Sức khỏe

Đừng xem nhẹ bữa ăn phụ

Các bữa ăn phụ có thể là dịp tốt để giới thiệu dần những thức ăn mới lạ mà không làm xáo trộn nền nếp ăn uống bình thường

Ăn phụ, ăn nhẹ, ăn vặt là một ý niệm có từ rất lâu. Hỏi quý cô, quý bà hay đi chợ ăn quà thì bữa ăn phụ là những món làm sẵn, ăn được ngay, mình không cần phải làm, có lẽ vì thế mà thấy ngon.

Bữa chính và bữa phụ

Thói quen ăn vặt có lẽ khởi đầu khi chúng ta còn rất nhỏ. Lý do là vì lúc đó người lớn ăn 3 bữa một ngày, còn trẻ con thì phải cần những bữa phụ vì:

- Do nhu cầu tăng trưởng: Trẻ em cho tới tuổi lên 4, lên 5 cảm thấy cần và thích ăn thường xuyên hơn trong ngày.

- Dạ dày của trẻ vẫn chưa thể nào có khả năng dung nạp đến 3 bữa ăn như của người lớn nên chưa sẵn sàng ăn theo cách ăn của người lớn. Lúc đó, nếu để tự nhiên, trẻ có thể ăn trên 5 bữa một cách dễ dàng.

Bữa chính và bữa phụ cùng đóng góp vào khẩu phần ăn hằng ngày Ảnh: TẤN THẠNH
Bữa chính và bữa phụ cùng đóng góp vào khẩu phần ăn hằng ngày Ảnh: TẤN THẠNH

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, người lớn muốn tránh dư cân cũng nên ăn nhiều bữa nhỏ hơn là tập trung vào 3 bữa chính. Chất lượng ăn quan trọng hơn là số lần ăn. Và trên nguyên tắc, số bữa càng nhiều bao nhiêu thì khối lượng mỗi bữa sẽ càng nhỏ đi bấy nhiêu và mỗi lần ăn là một lần tiêu hao năng lượng. Chẳng hạn ở bệnh nhân đái tháo đường, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày hơn là ăn tập trung vào 3 bữa lớn.

Có thể bạn quen với suy nghĩ rằng bữa phụ là bữa ăn thêm nhưng những bữa ăn này là một phần trong toàn bộ khẩu phần ăn nên không thể không ăn, miễn là các bữa ăn phụ không làm giảm khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày và không dùng để thay thế bữa ăn chính. Các bữa ăn phụ có thể là phương tiện tốt để giới thiệu dần dần những thức ăn mới lạ mà không làm xáo trộn nền nếp ăn uống bình thường.

Vai trò không thể thay thế

Các thức ăn cho bữa phụ phải đóng góp cho khẩu phần dinh dưỡng của cả ngày nên đừng phó mặc những thức ăn này cho sự may rủi. Hãy tính toán các bữa phụ và phối hợp các bữa ăn chính, phụ sao cho có thể có những loại thực phẩm khác nhau cho bữa chính và bữa phụ.

Sữa và những thứ đồ uống chế biến từ sữa làm bữa phụ rất tốt khi ta quan tâm đến chất đạm, canxi và nhiều vitamin nhóm B. Loại sữa nên chọn là sữa gầy vì có đủ chất mà không sợ bị  dư cân sổ sữa. Nước ép trái cây tươi cũng rất bổ dưỡng và có nhiều vitamin B, C. Khi mua nước ép trái cây, muốn tốt nhất cho sức khỏe, hãy tránh những loại có thêm đường vì chúng sẽ làm tăng cân (trong trái cây đã có nhiều đường fructose, glucose).

Loại thức ăn thường dùng trong các bữa chính hằng ngày đã trở nên quen thuộc dù bổ dưỡng đến đâu, do đó bữa phụ có vai trò không thể thay thế. Nó không chỉ đa dạng hóa khẩu phần ăn mà còn tạo ra sự khác biệt về khẩu vị làm cho ngon miệng. Ví dụ, sữa rất tốt cho sức khỏe nhưng sáng nào cũng uống nên trẻ em đâm chán, chỉ cần thêm một ít bột ca cao vào là lũ trẻ lại uống thỏa thích. Ngoài ra, thức ăn càng có nhiều chất xơ, chất đạm và nước bao nhiêu thì ăn vào càng no lâu bấy nhiêu.

Bữa ăn chính cũng như bữa phụ dù sao cũng đóng góp vào khẩu phần ăn hằng ngày của chúng ta. Để không vượt quá số năng lượng tích nạp vào cơ thể, người tiêu dùng nên nhớ đọc phần thông tin về dinh dưỡng in ngoài bao bì.

Quà vặt hấp dẫn nhưng cẩn thận!

Khi ra đường, chúng ta thường thấy rất nhiều đồ ăn, thức uống “cám dỗ” không chỉ trẻ em, tập trung nhiều nhất ở trường học và quanh các chợ. Theo một nghiên cứu, những loại quà vặt được nhiều người ưa thích nhất là trái cây (98%), bánh ngọt (83%), kem (84%), nước giải khát - bao gồm nước dừa, nước mía, nước sâm, nước rau má, sinh tố (85%). Xem ra hấp dẫn thật nhưng vấn đề là các loại thực phẩm đó được bảo đảm an toàn như thế nào.

Người lao động

      © 2021 FAP
        17,314,304       603