Dịp Tết đến xuân về, những cành hoa tươi không thể thiếu trong mỗi gia đình nhưng để không khí thêm tươi vui, ấm cúng thì những cành hoa lụa lại mang xuân về theo cách rất riêng.
Nếu như hoa đào phải nhắc đến Nhật Tân (Hà Nội), quất phải nhắc đến Tứ Liên còn hoa lụa thì phải là hoa lụa Báo Đáp (Hồng Quang - Nam Trực - Nam Định). Những ngày cận kề Tết, về Báo Đáp chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí của làng nghề sản xuất đang gấp rút cho những lô hàng hoa lụa sặc sỡ sắc màu phục vụ dịp Tết.
Báo Đáp được biết đến với nghề làm đèn ông sao, song nơi đây còn có nghề làm hoa lụa độc đáo và nổi tiếng khắp cả nước. Thôn Báo Đáp có đến 10 xóm, mỗi xóm có từ 100 - 150 hộ gia đình. Hầu hết các gia đình đều làm nghề hoa lụa.
Từ sau rằm tháng 8, Báo Đáp chuyển sang sản xuất hoa lụa. Những ngày Tết đến xuân về, hàng chục loại hoa dưới bàn tay điệu nghệ của các nghệ nhân trở nên tươi tắn, đua nhau khoe sắc.
Mặc dù mỗi xóm có đến cả trăm hộ sản xuất hoa lụa nhưng các gia đình đều sản xuất một số loại hoa riêng biệt như: Cẩm chướng, hoa lan, địa lan, hồng, đào, mai, cẩm tú cầu, hoa ly.... Trên ảnh là công đoạn ghép cuống hoa lụa với nhánh hoa bằng nhựa.
Để làm ra một chậu hoa lụa những người nghệ nhân ở Báo Đáp phải trải qua từ 35-45 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn được phân chia rõ ràng và sản xuất theo một dây chuyền khép kín.
Gia đình anh Hoàng Văn Thiệu đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề làm hoa lụa, lúc nào cũng có khoảng 20 công nhân. Anh chia sẻ: "Người làm hoa lụa cũng phải thật cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết, từng khâu dù là nhỏ nhất. Nếu lệch một chút trong hàng chục công đoạn thôi thì bông hoa cũng xem như vứt đi".
Các loại hoa làm dịp Tết Nguyên Đán thường là hoa đào, hoa mai, hoa đồng tiền, hoa hồng... Đây là công đoạn phủ nhụy cho hoa đồng tiền, người nghệ nhân phải nhúng lõi bông hoa vào hồ dán cho đều rồi nhúng qua túi xốp nhuộm màu vàng.
Công đoạn ghép cành, lá khá đơn giản nhưng để đạt năng suất cao thì người làm cần nắm được cành nào đặt ở vị trí nào.
Bà Nguyễn Thị Miều đã có thâm niên làm hoa lụa hàng chục năm nay. Theo kinh nghiệm của bà Miều thì để hoa lụa trông giống như hoa thật thì đòi hỏi bàn tay của người làm phải nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cũng thật phải điệu nghệ.
Nhiều thế hệ trong một gia đình đều đã có thâm niên từ vài năm đến vài chục năm.
Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu cho Tết Nguyên Đán thì mỗi hộ gia đình thường phải thuê thêm thợ, thợ chủ yếu là các em học sinh, sinh viên ở các trường trên địa bàn Nam Định tranh thủ làm ca, thu nhập bình quân là 7 ngàn đồng/giờ.
Anh Thiệu đang kiểm tra những bó hoa trước khi xuất xưởng. Theo anh Thiệu thì hoa lụa chủ yếu nhập cho 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, ngoài ra các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình... cũng là thị trường tiềm năng.
Để cạnh tranh với hoa từ Trung Quốc tràn vào buộc những chủ cơ sở phải nắm bắt được nhu cầu, sở thích cũng như liên tục sáng tạo ra các dáng, thế hoa khác nhau.
Những cành hoa lụa được cắm trang trọng trong bình trở nên tươi tắn không kém cạnh hoa thật, thậm chí còn lung linh hơn.
Nghề làm hoa lụa Báo Đáp đã và đang giúp cuộc sống của hàng ngàn hộ dân tại đây khá giả. Ngoài việc làm hoa lụa phục vụ Tết Nguyên Đán thì người Báo Đáp còn làm hoa lụa cho đám cưới, hội nghị, khai trương hoặc trang trí không gian sống.