Đời sống

Xuất khẩu cô dâu Việt: Những cuộc thi tuyển kỳ lạ

Tấm vé đổi đời ngay trước mắt, nhưng ai muốn lấy nó phải vượt qua được hàng chục cô gái khác. Các cô dâu Việt nóng lòng đến nỗi đứng ngồi không yên.

Sau khi trượt trong lần tuyển chồng ở nhà hàng Th.V., tôi được đưa về nơi ăn đợi nằm chờ của các cô dâu Việt. Tuy nhiên, lấy lý do muốn về nhà người quen vay tiền mua quần áo mới nên tôi không ở lại. Sáng sớm hôm sau, trời vẫn còn chưa sáng rõ, B. đã gọi điện báo tin vui. Cô ta nói rằng, hôm nay sẽ có bốn rể Hàn về Thủy Nguyên xem mặt. Tuy nhiên, lần xem mặt này không diễn ra ở “đại hang ổ” Th.V. nữa mà là khách sạn P.K., cách đó không xa. Tôi thắc mắc, B. cho biết: “Ở nhà hàng Th.V. có động nên rể Hàn và phiên dịch quyết định thay đổi địa điểm”.

Xuất khẩu cô dâu Việt: Những cuộc thi tuyển kỳ lạ 1
  Khách sạn P.K. có cơ sở vật chất khá hơn hẳn. Đây cũng chính là nơi những chú rể
 Hàn lưu trú trong những ngày tìm vợ ở Việt Nam.

Lúc tôi đến nhà, C. và ba cô gái ở cùng đang ăn sáng. Bữa sáng của họ chỉ là mấy gói mỳ tôm nấu với rau cải, ăn với cá kho. Hôm nay, C. ở nhà và sẽ đích thân đưa chúng tôi đi “thi hoa hậu”.

Ăn sáng xong, trong lúc đợi các cô dâu Việt trang điểm, C. kéo tôi ra một góc thầm thì: “Như cái B. đã thông báo với em rồi đấy. Hôm qua, chị nhận được tin có rể về nhưng bên Th.V sẽ tạm dừng việc tổ chức tuyển vợ. Có vẻ như bên Th.V đang nghi ngờ có người quay phim, chụp mình nên hôm nay chuyển địa điểm sang P.K.”.

Linh cảm có “động” là chuyển địa điểm giao dịch

Khách sạn P.K. mà C. nói với tôi còn khá mới, nằm cách “đại hang ổ” tuyển chồng gần 1km. Từ nhà C. chúng tôi đi xe máy mất khoảng 7 phút. Lúc chúng tôi đến nơi, mặc dù chỉ mới hơn 8h nhưng đã có hàng chục cô gái trẻ cùng các “bà mối” đứng đợi rể Hàn. C. dặn chúng tôi rằng, theo tin mật, rể hôm nay có nhiều anh còn trẻ. Chính vì thế, phải dùng đủ mọi mánh khóe để lấy bằng được tấm vé xuất ngoại. Theo quan sát của tôi, so với Th.V, khách sạn P.K. có cơ sở vật chất khá hơn hẳn. Đây cũng chính là nơi những chú rể Hàn lưu trú trong những ngày tìm vợ ở Việt Nam.

Tôi và hai cô gái là người của C. được đưa vào bên trong phòng khách ở tầng một của khách sạn. Chỗ tôi ngồi đợi khá sát với phòng phỏng vấn. Lúc đợi rể Hàn từ phòng ngủ đi xuống, T.A, một cô gái phiên dịch phàn nàn với lễ tân khách sạn: “Tối qua, rể Hàn nói rằng chăn của nhà hàng không đủ ấm. Tối nay, cô bố trí cho họ thêm mấy cái chăn nữa nhé. Nếu cứ kiểu phục vụ như thế này, lần sau chúng tôi sẽ cắt hợp đồng, đưa rể đi vào nơi nghỉ khác”.

Gần nửa tiếng sau, rể Hàn từ trên tầng hai bước xuống, ngồi luôn ở chiếc bàn uống nước ngoài hành lang. Vì rể không biết nói tiếng Việt và các cô gái Việt Nam cũng "mù tịt” tiếng Hàn nên họ chỉ nhìn nhau rồi cười. Các cô gái Việt đi tuyển chồng cứ bô bô bàn luận so sánh về ngoại hình, mặt mũi của những gã đàn ông ngoại quốc ngay trước mặt họ. Cô gái tên P. quay sang nói với tôi: “Lấy chồng kiểu này thì may hơn khôn. Vì mình có biết tí tiếng Hàn nào đâu, phiên dịch bảo gì thì nghe vậy. Nghe có vẻ buồn cười nhưng việc đi tuyển chồng ở khách sạn chẳng khác nào một trò đánh bạc. May mắn thì được sung sướng, giàu có, còn ngược lại vừa mất đời con gái lại chẳng được gì”.

Ngồi bên cạnh, C. gảy tay tôi và nói: “Mấy ông rể lần này có vẻ giàu nên khó tính lắm. Hôm qua đã có gần 30 dâu vào xem mặt nhưng có mỗi một “ông” gật đầu đồng ý cưới. Nghe phiên dịch bảo, nhà anh này ở Seoul, làm Giám đốc một công ty điện thoại, có nhiều tiền của nên rất... kiêu. Hôm nay, khách sạn có bốn rể mà có đến gần 40 gái thi tuyển. Các em phải dùng hết tất cả những thủ thuật mà chị dạy. Còn chuyện ngoại giao với cò để chị lo”.

Ngặt nghèo quy trình “tuyển hoa hậu hoàn vũ”

Khác với nhà hàng Th.V., các ông rể Hàn ở khách sạn P.K. yêu cầu vòng sơ loại qua ảnh. Nghĩa là, trước khi mặt đối mặt với rể, các cô dâu Việt được chụp ảnh rồi đưa cho họ xem ảnh trước. Nếu xem ảnh, rể gật đầu thì coi như cô gái đó đã qua vòng sơ loại và bước vào vòng phỏng vấn. Việc làm này càng khiến các cô gái trong buổi thi tuyển chồng hôm nay phấn khởi hơn, bởi theo suy nghĩ của họ, những gã đàn ông Hàn càng kiêu, càng khó tính, chứng tỏ càng có nhiều tiền. Nếu may mắn lọt vào mắt xanh của rể thì chắc chắn cuộc đời của gái sẽ bước sang một trang mới. Tấm vé đổi đời đang ở ngay trước mắt, nhưng ai muốn lấy nó phải vượt qua được hàng chục cô gái khác. Các cô dâu Việt nóng lòng đến nỗi đứng ngồi không yên. Trong khi đó, đám “cò” chạy đôn chạy đáo tìm phiên dịch viên T.A. để ngoại giao.

Chúng tôi ngồi trên một cái ghế băng dài, người chụp ảnh đưa ống kính vào khuôn mặt từng người và yêu cầu cười duyên để bấm máy. Anh này cho biết, sau khi chụp xong, ảnh sẽ được copy vào máy vi tính rồi đưa cho rể Hàn xem mặt từng người. Nếu rể Hàn thích ai thì phiên dịch sẽ đánh dấu lại rồi gọi từng người vào phỏng vấn. Trước khi đến lượt chụp ảnh, các cô gái thi nhau lôi phấn son, gương lược ra để tút tát lại nhan sắc. Thậm chí, thấy con gái mình trang điểm lâu, một bà mẹ đi cùng còn gắt lên: “Mày đánh phấn bôi son gì mà lâu thế. Nhanh lên vào chụp ảnh. Để chúng nó chụp trước, mấy thằng trong kia nó gật đầu thì coi như toi cơm con à”.

Trong khi chờ đợi kết quả của “cuộc thi hoa hậu ảnh”, các cô gái sốt ruột, đứng ngồi không yên. Họ lại ngồi buôn chuyện với nhau về những gã đàn ông Hàn và lắng nghe những động tĩnh từ bên trong. Mỗi khi cánh cửa mở ra, tất cả các cô gái lại đứng dậy ngóng.

Theo quan sát, khách sạn P.K. khá rộng với một khu nhà khép kín cao khoảng 6 tầng, có chỗ để ô tô rất rộng và nhà hàng chuyên phục vụ khách hàng là rể Hàn và người nhà của cô dâu trúng tuyển. C. bảo, đã mấy năm nay, nơi đây trở thành “bà mối” cho các đám cưới Hàn Quốc – Việt Nam. Tại Thủy Nguyên, khách sạn P.K cũng được coi là một “hang ổ” tuyển chồng Hàn có uy tín. Bởi, họ canh chừng cẩn thận khiến những cuộc tuyển “hoa hậu hoàn vũ” luôn bí mật và an toàn.

Bị đuổi việc, mộng làm dâu xứ Hàn

Nói chuyện với tôi bằng thứ giọng lơ lớ miền Nam, T.H., một cô gái sinh năm 1988 cho biết: “Em là người Nam Định nhưng vào Bình Dương làm ăn đã lâu. Gần Tết, công ty em sa thải nhân viên hàng loạt để né tiền thưởng nên mới phải ra đây thi tuyển lấy chồng Hàn. Biết đâu, số mình lại hợp với việc xuất ngoại, sau này giàu có thì sao. Ở trong kia (miền Nam – PV), em thấy cũng có nhiều cô gái miền Tây đi làm dâu Hàn Quốc nhưng mình không quen ai nên không vào đường dây được. Với cách tuyển này, có lẽ, hôm nay em không gặp may rồi bởi không ăn ảnh như mấy chị khác”.

10h sáng, nhưng số lượng “cò” chở dâu của mình đến khách sạn P.K. ngày một đông. H. cũng cho tôi hay, ở quê, có một chàng trai khỏe mạnh, hơn hai tuổi đến hỏi cưới. Mặc dù cô phải thừa nhận rằng, cũng có rung động nhưng gia đình không đồng ý, vì chê chàng trai... nghèo. Mấy ngày trước, chàng trai này vẫn thường xuyên nhắn tin qua điện thoại nói chuyện với H..

Tuy nhiên, khi biết cô đang đi thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc, người thanh niên này không còn mặn mà với H. nữa. Anh ta nói rằng H. hám của, tham giàu, sống không có tình cảm. “Ở Hải Phòng, một cô gái đi tuyển chồng Hàn là một việc hết sức bình thường. Nếu không có số xuất ngoại, họ có thể về quê lấy được những người đàn ông tử tế và tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, ở quê em thì khác, một khi đã xách hành lý đi “tuyển chồng” lập tức bị mang tiếng là hám của, thực dụng. Lúc đó, muốn về quê lấy chồng cũng khó. Nếu không được tuyển, em sẽ tiếp tục vào Bình Dương xin làm công nhân rồi lấy chồng trong đó, chứ về quê nhục nhã, ê chề lắm chị à”, H. buồn bã tâm sự.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,069,379       734