Muốn đưa tỉ lệ nợ xấu về 3%, các ngân hàng thương mại sẽ phải xử lý khoảng 150.000 tỉ đồng, trong đó các tổ chức tín dụng phải tự xử lý từ 50.000-60.000 tỉ đồng bằng cách trích lập dự phòng rủi ro
Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng (NH) Nhà nước đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm nay phải đưa tỉ lệ nợ xấu về 3%, gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Cần thêm tiềm lực cho VAMC
Để xử lý nợ xấu nhanh hơn, Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước nghiên cứu, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu; tăng cường tiềm lực tài chính và nâng cao năng lực của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) như: áp dụng mua bán nợ theo cơ chế thị trường; tăng cường thanh tra, giám sát nợ xấu, chất lượng tín dụng và thực hiện việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro…
Tại cuộc họp báo thường kỳ của NH Nhà nước tháng 12-2014, lãnh đạo VAMC cho biết trong năm 2014, VAMC đã mua được 123.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó đã xử lý hơn 4.000 tỉ đồng, gồm: xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ - tập trung chủ yếu cho các khoản mua nợ từ năm 2013. Ngoài việc hỗ trợ giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC cũng hỗ trợ cho khách hàng của các NH, hỗ trợ điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ. Bản thân các NH thương mại phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, do đó lợi nhuận của hệ thống NH cũng giảm. Trong quá trình cấp tín dụng mới, các NH cũng thận trọng hơn nhằm tránh phát sinh nợ xấu mới.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho rằng việc xử lý nợ xấu của VAMC vừa qua đã giúp các NH thương mại thanh thoát hơn, bớt áp lực hơn trên bảng cân đối, báo cáo tài chính… Với VAMC, khi đã mua được nhiều nợ xấu và hàng tồn kho lớn, dù muốn hay không, đơn vị này cũng phải tìm đầu ra. Dưới góc độ thị trường, một số dự án VAMC rất hiệu quả, một số dự án mua giá rất tốt. Khi lượng tồn kho của VAMC đủ lớn sẽ thu hút vốn đầu tư đổ vào, giúp việc xử lý nợ xấu thuận lợi hơn trong năm nay.
Tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro
Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là phải kéo tỉ lệ nợ xấu về 3% trong năm 2015. Nếu tính theo quy định của Thông tư 02 và Thông tư 36, nợ xấu hệ thống NH cần phải xử lý khoảng gần 300.000 tỉ đồng. Muốn đưa tỉ lệ nợ xấu về 3%, các NH thương mại sẽ phải xử lý khoảng 150.000 tỉ đồng, trong đó các tổ chức tín dụng phải tự xử lý từ 50.000-60.000 tỉ đồng bằng cách trích lập dự phòng rủi ro. “Trong bối cảnh các biện pháp bán tài sản mất nhiều thời gian, thi hành án kéo dài có khi 2-3 năm thì giải pháp chủ yếu của NH thương mại vẫn là dùng lợi nhuận để xử lý nợ xấu nên khả năng lợi nhuận của ngành NH năm sau dự kiến sẽ không cao” - ông Thanh nhận xét.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết quá trình xử lý nợ xấu hiện nay chưa đạt như mong đợi, làm cho quá trình phục hồi kinh tế chậm theo. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn lực, năng lực và quyền lực của VAMC còn hạn chế; đồng thời, việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, khuôn khổ pháp lý xử lý tài sản bảo đảm... chưa rõ ràng.