Đời sống

Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương

“Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”, câu nói nghe sao da diết, bồi hồi mà bất cứ một người xa quê hương nào cũng đều canh cánh trong lòng.

Tết cổ truyền đang đến gần, trong khi ai ai cũng rộn ràng, háo hức, tất bật thì tại nơi đất khách quê người, những người bạn trẻ vì một lý do nào đó không về được Việt Nam lại có cảm giác bồi hồi, ao ước được trở về bên gia đình thân yêu. Họ đều có chung một mong ước rằng trong những ngày này, được cùng bố mẹ, anh em, họ hàng sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, được quây quần bên gia đình ăn bữa cơm tất niên ấm cúng, cùng đón giao thừa, cùng xắn tay làm bánh chưng xanh, xem bắn pháo hoa, mang lời chúc tốt đẹp đến với mọi người. 
Dưới đây là 4 người bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Singapore, mời bạn hãy cùng chúng tôi lắng nghe những lời chia sẻ hết sức chân thành, thẳng thắn của họ.
“Nỗi nhớ gia đình cứ nhân lên khi thời khắc giao thừa tới”
Đó là chia sẻ của Bùi Huyền, đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Cách đây 2 năm, chị yêu anh Lee Seon Jae – quốc tịch Hàn Quốc. Sau khi cưới, chị theo chồng sang đất nước này sinh sống. Nói về cảm xúc khi xa quê hương trong dịp Tết cổ truyền, chị chia sẻ: “Mình cũng như bao người con xa quê hương khác, mỗi khi Tết đến, mình lại trăn trở những cảm giác khác nhau. Tính tới thời điểm này, mình đã trải qua hai cái Tết xa nhà. Trong mình vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác đón Tết nơi quê người, thời khắc đó mình nhớ mẹ nhớ cha, nhớ gia đình, nhớ con đường quen thuộc, nhớ bạn bè, nhớ tất cả những nơi mình đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua. Dường như các nỗi nhớ càng nhân lên và được tụ hội vào đúng thời khắc giao thừa. Nếu như tại đây, mọi người cứ nô nức về nhà ngoại, nhà nội, thì với người phụ nữ ngoại quốc là mình thì đó là một sự tủi thân". 
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 1
Chị Huyền
"Mình nhớ da diết mâm cơm ngày Tết, hình ảnh mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh chưng xanh, nhớ những bộ quần áo mới bố mẹ mua cho, nhớ tiếng cười của lũ em thơ ríu rít đòi tiền mừng tuổi. Tại đây, mỗi khi nhớ gia đình, mình chỉ biết nâng cốc chúc bố mẹ, anh chị em, bạn bè qua webcam", chị kể.
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 2
Mâm cơm Tết của gia đình chị
Chị Huyền ngậm ngùi nhớ lại: "Có thể nói chẳng có nỗi buồn nào lớn bằng nỗi buồn của người con xa nhà. Cái thời điểm chuông tích tắc bước sang năm mới là lúc giọt nước mắt rơi xuống, mình nhớ những tràng pháo hoa, những lời chúc ngọt ngào từ bố mẹ. Cái Tết ở xứ sở Kim Chi này rất khác với Việt Nam. Ở Hàn Quốc thời điểm này không khí rất lạnh, tuyết phủ trắng xóa lối đi. Tết ở bên xứ người chủ yếu chỉ làm cơm tụ họp gia đình. Ở Hàn Quốc, đồ ăn Việt Nam rất đắt đỏ. Bên này cũng có đủ thứ như ở Việt Nam song nhập gia tùy tục, mình ở cùng bố mẹ chồng vì vậy mình cũng khá ngại nếu mang hoàn toàn cái Tết của mình vào gia đình nhà chồng. Nhưng may mắn, bố mẹ chồng mình rất tâm lý, bố mẹ luôn hỏi thăm mình về cái Tết Việt Nam, có những món gì...

Chồng mình cũng là một người rất tâm lý, anh biết mình cũng buồn nên thường anh sẽ an ủi, bảo vợ kể cho anh nghe về cái Tết Việt Nam và rủ vợ mở youtube xem người Việt đón Tết như thế nào. Như vậy cũng là tốt lắm rồi, điều đó khiến cảm giác về không gian như gần lại, nỗi nhớ như được san sẻ bớt”.
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 3
Vợ chồng chị Huyền
“Rất nhớ Tết cổ truyền Việt Nam”
Đó là chia sẻ của Phương Anh, hiện chị đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Cô bạn đã sống tại xứ sở hoa anh đào được hơn 10 năm. Chị chia sẻ: “Mình cảm nhận Tết ở Nhật không khác Tết ở Việt Nam là mấy. Ở bên này, người Nhật hay đi chùa, đến chúc tết người thân, bạn bè, lì xì cho nhau, cho người già, trẻ con để mừng tuổi, lấy điều may mắn. Bên Nhật có một điểm đón Tết khác Việt Nam đó là, họ có phong tục cứ sáng mùng 1, mọi người dậy sớm để ngắm mặt trời mọc. Họ tin rằng điều này sẽ giúp họ gặp may mắn suốt năm. 
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 4
Chị Phương Anh
Bên Nhật người ta ăn Tết tây chứ không ăn tết Âm lịch như người Việt Nam, nên trong dịp này, gia đình, người thân mình chỉ làm mâm cơm cúng gia tiên rồi cùng nhà sum vầy ăn uống rồi ai về nhà người nấy để sáng hôm sau lại đi làm bình thường. 
Mua đồ ăn, nguyên liệu để chế biến những món cổ truyền (đồ làm nem, bánh chưng, rau củ...) ở bên Nhật chắn chắn có đắt hơn ở Việt Nam. Tết đến, mình thường mua trái cây, bánh kẹo thắp hương. May mắn, gia đình mình sinh sống ở đây nên cảm giác nhớ nhà như bao người xa quê hương khác sẽ không quá nhiều. Tuy nhiên, mình vẫn rất nhớ cái Tết cổ truyền ở Việt Nam. Ai cũng đồng tình là bên này thiếu cái ‘hương vị Tết’ của Việt Nam. Nhưng không ai định nghĩa được ‘hương vị’ đó là cái gì và vì vậy không ai biết phải làm sao để làm ra được cái hương vị đó”. 
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 5
Gia đình nhỏ của chị Phương Anh
“30 Tết vì quá nhớ nhà, hai vợ chồng mình đã quyết định về nước ăn Tết”
Là chia sẻ của hai vợ chồng Nguyễn Hằng – An Khánh, họ học tập và làm việc một thời gian khá dài tại Singapore. Do bận công việc nên đã có những cái Tết đôi bạn trẻ không về Việt Nam được. Nguyễn Hằng chia sẻ: “Người dân Singapore chủ yếu là người gốc Trung Quốc nên họ cũng ăn Tết ta trùng với Việt Nam mình, người ta thường gọi là Chinese New Year, kéo dài trong 3 ngày 30, 1, 2. Cũng giống ở Việt Nam, gần Tết, đường phố ngập tràn rất nhiều cây quất, cây hoa, mứt tết và bánh kẹo, nhạc vui tươi ngày tết được bật rộn ràng khắp các trung tâm thương mại và siêu thị lớn nhỏ.

Đúng thời khắc giao thừa, mình nghĩ không chỉ mình mà rất nhiều người làm việc, công tác xa quê hương sẽ cảm thấy buồn và nhớ nhà hơn là vui. Đúng giao thừa, mình thường gọi điện về cho gia đình để chúc Tết cũng như hỏi thăm xem một mình mẹ xoay xở cúng giao thừa có mệt không? Vợ chồng mình cũng làm 1 mâm cơm nho nhỏ, cũng thắp hương giao thừa". 
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 6
Chị Hằng 
"Có 1 năm vợ chồng mình quyết định ở lại đây ăn Tết, nhưng ngày nào cũng lên facebook nhìn mọi người nô nức đón Tết, không khí Tết ở khắp mọi nơi nên đúng 30 Tết 2 vợ chồng mình phi ra sân bay, mua những chiếc vé cuối cùng để về bên gia đình. 
Bình thường, trước Tết 1, 2 tuần, đại sứ quán Việt Nam tại Singapore sẽ tổ chức một buổi chào đón Tết cho các học sinh và kiều bào sinh sống, làm việc tại đất nước này. Trong buổi đón Tết này, có đầy đủ tất cả các món ăn cổ truyền ngày Tết như bánh chưng, nem, giò chả,... Ai cũng mong đến ngày này để được đến đại sứ quán ăn những món ăn cổ truyền, đậm chất hương vị Tết. Hơn nữa, khoảng cách Việt Nam – Singapore không quá xa nên nếu năm nào không về được thì vợ chồng mình thường được gia đình 2 bên gửi đầy đủ đồ ăn Tết sang. 2 vợ chồng sẽ bày mâm mứt Tết, sẽ cùng cúng giao thừa, rồi sáng mùng 1 đi chùa cầu may mắn, an lành. Sau vài ngày nghỉ ngắn, vợ chồng mình lại bắt nhịp luôn với guồng quay của công việc”, chị cho biết.
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 7
Vợ chồng chị Hằng
“Tết đơn giản nhưng ấm áp”
Đôi bạn trẻ Dư Bích Ngà và Nguyễn Cao Tường Luân gặp và yêu nhau cách đây 5 năm trong một chương trình Christmas Gala do các bạn du học sinh tại Ottawa (Canada) tổ chức. Sau nhiều kỷ niệm đẹp, hai bạn đã nên duyên vợ chồng và quyết định định cư lại đất nước này. Và đây là cái Tết thứ 5 mà đôi bạn trẻ xa nhà. Bích Ngà chia sẻ: “Những năm đầu xa nhà mỗi khi nghe bài hát Xuân này con không về, biết bao cảm xúc trong mình lại ùa về. Song, cảm giác cô đơn mỗi khi Tết đến dần dần không còn mãnh liệt như những ngày đầu nữa. Có lẽ do mình đã phần nào quen với cảm giác sống xa gia đình, cuốn theo nhịp sống sôi động hối hả của người Tây Phương. 
Mình nhớ trước đây khi bắt đầu sang đây học, sinh viên Việt Nam bọn mình thường hay tụ tập đón Tất niên cùng nhau, người góp nem, người làm canh móng giò, người gói bánh chưng. Nguyên vật liệu chuẩn bị cho những món ăn cổ truyền Việt Nam ở Canada khá đầy đủ, giá cả phải chăng nên mình cũng không quá khó khăn để có một mâm cơm cổ truyền đầy đủ. 
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 8
Chị Bích Ngà
"Hiện tại, gia đình nhỏ bé của mình cũng chuẩn bị một mâm cơm cổ truyền đúng phong cách Việt Nam. Tết ở Việt Nam kéo dài cả tuần nhưng bên này mình chỉ có một ngày là đêm 30 Tết mà thôi. 
Một điểm khá thú vị là mặc dù đón Tết Ta ở trời Tây song chúng mình có cơ hội nghe tiếng pháo giòn tan như Tết ở Việt Nam. Sau khi ăn Tất niên, gia đình, bạn bè thường kéo nhau đến ngôi chùa Phổ Đà để hái lộc và xin quẻ đầu năm. Đây được coi là nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam mình. Đúng khoảnh khắc giao thừa, thầy trụ trì sẽ khai xuân bằng một băng pháo đỏ trước sự phấn khích của tất cả mọi người. Ai đó ra về cũng đều nhận được một phong bao do thầy trụ trì lì xì. 
Bên cạnh đó, hàng năm cứ đúng vào dịp Tết Nguyên đán, đại sứ quán Việt Nam tại Canada cũng tổ chức một buổi tiệc lớn để du học sinh và những kiều bào xa quê có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức món ăn đậm chất cổ truyền. 
Chia sẻ về việc ăn Tết của những người Việt trẻ xa quê hương 9
Vợ chồng chị Ngà
Cái thú vị nhất của Tết Việt Nam là không khí náo nhiệt, sắm đào, quất, nhà nhà quây quần gói bánh chưng, chuẩn bị câu đối, còn đối với những người xa quê hương như chúng mình sẽ được gặp gỡ, chúc nhau đêm giao thừa sẽ là thời khắc tuyệt vời nhất. Với mình, Tết xa quê chỉ đơn giản vậy thôi”, chị chia sẻ thêm.
aFamily

      © 2021 FAP
        3,870,332       940