Đời sống

Công nhân Việt trộm cắp, ông chủ ngoại xanh mặt

Số vụ công nhân người Việt ăn cắp tại doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Điều này khiến các ông chủ nước ngoài lo ngại, ảnh hưởng mất niềm tin khi sử dụng lao động Việt Nam.

Samsung bị mất cắp linh kiện tiền tỷ

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Biên (SN 1992), Lương Thế Đấu (SN 1992), Nguyễn Văn Hoàng (SN 1993), Nguyễn Văn Đại (SN 1990) về tội trộm cắp tài sản.

Biên, Đấu, Hoàng là công nhân tại xưởng main 1 của Công ty Samsung Electro Việt Nam. Lợi dụng thời gian trước và sau giờ ăn trưa, Đấu và Hoàng đã lấy cắp các bản mạch (PBA) của điện thoại Sam sung Galaxy S5 rồi đi vào nhà vệ sinh cất giấu. Sau đó, các đối tượng sẽ chuyển lại cho Đại, là lái xe của công ty ALS chuyên chuyển hàng cho Công ty Sam sung Electro Việt Nam để mang ra ngoài. Rồi Biên đến nhà Đại lấy hàng và bán. Trong vòng hơn 1 tháng, các đối tượng đã trộm cắp hơn 300 bản mạch trị giá trên 800 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu xảy ra mất cắp tại nhà máy của Sam sung. Mới đây, Công an huyện Yên Phong cũng tiến hành khởi tố bị can với 3 đối tượng là công nhân của Công ty Samsung Electro Việt Nam gồm: Phạm Thế Duyệt, Lê Văn Lăng, Bùi Đắc Khải về hành vi trộm cắp tài sản. Với thủ đoạn tương tự như trên, các đối tượng đã lấy cắp hơn 20 bản mạch PBA, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Công nhân Việt trộm cắp, ông chủ ngoại xanh mặt 1
Tang vật vụ án tại Công ty Samsung Electro Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 11/4/2013, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng đều là công nhân của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, về hành vi trộm cắp tài sản. Theo trình báo của doanh nghiệp, các đối tượng này đã trộm 130 chiếc điện thoại Sam Sung Galaxy S3, 255 bản mạch điện thoại PBA với tổng thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đồng.

Theo điều tra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn KCN Yên Phong đã xảy ra gần 20 vụ trộm cắp tài sản của các công ty, với tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Các đối tượng trộm cắp chủ yếu là công nhân hoạt động trong các công ty.

Bảo vệ trộm đồ của doanh nghiệp nước ngoài

Ngày 4/4/2013, Lê Công Phi (19 tuổi, trú tại Hà Nội) được Công ty dịch vụ bảo vệ Quang Trung phân công nhiệm vụ bảo vệ tại Công ty KYB Việt Nam. Cùng ca trực với Phi có anh Nguyễn Trọng Mười.

Phát hiện thấy trong hộc bàn làm việc của Trưởng phòng Sản suất Công ty KYB Việt Nam có chiếc máy ảnh hiệu Sony, Phi vơ vội bỏ túi quần rồi theo đường cũ ra ngoài.

Khi ra ngoài, Phi nói với anh Mười, là chẳng còn chút thức ăn nào cho hai anh em cả. Hết ca trực, Phi đem chiếc máy ảnh đi bán với giá 1,8 triệu đồng để lấy tiền tiêu xài.

Công nhân Việt trộm cắp, ông chủ ngoại xanh mặt 2
Lê Công Phi tại phiên tòa

4 ngày sau, phát hiện mất trộm tài sản, ông Nitta Hitoshi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KYB Việt Nam có đơn trình báo cơ quan công an.

Nhóm 4 công nhân ăn cắp ở Đà Nẵng

Chiều 14/3/2012, Công an Đà Nẵng bắt khẩn cấp 4 công nhân Công ty TNHH Daiwa (doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư của Nhật Bản tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, chuyên sản xuất cần câu cá thể thao xuất khẩu) do trộm cắp tài sản của công ty.

Tại cơ quan công an, Mai Tấn Công (SN 1982, công nhân Công ty Daiwa) khai nhận các công nhân trong Công ty Daiwa gồm Lê Khánh Hoàng, Lê Chí Cường và Đồng Nhất Thành đã lấy trộm các sản phẩm kể trên ra khỏi khu vực sản xuất và bán cho Công với giá 450 - 500 ngàn đồng/cần lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Công nhân Việt trộm cắp, ông chủ ngoại xanh mặt 3
Sản xuất cần câu cá thể thao xuất khẩu tại Công ty TNHH Daiwa

Công nhân cấu kết bảo vệ trộm cắp dây đồng

Tháng 9/2012, Công an TP. Hải Dương bắt tạm giam Nguyễn Đông Phương, 25 tuổi; Bùi Đình Trường, 25 tuổi; Nguyễn Quý Hoàng, 23 tuổi và Bùi Duy Khánh, 23 tuổi về tội trộm cắp tài sản. Phương, Trường, Hoàng là công nhân của Công ty TNHH Toyo Denso, còn Khánh là bảo vệ.

Ngày 17/9/2012, Công an xã Ái Quốc, TP Hải Dương đã bắt quả tang các đối tượng này đang lấy trộm 5 cuộn dây đồng có trọng lượng 65kg với tổng trị giá 60 triệu đồng. Nhóm này khai, trước đó đã thực hiện trót lọt 10 vụ với tổng số 40 cuộn dây đồng các loại, trị giá trên 500 triệu đồng của Công ty TNHH Toyo Denso.

Bảo vệ trộm dây đồng của Công ty Dong Jin lấy tiền tiêu xài

Ngày 7/9/2011, Công an TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai bắt khẩn cấp các đối tượng: Nguyễn Sỹ Thống (SN 1979); Hoàng Văn Hải (SN 1992), đều là bảo vệ của Công ty Dong Jin và Tô Văn Thành (SN 1989), tạm trú tại TP.Biên Hoà.

Trước đó, ngày 5/9/2011, tại kho nguyên liệu của Công ty Dong Jin ở KCN Loteco, nhân viên công ty đã phát hiện bị mất 5 cuộn dây đồng có tổng trọng lượng 482kg, trị giá 105 triệu đồng.

Qua điều tra, Công an TP. Biên Hoà đã xác định, Thống và Hải đã cấu kết với một đối tượng ở bên ngoài để lấy 5 cuộn dây đồng trên đưa đi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.

7 công nhân khua khắng kho kim chỉ

Ngày 4/9/2008, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 7 đối tượng là công nhân của Công ty TNHH ShinWon (100% vốn Hàn Quốc) về tội trộm cắp tài sản.

Sự việc bị phát giác vào ngày 18/8/2008, khi ông Kim Se Nam, người phụ trách kho nguyên liệu của Công ty Shinwon mở khóa kho kiểm tra và phát hiện mất 214 kiện chỉ (khoảng 21.400 cuộn chỉ), trị giá 23.000 USD.

Nguyễn Thị Tuyết Thanh, công nhân của bộ phận may chuyền 2, xưởng 2 thừa nhận đã câu kết với Nguyễn Văn Chiến là bảo vệ vòng trong lấy trộm chỉ mang ra ngoài bán.

Cơ quan công an còn làm rõ Thanh đã nhiều lần chứa chấp, tiêu thụ áo các loại là thành phẩm do Công ty TNHH Shinwon sản xuất do bọn Chiến trộm cắp chuyển cho Thanh tiêu thụ. Các đối tượng khai nhận kẻ ít nhất tham gia 1 vụ, kẻ nhiều nhất là 10 vụ trộm cắp tài sản của công ty.

Doanh nghiệp "kêu trời" vì nạn trộm cắp

Tình trạng ăn cắp của công nhân Việt Nam tại các doanh nghiệp FDI khiến các ông chủ nước ngoài lo lắng.

Công nhân Việt trộm cắp, ông chủ ngoại xanh mặt 4
Công nhân KCX Tân Thuận

Ngày 23/3/2013, báo cáo giải trình kiến nghị và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận của ông Young Yun Ti, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận gửi UBND TP.HCM, cho biết, trong thời gian gần đây, nạn trộm cắp trong các doanh nghiệp ở KCX Tân Thuận (Q.7) diễn ra khá phổ biến.

Theo đó, doanh nghiệp "kêu trời" vì thủ tục bồi thường bảo hiểm gặp trở ngại, việc chấn chỉnh quản lý nội bộ và xử lý kỷ luật lao động gặp khó khăn. Thậm chí, một số doanh nghiệp mất lòng tin, không muốn báo công an khi xảy ra vụ việc.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,053,643       616