Đời sống

Đang đi đường, dây cáp rơi gãy cổ

Trên đường tất tả chạy xe máy về nhà nấu cơm tối cho con, bà Trương Thị Duyến (TP Pleiku, Gia Lai) bất ngờ bị sợi dây cáp từ trên không trung rơi xuống kéo lê.

Đang đi đường, dây cáp rơi gãy cổ 1

Chi phí điều trị đã lên tới gần 100 triệu đồng, bà Duyến đã gửi đơn đến nhiều nơi nhưng không nhận được trả lời.

Hoàn cảnh của tôi khốn khó, chồng tôi qua đời sớm. Để nuôi con, hằng ngày tôi phải đẩy xe lên phố bán nước mía đến tối mịt mới về đến nhà. Đến nay dù con đã lớn nhưng ba mẹ con vẫn phải đi thuê trọ.

Ngày 19-11-2013, do đông khách nên tới 20g tôi mới dọn hàng. Lúc tôi về đến đầu hẻm số 1 đường Lê Đại Hành (phường Thống Nhất, TP Pleiku), cả khu phố mất điện, trời tối đen như mực. Lo sợ bị tai nạn nên tôi chạy xe thật chậm, tuy nhiên đang chạy thì tôi bị một vật gì đó đột nhiên thắt ngang cổ, giật lại với lực rất mạnh khiến tôi ngã lăn xuống đất.

Chúng tôi sẽ xác minh

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Gia Lai cho hay, hiện nay hệ thống cáp quang, cáp viễn thông ở các khu vực có rất nhiều đơn vị khai thác và quản lý như VNPT, FPT, SCTV, Viettel... Các đơn vị này đều nối dây theo “từng bó” kết nối về đến tận các hộ dân. Sự việc xảy ra đối với bà Duyến chúng tôi chưa nắm được do bà Duyến chưa gửi đơn lên sở. Đề nghị bà Duyến gửi đơn trực tiếp để chúng tôi có cơ sở xử lý sự việc. Chúng tôi sẽ đề nghị Công an TP Pleiku phối hợp để xác minh xem sợi dây điện thoại rơi trúng bà Duyến thuộc đơn vị nào quản lý để yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm. Tuy nhiên phải nói rằng đến nay sự việc đã khá lâu, hiện trường có thể đã thay đổi nhiều nên việc xác định chủ sở hữu sợi dây này cũng rất khó khăn.

Một vài người ở gần đó hô hoán nhau giúp đỡ tôi. Cổ họng tôi như có một que gỗ xuyên ngang, rất đau đớn khiến tôi không thể nói được gì, chỉ có thể ú ớ như người bị cấm khẩu.

Sau khi được sơ cứu, khoảng 21g thì tôi tỉnh hơn một chút và được dìu về tận nhà trọ. Anh Võ Ngọc Thông - chủ nhà đối diện với hiện trường nơi tôi bị nạn - kể lại với tôi rằng tôi bị sợi dây giống như dây điện thoại thòng xuống thắt ngang cổ.

Về nhà nghỉ ngơi được khoảng hai tiếng đồng hồ thì tôi thấy toàn thân bỗng nhiên đau thắt dữ dội. Hai bả vai và hai cánh tay tê cứng, mất hết cảm giác, không thể tự xoay xở hay cử động được. Phần cổ như có nẹp sắt ở phía trong, choáng đầu và đau thắt. Hoảng quá, các con tôi đã đưa tôi đi nhập viện trong đêm và tôi được các bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương cột sống cổ, chèn ép tủy và thần kinh. Bác sĩ bảo tôi phải phẫu thuật khẩn cấp nếu không sẽ liệt vĩnh viễn.

Bán nước mía ở vỉa hè nên chỉ đủ nuôi con ngày ba bữa, hoàn cảnh của mẹ con tôi đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tôi phải gọi điện mượn bạn bè, người thân xoay xở cho đủ 50 triệu đồng để tạm ứng trước cho bệnh viện khi thực hiện ca phẫu thuật.

Sau khi tôi gặp nạn mấy ngày thì con gái tôi cũng bị tai nạn giao thông. Hơn hai tháng ròng rã vào viện để nuôi mẹ khiến con tôi học hành sa sút, tiền bạc của gia đình kiệt quệ mà đáng buồn là không một đơn vị nào có trách nhiệm trong việc quản lý đường dây gây họa kia đến hỏi thăm. Gần tết chỉ có các anh công an phường và chính quyền xã xuống động viên, thăm hỏi và hỗ trợ mấy ký gạo cho mẹ con đón tết.

Tôi nghĩ chuyện gặp nạn như thế một phần cũng là cái rủi của tôi, nhưng tôi nghĩ đống dây mắc lòng thòng như thế không thể “từ trên trời rơi xuống”, phải có đơn vị nào khai thác thu lợi từ nó và quản lý nó chứ? Không lẽ cứ treo lên đó rồi mặc kệ, có xảy ra tai họa, rơi trúng ai thì người đó phải chịu? Suy nghĩ như thế nên tôi quyết định gửi đơn lên công an phường, Công an TP Pleiku, nhiều cơ quan chức năng khác. 

Tuy nhiên có đi đòi quyền lợi mới biết gian nan thế nào! Đủ thứ mệt mỏi. Từ ngày gửi đơn đến nay tôi chưa thấy ai xuống hỏi thăm và cũng không có ai đoái hoài, nhận trách nhiệm về sự việc cả. Đáng buồn hơn là khi tôi đến trực tiếp một đơn vị viễn thông tại Gia Lai thì người của đơn vị này đọc xong đơn rồi lạnh nhạt chìa tờ đơn lại nói thẳng với tôi: “Sợi dây vướng vào cổ chị không biết của ai cả, cũng chưa biết có phải của đơn vị chúng tôi hay không nên chúng tôi không thể tiếp nhận đơn. Chị muốn đi kiện nơi nào thì kiện”.

Một phần vì phải trở lại buôn bán để kiếm sống, một phần vì không có niềm hi vọng nào để thưa gửi nên tôi cũng chấp nhận an phận. Giờ tôi phải ráng kiếm tiền nuôi con và trả nợ gần 100 triệu đồng chạy chữa thời gian nằm viện.

Việc bà Duyến gặp nạn là có thật

“Sau khi chị Duyến có đơn trình báo lên công an phường thì chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường lập biên bản, ghi nhận hình ảnh và lấy ý kiến của người dân chứng kiến sự việc. Chúng tôi xác định việc chị Duyến bị một sợi dây (có thể là dây điện thoại, dây cáp viễn thông) rơi xuống thắt vào cổ là có thật. Tuy nhiên, việc xác định đơn vị nào sở hữu đường dây nói trên để quy trách nhiệm thì ngoài khả năng của công an phường. Vừa qua Công an TP Pleiku cũng đã cử cán bộ điều tra xuống hiện trường, cắt sợi dây có khả năng là dây đã rơi xuống đường để phục vụ công tác điều tra”.

Thiếu tá VŨ QUANG HUY

(phó trưởng Công an phường Thống Nhất)


Đây là vụ án dân sự

“Chúng tôi đã tiếp nhận đơn phản ánh của bà Duyến và cử cán bộ xuống tận nơi để tìm hiểu sự việc. Qua xác minh, chúng tôi nhận thấy sự việc này là tai nạn, chưa đến mức độ gây tử vong hoặc có những dấu hiệu hình sự nên chúng tôi hướng dẫn bà Duyến khởi kiện ra tòa dân sự. Cũng do đây là vụ tranh chấp dân sự nên chúng tôi cũng không xác định sợi dây gây họa cho bà Duyến do đơn vị nào quản lý. Hơn nữa, đơn vị chúng tôi không thể xác định được việc này mà thẩm quyền thuộc các cơ quan quản lý khác. Tuy nhiên, ở góc độ đây là một trường hợp cá biệt và hoàn cảnh khó khăn, tôi sẽ chỉ đạo anh em làm việc lại, sẽ có phản hồi sớm”.

Thượng tá NGUYỄN LỘC OANH

(phó trưởng Công an TP Pleiku)

aFamily

      © 2021 FAP
        4,319,684       673