Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Lerner thuộc Bệnh viện Cleveland ở bang Ohio - Mỹ cung cấp thêm chi tiết về quá trình vi khuẩn trong ruột biến chất dinh dưỡng trong thịt đỏ trở thành một dạng chất chuyển hóa tăng nguy cơ bệnh tim.
Trong nghiên cứu trước đây, TS Stanley Hazen và cộng sự giải thích rằng thịt đỏ làm phát triển chứng xơ vữa hoặc làm hẹp thành mạch máu là do vi khuẩn trong ruột biến chất dinh dưỡng L-carnitine (có nhiều trong thịt đỏ) thành thành phần gọi là trimethylamine. Sau đó, trimethylamine lại biến thành chất chuyển hóa trimethylamine-N-oxit (TMAO) gây chứng xơ vữa. Lần này, trong công trình mới được công bố trên tạp chí Cell Metabolism, các nhà khoa học này xác định thêm một chất chuyển hóa mới gọi là gamma-butyrobetaine - chất khiến cho chứng xơ vữa trầm trọng hơn nhiều.
Qua khảo sát trên chuột, họ phát hiện gamma-butyrobetaine được sản sinh qua trung gian vi khuẩn với tần suất cao gấp 1.000 lần sự hình thành trimethylamine trong ruột. Vi khuẩn giúp sản sinh gamma-butyrobetaine từ L-carnitine khác với các loại vi khuẩn giúp sản sinh trimethylamine từ L-carnitine.
Nhóm nghiên cứu cho rằng việc phát hiện sự chuyển hóa của L-carnitine liên quan tới các dạng vi khuẩn khác nhau theo 2 cách khác nhau mở ra hướng mới để phòng ngữa chứng xơ vữa.