Vào hai tháng cuối năm Âm lịch này, thị trường ô tô chứng kiến một số hãng xe giảm giá bán trong bối cảnh thị trường đang tăng cao.
Điều này khiến không ít người tiêu dùng nghĩ rằng giá ô tô đang giảm theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế là không phải vậy và khó có chuyện giá ô tô sẽ giảm trong năm nay.
Năm nào giảm?
Đơn cử như mới đây nhất là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã công bố thực hiện ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mua xe Kia trước Tết Nguyên đán với mức ưu đãi lên đến 50 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, đại diện của Trường Hải khẳng định đây chỉ là chương trình xúc tiến bán hàng của hãng nhằm thu hút khách hàng có nhu cầu mua ô tô vào dịp cuối năm, chứ không liên quan gì đến việc giảm giá xe theo lộ trình thuế nhập khẩu giảm.
Việc giảm giá xe theo lộ trình thuế nhập khẩu theo một số hãng xe là không thể thực hiện trong năm nay. Bởi lẽ từ đầu năm nay Bộ Tài chính đã công bố lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe trong khu vực ASEAN áp dụng cho từng năm, từ nay đến năm 2018.
Theo đó, có đến hơn 90% trong tổng số gần 10.000 nhóm mặt hàng thuộc diện được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN ngay từ năm 2015 và chỉ 7% nhóm mặt hàng còn lại thuộc diện linh hoạt, được áp dụng mức thuế nhập khẩu giảm có lộ trình xuống 0% vào năm 2018, trong đó có thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Cụ thể, mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 10 chỗ ngồi (nhóm hàng 8703) từ khu vực ASEAN có mức thuế suất thuế nhập khẩu 50% năm 2015, giảm xuống 40% năm 2016, giảm tiếp xuống 30% năm 2017, và giảm xuống 0% vào năm 2018.
Như vậy từ khu vực ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc năm 2015 đối với xe du lịch vẫn giữ ở mức 50%, xe tải, xe bán tải vẫn ở mức 5% như năm 2014 vừa qua. Như vậy giá xe ô tô nhập khẩu từ khu vực này sẽ có khả năng không giảm so với năm 2014 như mong đợi của nhiều người. Đây cũng là nhận định của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong thời gian gần đây.
Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu trên giới phân tích cho rằng Chính phủ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước có thêm thời gian để chuẩn bị khi lộ trình giảm thuế từ khu vực ASEAN phải xuống mức 0% vào năm 2018.
Với lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc như trên nhiều ý kiến cho rằng từ nay đến năm 2017 nhiều hãng xe lắp ráp ô tô cũng có khả năng chống chọi được đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Bởi lẽ theo tính toán của giới phân tích nếu thuế nhập khẩu còn ở mức khoảng 30% trở lên thì xe lắp ráp trong nước vẫn có thể cạnh tranh được về giá so với xe nguyên chiếc nhập khẩu, vì thuế nhập khẩu linh kiện ô tô hiện nay thấp hơn nhiều. Do đó, con đường mà các liên doanh, hãng xe lựa chọn vẫn không có thay đổi nhiều trong thời gian này.
Do ít bị sức ép cạnh tranh đối với xe nhập khẩu nên một số hãng lắp ráp xe trong nước hiện nay vẫn "sống khỏe" và những hãng này ung dung lắp ráp những dòng xe mà thị trường còn tiêu thụ tốt.
Thực tế, những năm qua, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã được giảm dần và mức giảm thể hiện rõ nhất và được xem có sức ảnh hưởng lớn đối với thị trường ô tô trong nước là vào năm 2014.
Theo lộ trình gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam từ đầu năm 2014 đã giảm xuống còn 50% so với mức 60% của năm 2013. Khi đó nhiều người tiêu dùng kỳ vọng xe ô tô trong nước sẽ phải giảm theo để cạnh tranh. Với mức giảm 10 điểm % thuế nhập khẩu so với năm ngoái, nhiều người có ý định mua xe kỳ vọng từ đầu năm nay giá xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ giảm so với trước đây.
Tuy nhiên, tình hình trên thị trường gần như không thay đổi, thậm chí một số ít mẫu xe nhập khẩu có giá bán còn cao hơn; nhất là những dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ mà một số liên doanh lắp ráp xe trong nước chưa sản xuất hoặc ngưng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu từ nhà máy ở Thái Lan và Indonesia.
Các nhà nhập khẩu các dòng xe phổ thông cũng xác nhận giá bán ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ở một số nước từ khu vực ASEAN từ đầu năm đến nay không giảm tương ứng theo mức thuế so với trước đây.
Theo giới phân tích, các hãng xe, liên doanh ô tô hiện nay vừa là nhà sản xuất nhưng đồng thời là nhà nhập khẩu. Như vậy, chắc chắn các hãng xe không thể tạo điều kiện thuận lợi để mẫu xe cùng phân khúc của chính mình lắp ráp trong nước bị gặp khó khăn về tiêu thụ so với xe nhập khẩu về. Xem ra kỳ vọng giá ô tô giảm của người tiêu dùng phải đợi đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0%.
Thuế tiêu thụ đặc biệt có là lực cản?
Với đề xuất về thuế tiêu thụ ô tô của Bộ Công thương thì những dòng xe đắt tiền như Porsche sẽ đội giá cao chót vót - Ảnh minh họa: Hùng Lê
Liên quan tới thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) đánh lên mặt hàng ô tô năm nay, VAMA cho rằng biểu thuế hiện hành vẫn còn hiệu lực và không đổi. Bởi lẽ Quốc hội vừa thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong kỳ họp thứ 8 vừa qua. Trong luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực từ 1-1-2016, mức thuế đánh lên ô tô là không đổi. Trong khi đó, các kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hiện chưa được Bộ Tài chính chấp nhận.
Từ những căn cứ trên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khẳng định rất ít có khả năng các chính sách có tác động giảm giá ô tô vào năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đang nghiên cứu đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, nếu áp dụng sẽ có khả năng ảnh hưởng đến giá xe sẽ cao hay thấp, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đối với với người mua.
Cụ thể sau khi Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 7 rồi, Bộ Công Thương đang nghiên cứu các chính sách ưu đãi cụ thể để phát triển các dòng xe ưu tiên. Trong đó, các phương án về thuế, phí, tín dụng... được coi là yếu tố then chốt nhất trong bối cảnh chỉ còn 3 năm nữa, thuế nhập khẩu xe trong ASEAN về 0%.
Theo một trong các phương án đang được Bộ này tính toán, thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô con dự kiến sẽ tăng cao kỷ lục đối với những dòng xe đắt tiền, có dung tích xi lanh lớn. Trong đó, kỷ lục áp thuế cao nhất thuộc về các siêu xe có dung tích trên 6.0 lít, bởi mức thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này sẽ là 195%, tăng tới 135 điểm % so với mức thuế hiện nay.
Ngược lại, những dòng xe có dung tích nhỏ được áp thuế suất thấp, như xe dung tích dưới 1.5 lít, sẽ chỉ áp thuế 30%, giảm 15 điểm % so với mức hiện nay. Xe có dung tích từ trên 1.5-2.0, thuế suất có thể giữ nguyên là 45%. Việc đề xuất mức thuế này được hiểu Bộ Công Thương đang theo định hướng phát triển ô tô con của Chính phủ đến năm 2020 là ưu tiên các dòng xe cá nhân có kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng và giá rẻ.
Như vậy, các dòng xe còn lại theo đề xuất là không thuộc diện ưu tiên thì cần tăng thuế, gồm các loại xe trên 2.0 lít, xe tiêu hao nhiên liệu nhiều, không thân thiện môi trường, giá đắt đỏ...
Nếu áp dụng theo đề xuất này thì giá xe thuộc các dòng đắt tiền, cao cấp sẽ bị đội giá rất nhiều và có dòng xe có thể tăng lên gấp đôi so với mức giá hiện tại.
Tuy biểu thuế này vẫn đang trong giai đoạn thảo luận, nghiên cứu của Bộ Công thương nhưng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà kinh doanh ô tô đắt tiền nhập khẩu và một số người tiêu dùng.
Theo một chuyên gia trong ngành, đề xuất này khó khả thi. Bởi vì đánh thuế cao quá thì sẽ không ai mua xe. Như thế, Nhà nước cũng không thu được thêm đồng thuế nào.
Cũng theo vị này ý nghĩa của tăng mạnh thuế đối với xe dung tích trên 3.0 lít nhằm giảm nhập siêu, tăng thu ngân sách là không lớn. Thực tế thị phần phân khúc xe này quá bé. Chưa kể, không ai nhập xe thì đến lúc đó, tưởng là tăng thu, cuối cùng lại thất thu ngân sách. Trong khi mục đích của Bộ Công Thương là muốn bù đắp lại phần giảm thu do giảm thuế đối với các dòng xe từ ASEAN tràn vào trong năm 2018, năm áp thuế 0%.
Mặt khác, đề xuất này là đi ngược lại với định hướng ổn định chính sách như Quy hoạch phát triển ngành ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt đó là chính sách phải ổn định trong 10 năm.
Xe ô tô, thuế nhập khẩu, thị trường ô tô, ô tô nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, ô tô Việt Nam, mua ô tô, khách hàng mua xe, ô tô đắt tiền, xe du lịc