Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận dao động ở mức 443.000-450.000 đồng/bình 12kg.
Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó Trưởng phòng Kinh doanh - Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), giá gas thế giới tháng 1/2014 vừa công bố là 1.015 USD/tấn, giảm 147,5 USD/tấn so với tháng 12/2013, nên giá gas trong nước được điều chỉnh giảm theo.
Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các đơn vị kinh doanh mặt hàng gas đã triển khai hoạt động báo giá, niêm yết giá và thông báo rộng rãi đến người dân.
Trước đó, lấy lý do giá thế giới tăng, ngày 1/12, các công ty gas như Saigon Petro, Petrolimex, Gia Đình Gas, Pacific Gas... đồng loạt công bố mức tăng giá kỷ lục 78.000-79.000 đồng/bình 12kg, nâng giá bán lẻ gas lên mức 485.000-491.000 đồng/bình, phá tất cả kỷ lục đã lập trước đó.
Vào thời điểm đó, ngay sau khi tăng giá khủng, Hiệp hội Gas đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% như hiện tại xuống 0% để giảm giá gas, hỗ trợ người tiêu dùng.
Hiệp hội Gas Việt Nam còn cảnh báo, nếu việc giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này không được tiến hành, nguy cơ tăng giá bán lẻ gas có thể sẽ còn tăng thêm đến 78.000 đồng/bình 12kg ngay trong tháng 1/2014 và rất có thể còn tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng hiện hành là 5% mà không giảm thuế nhập khẩu xuống 0% theo đề nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam.
Nói về đợt tăng giá gây sốc hồi đầu tháng 12/2013, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Ở đây đang có biểu hiện của một mối liên kết thầm lặng mà pháp luật không kiểm soát đến. Đáng lẽ Cục Quản lý cạnh tranh cần vào cuộc xem có sự thống nhất cùng tăng một thời điểm hay không?”