Giá sữa không những không giảm mà vẫn đứng ở mức cao, thậm chí một vài mặt hàng đã nhăm nhe tăng giá dưới chiêu kinh doanh mới của doanh nghiệp.
Giá sữa tăng vì giảm trọng lượng, thay bao bì
Khác với suy đoán của người tiêu dùng, sau khi thông tin sẽ áp trần giá sữa của Bộ Tài chính được phát đi, giá sữa sẽ giảm thì giá bán lẻ sữa trên thị trường vẫn đứng ở giá cao.
Đơn cử, sữa bột Abbott Grow 3 giá bán 300.000 đồng/hộp loại 900 gr; Abbott Grow 4 giá 298.000 đồng/ loại 900 gr…. Không chỉ sữa ngoại, giá sữa của doanh nghiệp nội giá bán cao vẫn được duy trì từ sau Tết.
Mỗi hộp Grow Plus loại giúp trẻ tăng cân của hãng Nutifood giá bán tại các đại lý vẫn dao động từ 205.000 – 215.000 đồng/loại 900 gr. Còn Grow Plus loại dành cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 380.000 – 395.000 đồng/loại 900 gr tùy từng đại lý.
Dòng Dielac Pedia của Vinamilk giá vẫn không thay đổi sau đợt tăng giá trước Tết, cụ thể dòng Dielac Alpha step 1 giá bán 238.000 đồng/hộp 900 gr; Dielac Alpha step 2 giá bán 215.000 đồng/ hộp 900 gr. Còn dòng Dielac Pedia 1+ và 3+ đều có giá bán lẻ 368.000 đồng /hộp loại 900 gr…
Đáng nói, giá sữa chưa hề giảm sau thông báo sẽ áp trần giá mặt hàng này của Bộ Tài chính mới đây, trên thị trường một vài hãng sữa đã có động thái tăng giá sữa thông qua việc thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm hoặc giảm trọng lượng sản phẩm sữa. Với cách làm này các hãng sữa vẫn ngang nhiên “móc túi” người tiêu dùng bằng những “chiêu” thức kinh doanh “né” luật của mình, mức tăng c. Trong khi đó, người tiêu dùng – những phụ huynh có con nhỏ vẫn chịu phần thiệt thòi khi phải trả giá cao cho mỗi hộp sữa của con trẻ, thay vì kỳ vọng sẽ giảm mạnh thì lại tăng vù vù.
Ghi nhận của Infonet trên thị trường hiện đã có ít nhất 2 hãng sữa là Abbott và Mead John (với dòng sữa chủ đạo Enfa trên thị trường Việt Nam) đã có thông báo tới các đại lý phân phối sẽ thay đổi mẫu mã sản phẩm và giảm trọng lượng sản phẩm một số dòng sữa. Lấy cớ thay đổi bao bì sản phẩm, các doanh nghiệp kinh doanh sữa lại đang đẩy giá bán một số chủng loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng khoảng 10%.
Chị Hồng – chủ một cửa hàng đại lý sữa trên đường Lò Đúc cho biết, lô hàng sữa loại Enfa Grow A+ mới đây nhất cửa hàng nhập về được nhà phân phối báo giá cao hơn hẳn 40.000 đồng/ hộp 900 gr, tăng khoảng 10% so với trước do thay bao bì mới. Hiện tại, Enfa Grow mẫu mới giá bán 475.000 đồng/loại 900 gr, trong khi cùng loại mặt hàng này bao bì cũ trước đây giá bán chỉ 435.000 đồng/hộp 900 gr.
Giá cao nhưng không phải cứ muốn nhập về là có hàng ngay. “Giá sữa tăng thế nhưng có phải muốn nhập hàng về bán là có ngay đâu. Hiện cửa hàng mới chỉ nhập được dòng sữa cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên, còn sữa dành cho trẻ ít tuổi hơn công ty báo phải một thời gian nữa mới có hàng cung ứng” – chủ đại lý sữa này cho biết.
Trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) – nơi được coi là “phố sữa” của Hà Nội, chị Mai – bà mẹ đang có con nhỏ 17 tháng cho hay, chị đọc báo thấy nói sữa lại tăng giá nên chị tranh thủ thời gian nghỉ trưa đi mua “gom” sữa cho con. Đến nơi chị mới té ngửa khi cửa hàng thông báo, sắp tới loại sữa PediaSure BA của Abbott sẽ giảm trọng lượng từ 900 gr giảm xuống còn 850 gr, nhưng giá bán lại không thay đổi. Do trọng lượng mỗi hộp sữa giảm đi, trong khi giá bán vẫn giữ nguyên, nên tính ra mỗi hộp sữa loại này đắt hơn so với trước khoảng 40.000 đồng/hộp. Ngày 12/5 mỗi hộp sữa PediaSure BA được chị Mai mua với mức giá 565.000 đồng/ hộp 900 gr.
“Bằng cách này, cách khác các công ty sữa vẫn lách luật, tăng giá sữa, chỉ có người tiêu dùng như chúng tôi là chịu thiệt thòi”- chị Mai bức xúc.
Không chỉ giảm trọng lượng dòng PediaSure BA dành cho trẻ, một mặt hàng khác bán khá chạy của Abbott là sữa Ensure Gold dành cho người già, người bệnh cũng được thông báo, loại hộp cũ 900 gr sẽ được thay bằng loại hộp mới trọng lượng giảm 50 gr, còn 850 gr. Trong khi đó giá bán vẫn giữ nguyên là 690.000 đồng/ 900 gr.
Bộ Tài chính “tuýt còi” tăng giá sữa
Những lý do được doanh nghiệp đưa ra để thuyết phục người tiêu dùng cho việc tăng giá sữa qua thay đổi bao bì, trọng lượng sản phẩm như: do sữa bổ sung thêm dưỡng chất gấp vài lần mặt hàng cũ; giá sữa nguyên liệu tăng… có vẻ khá hợp lý.
Thế nhưng, kết quả thanh tra tại 5 doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn đã “khui” ra chuyện, mỗi năm các doanh nghiệp chi vượt hàng trăm tỷ đồng quảng cáo so với quy định đã cho thấy, cái cớ doanh nghiệp đưa ra chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận cao nhất, "móc túi" người tiêu dùng.
Cùng với chiêu lách tăng giá sản phẩm bằng cách giảm trọng lượng mỗi lon sữa, các doanh nghiệp cũng đệ đơn xin tăng giá mặt hàng sữa bao bì cũ, tuy nhiên đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, vừa qua Công ty TNHH 3A phân phối mặt hàng sữa Abbott trên thị trường đã gửi công văn xin được tăng giá bán thêm 5% từ ngày 9/5. Trước đề xuất tăng giá của doanh nghiệp Bộ Tài chính thẳng thừng bác bỏ. Cơ quan này cũng yêu cầu doanh nghiệp không được thực hiện tăng giá bán đối với sản phẩm trước khi Bộ Tài chính công bố quyết định triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng này.
Tại cuộc họp Chính phủ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính sẽ áp trần giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi trong 12 tháng, đồng thời giao cho cơ quan này chủ trì xây dựng phương án cụ thể.
Chia sẻ với Infonet, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện cơ quan này đang gấp rút xây dựng quyết định về việc này, cụ thể là phương án định giá sữa để việc áp trần giá mặt hàng này chuẩn xác nhất, tránh việc các doanh nghiệp lách luật. Tuy vậy, vị lãnh đạo này không tiết lộ thời gian cụ thể sẽ ban hành quyết định trên mà chỉ "hứa" sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất để "siết" mặt hàng thiết yếu dành cho trẻ em này.