Đời sống

Làng đi ở nhờ gần một thế kỷ ở Thủ đô

Giáp ranh với Hà Nội chưa đầy 2km đường chim bay, thế nhưng, ngay tại làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), không ít hộ gia đình vài chục năm nay đi… ở nhờ.

Ba thế hệ đi… ở nhờ

Nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, tên xóm… “hoành tráng” như ở phố, Cự Đà là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi và “đặc biệt” ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Làng đi ở nhờ gần một thế kỷ ở Thủ đô 1
  Sống chung với bố mẹ chồng trong ngôi nhà đi mượn tạm từ năm... 1945, bây giờ, chị Liên đã có con lớn học đại học, nhưng gần chục con người vẫn chen chúc trong ngôi nhà 5 gian mượn của người làng.

Thế nhưng, điều đặc biệt hơn nữa, là ở làng cổ Cự Đà, 60 – 70 năm nay, rất nhiều hộ dân đang sống trong cảnh… đi ở nhờ. Có những hộ gia đình, cả ba, bốn thế hệ được sinh sôi trong những ngôi nhà… đi ở nhờ như thế.

Chị Nguyễn Bích Liên, thôn Khúc Thủy buồn rầu chỉ vào ngôi nhà chật chội, đã xuống cấp của gia đình mình, than phiền: ngôi nhà đã xuống cấp từ lâu, dột nát, gia đình mấy thế hệ cùng sinh sống, muốn cải tạo cũng không được vì rất nhiều lý do: không có tiền để cải tạo, mà có tiền cũng không được phép cải tạo vì nhà cổ nằm trong danh sách… bảo tồn. Nhưng, quan trọng nhất, đó là ngôi nhà mà gia đình chị… ở nhờ mấy chục năm nay.

Làng đi ở nhờ gần một thế kỷ ở Thủ đô 2
Ngôi nhà mà bố mẹ chồng chị Liên đi mượn được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, chủ nhà làm ăn, buôn bán ngoài Thủ đô.

Như nhiều hộ gia đình khác trong làng, gia đình chị Liên đã ở nhờ trong ngôi nhà này từ năm… 1945. Ngôi nhà cổ mái ngói năm gian, thuộc quyền sở hữu của một gia đình khác, từ lâu, họ đi làm ăn buôn bán ngoài Hà Nội, rồi lập nghiệp ở đó, không về làng ở nữa…

Cự Đà được biết đến là “làng doanh nhân”. Từ những năm đầu thế kỷ 19, nhiều người ra Hà Nội buôn bán, phát đạt với nghiệp kinh doanh, có điều kiện mua nhà cửa, định cư ngoài phố. Nhà ở làng họ để không, phải mượn người đến trông coi.

Dù gần thế kỷ đã trôi đi, nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về chủ cũ, giấy tờ nhà đất họ vẫn giữ được, do đó, các hộ ở nhờ, dù rất nhiều thế hệ đã ra đời, trưởng thành, nhưng lúc nào cũng ở thế… ra đường khi mà các chủ cũ đòi lại nhà.

Trường hợp gia đình chị Liên: chủ cũ về yêu cầu gia đình trả lại nhà để họ cải tạo làm nơi thờ tự. “Người ta cho mình ở nhờ ròng rã như thế cũng là tốt lắm. Giờ họ lấy lại, đương nhiên mình phải trả”.

Làng đi ở nhờ gần một thế kỷ ở Thủ đô 3
  Dù đã rất xuống cấp, nhưng là nhà đi mượn, lại là nhà cổ được bảo tồn nên những người đi ở nhờ phải kiên nhẫn sống trong cảnh xập xệ, xuống cấp trầm trọng.

Tuy nhiên, điều mâu thuẫn mà có lẽ ai cũng sẽ đặt câu hỏi, đấy là vì sao ở một vùng làng quê Bắc Bộ, chẳng phải phố thị gì mà bao năm ròng người dân lại phải đi… ở nhờ như thế?

Câu trả lời ngay lập tức được người dân giải đáp: tiếng là làng, là quê, nhưng Cự Đà từ lâu đã là ngôi làng cổ đất chật người đông; quỹ đất nông nghiệp chia theo khẩu cũng thuộc diện thấp nhất vùng Thanh Oai… Những người rời làng đi lập nghiệp thành đạt, về đầu tư xây dựng quê hương khiến Cự Đà đẹp đẽ, khang trang không khác gì phố.

Cự Đà cũng là ngôi làng đầu tiên và duy nhất được chính quyền sở tại đánh số, treo biển ngõ xóm… để quản lý hành chính.

Theo thời gian, đất có chủ, mỗi năm người lại đẻ thêm người, quỹ đất ngày càng thu hẹp. Đó là chưa nói đến, giai đoạn trước năm 2010, các dự án xây dựng đô thị mới Thanh Hà A, Thanh Hà B; dự án của Cienco… triển khai tại làng cổ đã “gặm” thêm phần diện tích đất nông nghiệp vốn đã chật chội của xã…, cả làng có nguy cơ… hết sạch quỹ đất nông nghiệp.

Làng đi ở nhờ gần một thế kỷ ở Thủ đô 4
  Tại Cự Đà, Khe Tang, Khúc Thủy, có rất nhiều ngôi nhà cổ chủ cũ không ở, (nhưng vẫn còn giấy tờ, sở hữu) bị bỏ hoang như thế này.

“Nếu tính cả làng, chắc cũng có tới vài chục hộ dân đi ở nhờ, không có nhà. Biết được chủ trương nhà nước sẽ cấp đất giãn dân cho các hộ chưa có nhà để ở, chúng tôi mới làm đơn lên xã, lên huyện… để có chỗ ở ổn định, và trả lại nhà cho chủ cũ” – chị Liên cho biết.

Câu chuyện của chị Liên gắn với nỗi bức xúc của 37 hộ dân trong xã đã tồn tại từ nhiều năm nay. Cùng chung hoàn cảnh không có nhà ở, các hộ dân này đã viết đơn xin cấp đất giãn dân từ năm 2008. Chủ trương đã có, quyết định cấp đất cho người dân đã được UBND huyện Thanh Oai phê duyệt, quỹ đất sạch cũng đã được chuẩn bị…, nhưng, 5 năm trôi qua, những hộ dân này vẫn chưa nhận được đất.

Thiếu chỗ ở, năm hộ dân đã phải tự ý lấn chiếm đất đê sông Nhuệ để làm nhà tạm; hai hộ dân đi… thuê nhà của người trong làng; hơn chục hộ dân khác tiếp tục đi ở nhờ, giống như trường hợp gia đình chị Liên.

“Nhà tôi có bốn khẩu; gia đình mẹ chồng cũng có ba, bốn khẩu. Gần chục con người hơn 50 năm sống trong năm gian nhà ngói ở nhờ. Cháu gái lớn đang học ĐH, nó không dám dẫn bạn về nhà chơi vì xấu hổ. Tôi cũng ái ngại thay cả con” – chị Liên rơm rớm.

Kiên Trung

(Còn tiếp…)

aFamily

      © 2021 FAP
        4,250,295       106