Sức khỏe

Tác hại của rượu: Biết rồi vẫn phải nói!

Không ít người muốn nói lời chia tay với rượu nhưng rất ít trường hợp đạt kết quả

Bia, rượu vang, rượu trắng, rượu “ngoại”… đều chứa cồn, tức là ancol etylic (etanol), rất độc hại cho cơ thể vì nó ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Rượu là nguyên nhân gây tử vong, là một chất kích thích mạnh ngang hàng với heroin về mặt độc hại và lệ thuộc.

Khi rượu vào cơ thể

Etanol có vị nồng, giúp cải thiện tình trạng chán ăn. Khi vào cơ thể qua đường uống, etanol được màng nhầy miệng và thực quản hấp thu một phần nhỏ, phần khác được dạ dày và tá tràng hấp thu, phần lớn còn lại xuyên qua ruột non và lan tỏa đến tất cả bộ phận trong cơ thể.

Cùng uống lượng cồn như nhau nhưng nồng độ cồn trong máu tăng nhanh hơn ở phụ nữ so với nam giới. Cơ thể loại trừ etanol bằng 2 cách:

- Một phần nhỏ etanol được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, sữa mẹ.

- Phần còn lại được biến đổi do ôxy hóa và cho năng lượng. Vì vậy ta hiểu tại sao trong dân gian có kinh nghiệm uống rượu để chống rét. Nhưng đây là sự đánh lừa của cảm giác vì nó chỉ có tác động ngắn hạn. Khi rượu vào cơ thể, các mạch máu ngoại vi giãn ra để đón nhận nhiều máu chảy qua, đồng thời tỏa rất nhiều năng lượng làm cơ thể mất nhiều nhiệt. Vì vậy,  sau khi uống rượu mà đi lại ngoài trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.

Rượu tác hại nhiều nhất đến não bộ Ảnh: Tấn Thạnh
Rượu tác hại nhiều nhất đến não bộ Ảnh: Tấn Thạnh

Độc hại đối với bào thai, cơ thể

Rượu thấm qua nhau thai rất dễ dàng để vào máu của bào thai. Nếu thai phụ uống rượu mạnh thường xuyên có thể gây dị tật bẩm sinh, rối loạn phát triển, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ sau này. Tỉ lệ mắc phải hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai là 0,5-3/1.000. Ảnh hưởng của rượu tác động đến sự phát triển của tất cả các cơ quan. Nguy cơ dị tật do rượu thường nghiêm trọng vào thời kỳ phát triển phôi, hình thành các cơ quan. Hệ thần kinh trung ương được phát triển sớm nhất và kéo dài đến tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Do đó rượu tác hại nhiều nhất đến não bộ.

Mặt khác, về lâu về dài, rượu gây tổn thương ở các bộ phận cơ thể, nhất là ở gan. Rượu là nguyên nhân chính gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Rượu gây ra các rối loạn chức năng liên quan đến hệ tiêu hóa, tim mạch và sinh dục. Rượu còn gây thiếu hụt dưỡng chất, trong đó có sự thiếu hụt vitamin B1 là nguyên nhân gây bệnh ở não (rối loạn vận động, liệt nhãn cầu), có thể rối loạn trí nhớ, tổn thương dây thần kinh ngoại biên, suy tim.

Có thể cai rượu?

Rượu đến não làm tăng quá trình sản xuất dopamin, được diễn ra gián tiếp bởi tác động của 2 hệ tế bào thần kinh: hệ opioid vận dụng endomorphin (chất nội sinh có tính chất tương tự morphin) và hệ cannabinoid (chất nội sinh như hoạt chất của cần sa). Một khi đã nghiện rượu thì rất khó trở lại con đường dùng rượu có chừng mực. Chỉ có một lối thoát duy nhất là cai rượu. Nhưng cai rượu không phải là chuyện dễ dàng vì trong 10 ngày đầu cai nghiện sẽ xuất hiện các triệu chứng lo âu, rối loạn tính tình, ngủ không yên, run rẩy, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp.

Dưới đây là một số loại thuốc bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng:

Các thuốc an thần giải lo như benzodiazepine (seduxen, valium, diazepam) có thể làm giảm các triệu chứng thiếu rượu. Cần uống nhiều nước trong lúc cai rượu vì thận tiếp tục thải một lượng nước tương đương với lượng uống trước khi cai. Nếu uống không được thì dùng dịch chuyền, bổ sung vitamin B1(B-complex) để phòng chống các rối loạn thần kinh.

Có 2 loại thuốc làm giảm sự thèm rượu:

- Acamprosate: Tác động đến hệ thần kinh dẫn truyền GABA. Thời gian dùng thuốc kéo dài cả năm. Lưu ý: Tác dụng phụ của thuốc có thể gây tiêu chảy.

- Naltrexone: Có tác dụng chống lại các dẫn chất  morphin do chính cơ thể sản xuất nhằm cắt bỏ sự thèm rượu. Thuốc này có tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu. Thuốc được kê toa trong 3 tháng.

Gần đây có thuốc ondansetron làm biến đổi nồng độ serotonin. Đối với người dưới 25 tuổi, thuốc giúp giảm bớt lượng rượu cần uống và kéo dài thời gian cai rượu. Ngoài ra, còn có thuốc Disulfiram tạo cảm giác khó chịu khi uống rượu như nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa, nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như hôn mê, rối loạn tim mạch có khi gây tử vong.

Nghiện rượu tàn phá sức khỏe và gây nhiều hệ lụy cho gia đình, cộng đồng, xã hội. . Để có thể cai rượu, cần có ý chí cao, quyết tâm lớn cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế mới mong đạt được mục đích.

Người lao động

      © 2021 FAP
        17,314,108       634