“Nghĩ lại mà tôi vẫn còn rơi nước mắt, lúc anh ấy lên đường, chỉ mặc chiếc áo rách", cụ Phan Đình Giát kể về khoảnh khắc cuối cùng được nhìn thấy người anh trai của mình.
Những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước đều hướng về lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân từ nhiều địa phương đổ về nơi từng diễn ra trận địa để thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc. Tại quê nhà của liệt sĩ Phan Đình Giót (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), chính quyền, người thân liệt sĩ cùng đang gấp rút tu sửa lại các công trình để đón các đoàn về thăm.
Chúng tôi gặp cụ Phan Đình Giát (95 tuổi, em trai liệt sĩ Phan Đình Giót) trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ký ức về người anh trai ùa về khiến cụ không cầm nổi nước mắt.
Theo lời kể của cụ Giát, lúc Phan Đình Giót 3 tuổi, ông Giát 1 tuổi, họ đã phải mồ côi cha (cụ Phan Đình Bân), một mình người mẹ là cụ Nguyễn Thị Thau hàng ngày đi mót khoai, lúa, cuốc thuê, làm mướn nuôi hai anh em khôn lớn. Năm 12 tuổi, hai anh em Phan Đình Giót đã phải xa mẹ để đi ở đợ cho gia đình ông Học (là một địa chủ trong làng).
“Thời đó, anh Giót đi ở cho nhà ông Học trước, sau đó thấy tôi ở nhà một mình nên anh ấy xin cho tôi đến ở cùng. Cũng may gia đình họ thương hai anh em nên chúng tôi vẫn được ở bên nhau”, cụ Giát nhớ lại.
Đi ở được một thời gian, Phan Đình Giót cưới vợ trong làng là bà Nguyễn Thị Ran. “Nói là cưới vậy thôi chứ không tổ chức gì cả, chỉ là sang nói chuyện rồi đưa chị ấy về ở cùng chứ đâu có tiền mà tổ chức”, cụ Giát kể.
Sau đó, bà Ran sinh được một người con trai nhưng đứa bé mất đi khi mới 7 tháng tuổi. Năm 1952, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, Phan Đình Giót chia tay mọi người trong gia đình để lên đường nhập ngũ.
“Nghĩ lại mà tôi vẫn còn rơi nước mắt, lúc anh ấy lên đường, chỉ mặc chiếc áo rách. Cũng may tôi có một bộ quần áo gụ mà gia đình đi ở may cho nên mới đưa cho anh ấy mặc.
Ngày anh lên đường, mẹ tôi cũng tất tả chạy đi vay mượn khắp nơi được 1 kg gạo về thổi cơm cho anh ấy ăn. Mọi người chỉ dám ăn một bát, còn lại dùng mo cau đùm lại để anh có cái ăn khi đi dọc đường”, cụ Giát vẫn nhớ như in ngày anh mình vào quân ngũ.
Những ngày tháng sau đó, cứ đều đặn 2 tháng một lần, Phan Đình Giót lại viết thư gửi về cho người thân để hỏi thăm sức khỏe, thông báo địa điểm đóng quân. Trong thư ông cũng dặn dò cụ Giát cố gắng lao động phụ giúp mẹ già. Phan Đình Giót đâu biết rằng khi anh lên đường nhập ngũ thì cụ Thau cũng phải đi ở, giữ con cho người khác.
Rồi bẵng đi mấy tháng không thấy anh biên thư về, mọi người trong gia đình ai cũng lo lắng. Bỗng một hôm, cụ Giát nhận được tin của anh trai. Trời đất như sụp đổ khi lần này là tin dữ. Người đồng đội cùng xã tên là Vũ Đình Sờ viết thư về báo tin anh hùng Phan Đình Giót đã hy sinh trong lúc chiến đấu.
Cố lấy hết sức bình tĩnh, cụ Giát chạy đi báo tin cho mẹ (lúc đó đang đi ở mướn nhà làng dưới), nhưng cụ chỉ dám nói: "Mẹ về gấp, vợ con sắp sinh rồi". Về tới nhà, nghe tin con trai hy sinh, cụ Thau khóc nức nở, ngất đi vì thương con.
Hơn một năm sau đó, cụ Thau vì đau buồn sinh ra bệnh tật rồi mất đi. Kỷ vật của người anh trai là những lá thư cũng được cụ Giát đốt đi vì cứ nhìn vào là nhớ đến anh khiến cụ không cầm nổi nước mắt. Vợ liệt sĩ Phan Đình Giót một thời gian sau cũng đi thêm bước nữa với người đàn ông khác.
Theo cụ Giát thì lúc đầu gia đình không biết anh trai hy sinh như thế nào. Sau khi hòa bình lập lại, ông Lê Quang Nghiêm (người xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - đã mất) là Trung đội trưởng, trực tiếp chiến đấu cùng với Phan Đình Giót kể lại là "đồng chí Giót dù bị thương nhưng vẫn cố trườn về phía trước, lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên chiến đấu với quân thù".
Về phần cụ Giát, sau khi anh trai lên đường nhập ngũ, cụ cũng xây dựng gia đình với một người bạn đi ở và sinh được người con gái tên là Phan Thị Nhự. Hiện tại bà Nhự đang chăm lo cho cụ Giát và phụ giúp việc hương khói trên bàn thờ của liệt sĩ Phan Đình Giót.
Chính quyền địa phương cho hay, sau khi anh hùng Phan Đình Giót hy sinh, chiến tranh kết thúc, họ nhận được một số kỷ vật như ống đựng cơm, bi đông đựng nước, khẩu súng... của liệt sĩ. Hiện số kỷ vật này đang được cất giữ cẩn thận tại phòng trưng bày của nghĩa trang liệt sĩ xã.
Cụ Giát cho biết mình cũng đã 3 lần được ra thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi năm xưa anh trai đi chiến đấu. Lần gần nhất là cách đây 10 năm. “Mỗi lần đứng trước mộ anh trai để thắp nén nhang, tôi đều không cầm nén được cảm xúc, những giọt nước mắt không ngừng rơi. Anh Giót luôn là niềm tự hào không chỉ cho cả gia đình tôi mà cả làng xóm, chính quyền xã, huyện nơi anh ấy sinh sống".