Đời sống

Chị em mách nhau "chiêu độc" đi chợ "ngon bổ, siêu rẻ"

Với nhiều người 50.000 đồng hay 100.000 đồng chỉ đủ ăn bữa sáng nhưng với nhiều bà nội trợ, chừng đó tiền đã "mua đủ thức ăn cả ngày cho cả nhà".

Giá thực phẩm tăng, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao
Sau đợt mưa trong 2 – 3 ngày vừa qua, giá thực phẩm nói chung và giá rau, giá thịt nói riêng có dịp tăng mạnh. Theo khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Long Biên, chợ cóc Nghĩa Dũng, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Hàng Bè…, giá rau xanh có loại tăng gấp 2 lần so với vài ngày trước. 
Cụ thể, rau cải thảo trước là 12.000 đồng/kg thì nay là 18.000 đồng/kg (tăng 6000 đồng/kg); rau muống 12.000 đồng/mớ (tăng 6000 đồng/mớ); bắp cải 12.000 đồng/kg (tăng 6000 đồng/kg), cải xoong 10.000 đồng/mớ (tăng 4000 đồng/mớ), cải ngọt 24.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg),…

Chị em mách nhau "chiêu độc" đi chợ "ngon bổ, siêu rẻ" 1
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra bất ngờ khi giá rau tăng phi mã. Chị Lê Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cũng khá giật mình khi hôm trước, hôm sau giá cả rau xanh đã rủ nhau đi lên. Bình thường nhà tôi ăn khá nhiều rau nhưng thấy giá cả đắt nên hôm nay tôi chỉ mua 1 mớ rau cải ngọt chứ không mua 2 mớ như mọi khi".

Chị em mách nhau "chiêu độc" đi chợ "ngon bổ, siêu rẻ" 2
Tiểu thương bán rau giải thích, rau xanh tăng một phần là do đợt thời tiết thất thường vừa qua.
Giải thích về nguyên nhân giá rau tăng, chị Lê Thị Mạn – tiểu thương bán rau tại chợ Hôm chia sẻ: “Đợt nghỉ lễ vừa rồi mưa gió thất thường, khiến bao sào rau của người trồng bị nát, hỏng, héo úa. Nguồn cung giảm, lượng cầu vẫn thế thì chắc chắn giá rau tăng là chuyện bình thường”.
Chị Mạn còn nói thêm, thực ra giá rau xanh đã rục rịch tăng từ đầu tháng 4 nhưng mới chỉ tăng nhẹ nên không nhiều người nhận ra sự khác biệt này. 
Không chỉ các loại rau xanh, giá thịt lợn, thịt gà ở các chợ cũng nhích nhẹ, hiện thịt lợn tăng nhẹ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể, tuần trước, giá thịt ba rọi là 85.000 đồng/kg thì giờ là 95.000 đồng/kg, giá xương từ 85.000 đồng/kg tăng lên thành 90.000 đồng/kg, thịt nạc vai là 100.000 đồng/kg.
Giá gia cầm tại các chợ cũng tăng giá. Trước đây vì thông tin dịch cúm gia cầm, gà ta rớt giá có giá 90.000-100.000 đồng/kg thì giờ tăng lên 120.000-130.000 đồng/kg (tại chợ cóc), tại chợ lớn, gà ta có giá từ 140.000 – 150.000 đồng/kg. 
Giá các loại thịt bò, thủy hải sản hiện vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Giá cả lên, trong khi lương đứng yên, nhiều bà nội trợ chia sẻ: “Trước mình còn chi đậm cho khoản chợ búa, ăn uống, mua bán vô tư chẳng nghĩ ngợi gì nhiều nhưng nay mua cái gì, ăn cái gì mình đều phải đắn đo, tính toán”.
Chị Cao Trang (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) tâm sự: “Sự tăng giá thất thường như thế này khiến tôi khá đau đầu và mỗi lần đi chợ, tôi thường phải tính toán sao cho hợp lý. Tôi  không thể mua và chế biến 4-5 món như trước”.
Chị em mách nước mẹo đi chợ “ngon bổ, siêu rẻ”
Để thực hiện tiết kiệm triệt để, chi tiêu hợp với túi tiền, không ít bà nội trợ còn lên kế hoạch với khẩu hiểu rõ ràng: đi chợ chỉ với 50.000 đồng hay 100.000 đồng. Nhiều chị em còn  đưa lên mạng, diễn đàn, forum chia sẻ với nhau những cách đi chợ vừa chất, vừa rẻ. 
Với nhiều người, 50.000 – 100.000 đồng chỉ đủ mua được 2 bát phở ăn sáng, nhưng với từng đó tiền, chị Thu Hiền (Định Công, Hà Nội) tiết lộ: “Cả tháng nay, mình thực hiện kế hoạch đi chợ chỉ với 80.000 đồng/ngày cho 4 người ăn. 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ”.
Hai bé nhà chị ăn bán trú ở trường, hai vợ chồng chị cũng ăn cơm ở công ty vì thế, chị chỉ cần chuẩn bị hai bữa: bữa ăn bữa sáng và bữa tối. 
Chị em mách nhau "chiêu độc" đi chợ "ngon bổ, siêu rẻ" 3
Nhiều chị em chia sẻ, muốn mua đồ rẻ mà tươi thì nên tới các chợ đầu mối để mua (Ảnh: Chí Toàn)
Chị tâm sự: “Nếu như không lên kế hoạch cho cả tuần thì khó để chi tiêu. Nhưng khi đã có kế hoạch kỹ càng thì cả nhà vẫn được thưởng thức những bữa ăn ngon bổ rẻ. Sáng thì mình thường nấu mì rau thịt băm, cơm rang trứng dưa hành, cháo thịt. Chiều tối thì mình luôn đảm bảo trong mâm cơm có 1 món rau, 1 món canh luộc, 1 món mặn. Nghe vậy nhưng tính ra mỗi ngày mình đi chợ chỉ hết khoảng 50.000 – 80.000 đồng”. 
Chị Hằng Tuyên (Hàng Gà, Hà Nội) chia sẻ bí quyết đi chợ thời bão giá của mình: “5 giờ chiều là mình đã tan công sở nhưng thường phải mất 30 phút mình mới về nhà. Mình ở lại muộn một chút để đi siêu thị gần đó. Siêu thị gần công ty mình có kiểu giảm giá rau 50% sau 5 giờ chiều. Rau vẫn tươi ngon mà giá rẻ. Một mớ rau muống bình thường 8000 đồng, nhưng lúc giảm giá mình có thể mua được 2 mớ”.
Khác chị với Tuyên, chị Chi (Kim Mã, Hà Nội) thường mất công đạp xe tới chợ đầu mối như chợ Cầu Giấy để mua thực phẩm. Chị chia sẻ bí quyết bữa ăn 50.000 đồng của mình: “Tôi thấy mình mất công một chút nhưng bù lại mình mua được thực phẩm ngon bổ, rẻ. Chợ đầu mối luôn có những thực phẩm giá rẻ hơn nhiều so với những chợ gần nhà”.
Chị nói tiếp: “Thực đơn nhà tôi gồm: 1 món rau xanh, cụ thể hôm nay tôi mua 1 mớ rau muống, hết khoảng 7000 đồng, chế biến thành canh chua và rau muống luộc chấm mắm tỏi, một miếng nạc vai 4 lạng khoảng 35.000 đồng, còn lại tôi mua ít trứng cút rim mặn cho trẻ con ăn thay đổi. Thức ăn còn lại, sáng hôm sau tôi có thể rang cơm, nấu cháo, ăn mỳ cho cả nhà”. 
Chị Chi cũng chia sẻ một bí quyết khá hay của mình: “Để có thể vừa tiết kiệm tiền, ăn đủ chất mà vẫn tốt cho sức khỏe, tôi thường chọn thức ăn đúng mùa. Việc mua thức ăn không theo mùa khiến giá đắt là điều dễ hiểu”.
aFamily

      © 2021 FAP
        4,067,998       673