Đời sống

Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết

Nhiều sinh viên miền Trung ở Sài Gòn năm nay bám trụ lại thành phố để làm thêm dịp Tết. Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua khiến nhiều gia đình họ ở quê rơi vào cảnh thiếu thốn khó khăn...

“Săn” việc làm dịp Tết

Không đủ tiền mua vé xe về quê ăn Tết và muốn gánh vác giúp gia đình kiếm thêm ít tiền để trang trải cuộc sống, Nguyễn Thị Đoàn Trang - sinh viên ĐH Bách Khoa Tp.HCM - quê ở Quảng Ngãi nghẹn ngào chia sẻ: “Mẹ em phải mượn thêm tiền để em có tiền đi mua vé xe. Nhưng…(nghẹn khóc) thôi, năm nay chắc em ở lại làm thêm để đóng tiền học phí cho kì tới. Đồ đạc nhà em bị lũ cuốn trôi hết rồi. Nếu làm được nhiều thì em gửi về gia đình một chút”.
Theo thống kê tại các trung tâm việc làm, so với dịp giáp Tết năm ngoái, số lượng sinh viên có nhu cầu tìm việc trong năm nay tăng hơn 30%. Phần lớn sinh viên này ở các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Do điều kiện kinh tế vốn khó khăn và vì miền Trung vừa phải hứng chịu các đợt bão lũ liên tiếp. Một số hãng xe tuyến Tp.HCM tới các tỉnh miền Trung cũng cho biết số lượng khách về quê ăn Tết có giảm so với năm trước.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng - Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Tp.HCM cho biết: “Số lượng sinh viên đến xin tư vấn và giới thiệu việc làm khá nhiều. Hiện tại chúng tôi đã hỗ trợ được hơn 2.100 sinh viên có việc làm thêm trong dịp Tết này”.

Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết 1
Nhu cầu tìm việc của sinh viên dịp cuối năm rất lớn.
Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết 2
Căng thẳng, lo lắng, mong tìm được một công việc như ý.
Những rủi ro và buồn lòng

Ngoài việc từ kiếm ở những Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên, trung tâm việc làm, nhiều bạn còn tìm việc trên các trang mạng. Chính vì vậy sinh viên làm thêm dịp tết không tránh khỏi những rủi ro: công ty một “môi giới” kém uy tín nào hết, các tổ chức lừa gạt “tung chiêu”.
Cách lừa phổ biến nhất là lừa tiền đặt cọc. Trịnh Thúy Lan - sinh viên CĐ Kinh Tế Tp.HCM chia sẻ: “Mình xin vào một nhà hàng ăn nhanh sang trọng ở Q.1, thấy chỗ này sang trọng nên mình nộp trực tiếp hồ sơ. Ban đầu quản lý kêu là muốn được nhận luôn thì phải đóng trước lệ phí để hoàn tất hồ sơ. Thấy có hy vọng nên mình làm theo. Nhưng lần thứ 2 đến gặp thì anh đó lại kêu bắt đóng thêm tiền để lấy đồng phục và phù hiệu và hẹn ngày mai đi làm. Tới lần thứ 3 thì người ta lấy lí do bận việc không tiếp. Vài lần như vậy, biết là bị lừa nhưng không làm gì được nên mình phải cắn răng bỏ đi xin chỗ làm khác”.

Cùng cảnh ngộ với Lan, Thanh Quang - sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học Tp.HCM cũng phải ngậm ngùi chịu mất một số tiền không nhỏ: “Biết là mình hơi thiếu thận trọng nhưng đâu có cãi lí được với người ta. Tiền giao qua tay nên cũng khó. Thôi thì đó là một kinh nghiệm”.
Không bị lừa theo kiểu “nộp phí” như thế nhưng Thành Vinh – sinh viên ĐH Công nghiệp Tp.HCM lại bị chủ quán ăn tung độc chiêu, “hút cạn” hết thù lao của mình. Vinh chia sẻ “Người ta lấy đủ lý do để trừ tiền lương của em trong tuần đó. Từ việc dọn đồ không sạch, đồng phục, đi đứng, bể đồ, tới việc….lỡ ngồi một chút vì hàng tiếng đồng hồ đứng không”. Vinh cũng cho biết thêm, không trả đủ tiền trong tuần đó mà hẹn sang tuần hôm sau cũng là chiêu trò của quản lý ở đây. Có khi, vì mấy chuyện bắt bẻ vô lý mà tiền lương chẳng còn là bao.
Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết 3
Làm thêm dịp tết là phải chấp nhận "đứng bên lề" những cuộc vui của gia đình khác.
Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết 4
Và đi làm một mình chứ không có "hội" như mọi khi.

Ngày tết, Sài Gòn rất vắng. Bạn bè đa phần về hết, sau một ngày làm việc, các sinh viên trở về phòng trọ và thui thủi một mình. Bấy giờ cảm giác nhớ nhà và tủi thân lại ùa vê. Nhiều bạn chia sẻ: Mỗi khi gọi điện về quê hay ba mẹ gọi vào hỏi thăm, tụi em chỉ nói chuyện vài câu rồi bảo bận để tắt máy. Nói lâu sợ không kiềm được sẽ khóc qua điện thoại... Đôi khi nằm mơ, thấy mình xách ba lô về quê, tỉnh dậy thấy nước mắt tràn ra gối rồi… Chỉ mong sao bạn bè về quê sớm lên để đỡ buồn.
Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết 5
Chuyện xách va li về quê chỉ là giấc mơ.
Kinh nghiệm kiếm việc an toàn

Thường thì vào những ngày này, để tránh khỏi những chiêu trò lừa gạt và bóc lột sức lao động của sinh  viên, các bạn nên tìm việc ở những nơi quen hay có sự hỗ trợ tư vấn của một số trung tâm trên địa bàn thành phố.
Xót xa nhiều sinh viên miền Trung ở lại thành phố làm thêm không về Tết 6
Nên tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín.

Theo Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Tp.HCM thì hiện tại nơi này còn có thể hỗ trợ hơn 1.700 đầu việc dành cho sinh viên trong dịp tết này. Được biết Trung tâm này đã ngỏ lời, phối hợp với gần 500 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng tìm kiếm đầu việc cho sinh viên trên địa bàn Thành phố trong thời gian này.
Hạn chế tối thiểu việc chấp nhận đóng phí để được nhận làm việc bởi vì đó rất có thể là hình thức lừa gạt sinh viên quen thuộc. Cần mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi về việc làm, quy định, chế độ lương với những ông chủ, quản lí để có quyết định đúng đắn. Dứt khoát không nhận lời với những công việc có quy định mập mờ.
Thời gian này, tùy theo điều kiện của một số bạn mà có thể làm cách việc như: làm phục vụ, chở thuê bình ga tới các hộ gia đình, nhận chở thuê một số mặt hàng, thiết kế những bao lì xì, quà ngộ nghĩnh hay những công việc như trang trí nhà, tỉa cây cảnh ở các gia đình…
aFamily

      © 2021 FAP
        4,041,363       827