã khiến một cô gái trẻ mất việc làm.
“Bản thân tôi nghĩ có vấn đề về văn hóa cư xử ở đây. Khó có thể hình dung sự đanh đá tột cùng lại đến từ một người xinh đẹp như thế. Tôi nghĩ vị khách hàng này cũng là người nhiều chữ nghĩa, nhưng có chữ để cư xử một cách có văn hóa chứ không để bắt nạt và ức hiếp những người thấp cổ bé họng”, cô Minh Tâm, 55 tuổi, bày tỏ sự không đồng tình với hành động của nữ khách hàng khi xem clip.
Rõ ràng, dù bề ngoài thì sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng nhìn vào cách hành xử của nữ khách hàng đanh đá hay cặp vợ chồng ngang ngược kể trên thì có thể nhận ra trong đó thói ức hiếp người yếu thế. Cách họ sử dụng ngôn từ chợ búa, xưng hô bất lịch sự bằng "mày", "tao" có thể thấy rõ sự khinh thường nhân viên bán hàng.
Bằng cách chửi bới, xúc phạm người thấp cổ bé họng hơn mình, dường như họ đang tìm cách tự nâng mình lên cao hơn thiên hạ. Nhưng có lẽ những "thượng đế" lộng quyền này không biết rằng, trong mắt người chứng kiến, hành động của họ chỉ thể hiện sự hồ đồ và thiếu học thức.