Hơn 20 năm qua, cả gia đình ba thế hệ cô Nguyễn Thị Xuyến (53 tuổi) sống và sinh hoạt trên chiếc nhà phao khoảng 20 mét vuông.
Xóm nhà phao nằm ven một ngách sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Khác biệt hoàn toàn với cảnh đông vui nhộn nhịp ở trung tâm hồ Hoàn Kiếm, khu nhà nổi heo hút dù chỉ cách đó vài km. Xóm nhà phao là nơi ở của hơn 10 hộ gia đình vô gia cư sinh sống đã nhiều năm trên những căn nhà nổi.
Anh Nguyễn Thanh Long (40 tuổi), người dân ở đây cho biết: “Nhà phao được các hộ dân mua vật liệu về tự làm. Quan trọng nhất là những thùng phi, thùng xốp. Chúng được kết nối với nhau thành bè và dựng lán bằng ván gỗ, cọc tre trên đó.”
Xung quanh và mái các ngôi nhà được bọc kín bằng những tấm vách đan và phủ bạt bên ngoài. Vào mùa mưa, nước sông dâng cao nhà phao sẽ nổi theo dòng nước và cả xóm phải căng sức kéo nhà buộc chặt vào sát bờ. Mỗi khi bão lớn thì cả xóm phải di tản lên bờ trú tạm, tới khi nào hết bão mới trở về.
Cận cảnh những thùng xốp và thùng phi làm móng nhà được buộc chặt vào sàn là những ván gỗ.
Những sợi dây thừng cỡ lớn được người dân sử dụng liên kết các ngôi nhà với nhau và buộc chặt vào bờ tránh tình trạng bị nước dâng cuốn trôi nhà.
Nguồn điện sinh hoạt được chủ hộ liên hệ với tổ dân phố nối về. Còn nước sinh hoạt phải mua nước máy, có nhà dùng dây bơm dẫn, có hộ phải đi gánh bằng thùng mang về sử dụng dần. Họ tận dụng triệt chỗ trống ở hành lang, trên cầu vào bờ để phơi quần áo.
Gia đình cô Nguyễn Thị Xuyến (53 tuổi) ở đây đã hơn 20 năm. Ngoài vợ chồng và con trai út đang đi học, còn có vợ chồng con trai, con dâu cùng cháu nội (5 tháng tuổi) ở đây. Mọi sinh hoạt từ nấu cơm, tắm giặt đều diễn ra trong ngôi nhà khoảng 20 mét vuông. Trong ảnh, gian bếp của gia đình cô chưa đầy 2 mét vuông.
“Hàng ngày, chồng cùng con trai, con dâu đi làm thuê trên bờ chỉ có tôi ở nhà trông cháu nội. Đến chiều tối mọi người quây quần bữa cơm chiều, sau đó tôi đi chợ tối ở cầu Long Biên bán tôm. Đêm về cả nhà 6 người nằm bệt dưới sàn ngủ chung” - cô Xuyến nói.
Ông Nguyễn Văn Bình – tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Xóm nhà nổi có 13 hộ dân, với hơn 60 khẩu sinh sống đã nhiều năm nay. Họ vốn là dân tứ xứ nhiều nơi về làm nhà sống ở đây vì kinh tế khó khăn. Tổ dân phố cũng vận động bà con tận dụng đất phù sa ở bãi bồi để tăng gia sản xuất". Trong ảnh: Vợ chồng ông Vũ Văn Học (50 tuổi), quê ở Hưng Yên vui mừng vì sau 4 năm khai phá được 4 sào đất bãi trồng rau sạch, không phải bế con đi lang thang nữa.
Ông Nguyễn Quốc Thành – Chủ tịch phường Phúc Xá cho biết: “UBND phường đã vận động các hộ dân đưa con cháu lên bờ đi học miễn phí tại trường tiểu học 19/5. Ngoài ra, mỗi cháu nhỏ được trợ cấp 10kg gạo/người/tháng. Hàng năm họ cũng thường xuyên được nhiều đơn vị từ thiện quan tâm tới động viên cố gắng làm ăn. Vào mùa mưa lũ, chúng tôi luôn cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ họ sơ tán khi nước dâng cao, đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt các cháu nhỏ. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các phương án di dời nhưng còn gặp nhiều khó khăn chưa thực hiện được”.