Bằng cách chi tiêu thật hợp lý, tiết kiệm và khoa học, các gia đình vẫn có thể đón một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn.
Tết Giáp Ngọ này, mặc dù tình hình kinh tế chưa hết khó khăn khiến không ít gia đình phải thực hiện giải pháp tiết giảm chi phí, thắt chặt chi tiêu, nhưng thói quen sắm sửa đón Tết từ lâu của người dân vẫn khiến cho lượng tiêu thụ hàng hóa có chiều hướng khởi sắc vào những ngày cuối năm.
Với tâm lý đón chờ một cái Tết an lành, ấm áp và nhiều niềm vui, các mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm và tiêu thụ mạnh trong đợt giáp Tết này thường là thực phẩm, đồ trang trí và hàng điện tử, đồ gia dụng và đặc biệt là những thiết bị giải trí gia đình.
Với “mê hồn trận” những đồ cần mua dịp Tết mà ngân quỹ chi tiêu không quá dồi dào, để tránh vung tay quá trán, chị em cần “thủ” sẵn một vài
bí kíp mua sắm tiết kiệm, hiệu quả
.
1. Lập list đồ cần mua và quyết tâm không vượt ngân sách
Việc lên kế hoạch tài chính trong dịp Tết rất quan trọng, vì bạn luôn cảm thấy có quá nhiều thứ cần phải mua. Để tránh việc chi tiêu quá đà, chị em cần xác định được trước các khoản như: quà cáp, tiền mừng tuổi nội ngoại, họ hàng, bạn bè, tiền mua sắm đồ đạc, thực phẩm… Sau khi danh sách đã hoàn thành, bạn sẽ dự tính được mình sẽ cần chi bao nhiêu tiền cho mỗi khoản và (nếu có thể), gạt bỏ trong danh sách đó những mục chưa hợp lý.
Với riêng mục những mặt hàng cần mua trong Tết, ngoài việc chốt danh sách bằng những mặt hàng thiết yếu, không thể không có, bạn cũng nên kiểm tra lại trong list xem có món nào bạn đã mua những năm trước có thể tái sử dụng không (ví dụ: hộp đựng mứt, lọ hoa, ly cốc, thảm trải nhà…). Với mẹo liệt kê chi tiết và chỉ tập trung vào những thứ cần mua, cộng thêm sự quyết tâm không vượt hạn mức ngân sách, bạn có thể tránh được tình trạng sa đà, gặp món nào hay hay cũng sà vào mua khi đi sắm Tết.
2. Tranh thủ khuyến mại, săn hàng giá rẻ
Những mặt hàng thường “ngốn” nhiều tiền nhất trong mỗi dịp sắm Tết của các gia đình thường là đồ gia dụng thiết yếu như điều hoà hai chiều, quạt sưởi, lò vi sóng, lò nướng…
Có giá trị cao và thường khiến người mua cân nhắc nhiều nhất, nhưng những mặt hàng này, với nhiều gia đình, là không thể thiếu. Ngoài việc cân nhắc kỹ về thương hiệu, giá trị sử dụng có “đáng đồng tiền bát gạo” hay không, chị em cũng cần tranh thủ “săn” các chương trình khuyến mại của những siêu thị, cửa hàng điện máy.
Dịp gần Tết, các siêu thị, cửa hàng điện máy luôn có những chiêu hút khách bằng giảm giá “khủng” hoặc tặng quà đi kèm khi mua các sản phẩm gia dụng, ví dụ như mua nồi cơm điện tặng bộ ấm trà, mua bếp từ tặng chảo chống dính… nên không khó để bạn có thể mua nhiều đồ cần thiết với giá hợp lý. Tuy nhiên, bạn cũng cần tỉnh táo kiểm tra giá cả ở nhiều nơi trước khi quyết định mua hàng để không bị mua “hớ” hay rơi vào “bẫy” nâng giá lên mây rồi giảm xuống của một số siêu thị.
3. Mua sắm thông minh
Những mặt hàng giải trí gia đình như TV, loa, đầu đĩa… cũng hay được chọn mua vào dịp cận Tết, đặc biệt là những sản phẩm cao cấp, thông minh. Tùy vào điều kiện tài chính, bạn có thể “lách” để chọn những món đồ đẳng cấp đó cho gia đình mà không phải chi quá nhiều tiền.
Định mua thêm một dàn karaoke điện tử cho gia đình trong dịp Tết, nhưng đứng ngắm nghía ở siêu thị điện máy một hồi, vợ chồng chị Mai Trang (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị “mê hoặc” với kho ứng dụng đồ sộ và đầy thú vị của những chiếc trên chiếc TV thông minh, mê nhất là tính năng hát karaoke hay lướt web thoải mái mà chỉ cần nối mạng.
Mặc dù ở nhà đã có một chiếc LCD mới mua đầu năm, chị vẫn nài nỉ chồng “nghiên cứu” để sắm thêm
TV thông minh cho phòng khách. Choáng khi thấy giá của sự “thông minh” 42 inch cao ngất ngưởng đến hơn chục triệu, gấp rưỡi tháng lương của mình, ông xã chị ngần ngừ mãi. Cuối cùng, anh quyết định chiều vợ, “lên đời” chiếc LCD cũ đang dùng thành
Smart TV, nhưng không phải bằng việc mua thêm TV mới mà sắm thêm thiết bị smart box của VNPT.
Vậy là, với chi phí rẻ hơn rất nhiều (chỉ khoảng 2,5 triệu đồng), cả gia đình vẫn có thể có những trải nghiệm cao cấp không khác mấy so với một chiếc smart TV tân tiến. Bé con của anh chị tha hồ được xem, nghe truyện cổ tích hoặc chơi đố vui; nhu cầu lướt web, karaoke, xem phim của anh chị cũng được đáp ứng mà ông bà của bé cũng vui lây vì có “góc người già” cài đặt sẵn.
Với những món đồ gia dụng khác, lựa chọn sản phẩm nhiều chức năng cũng là một xu hướng thông minh để tiết kiệm, ví dụ bạn có thể chọn lò vi sóng có chức năng nướng, nồi cơm có thể hầm cháo, hấp bánh, nồi lẩu – nướng điện kết hợp...
4. Tranh thủ sắm Tết sớm
Với những mặt hàng thực phẩm, đồ uống, hầu như giá cả đều bị đội thêm 5 – 10% vào dịp gần Tết. Với những thứ có thể để được khá lâu mà không sợ hỏng như gia vị, đồ khô, các loại hạt, rượu bia, kẹo, mứt… bạn hoàn toàn có thể sắm dần từ bây giờ để tránh bị mua đắt.
Những mặt hàng thực phẩm tươi sống, dù không có hạn sử dụng dài nhưng bạn cũng đừng để đến ngày 29, 30 tháng Chạp mới bắt đầu mua, vì rất dễ gặp phải cảnh bị hàng trăm nghìn một nải chuối, vài chục nghìn một cây súp lơ hay thịt, cá lên vùn vụt. Bạn hoàn toàn có thể mua sớm hơn một chút và để vào ngăn đá tủ lạnh. Thêm nữa, những năm nay tiểu thương thường mở cửa sớm, nên có lẽ bạn chỉ nên trữ đồ đến mùng 3 Tết, sau đó thì mua đồ tươi, giá cũng sẽ không chênh quá nhiều so với giáp Tết.
5. Tích cực với “cây nhà lá vườn”
Một mẹo nữa để có thể tiết kiệm triệt để trong những ngày Tết là tích cực tự chế biến thực phẩm ăn Tết. Nhìn chung, hầu hết các loại thực phẩm ăn Tết như dưa hành, bánh quy, giò tai, bánh chưng, mứt Tết các loại… đều dễ làm, chỉ cần chị em tranh thủ thời gian và khéo tay một chút. Ví dụ như món nem (chả giò), bạn có thể kêu gọi sự hỗ trợ của ông xã và những em bé của gia đình và bỏ ra một buổi tối để gói, sau đó đóng hộp để vào ngăn đá tủ lạnh; món mứt mất thời gian hơn, bạn có thể dành một tối để sơ chế, ngâm đường và tối hôm sau mới sên mứt… Tự làm thực phẩm Tết vừa có thể giúp chị em tiết kiệm một khoản tiền so với mua hàng sẵn, vừa có thể bảo vệ gia đình trước các mối nguy về an toàn thực phẩm.