Euro 2016

Liên minh thẻ có tăng hiệu quả?

Sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam sẽ giúp xây dựng trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, giảm sự đầu tư chồng chéo lãng phí và kỳ vọng đem lại lợi ích nhiều hơn cho chủ thẻ

Công ty CP Chuyển mạch Tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink đã ký kết hợp đồng sáp nhập thành một công ty. Theo đó, công ty mới sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2015. Đây là một trong những hành động triển khai đề án xây dựng trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, được Ngân hàng (NH) Nhà nước chỉ đạo trước đây.

Giảm chồng chéo, lãng phí

Cột mốc quan trọng để hoàn tất vụ sáp nhập này là ngày 22-12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2327/QĐ-TTg chấp thuận cho hưởng miễn trừ tập trung kinh tế sau sáp nhập đối với Banknetvn và Smartlink trong vòng 5 năm và tự động gia hạn sau mỗi 5 năm nếu các bên tham gia không vi phạm. Sau sáp nhập, công ty mới sẽ có điều kiện tạo dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và đem lại lợi ích cho khách hàng…

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Banknetvn, cho biết nếu trước đây khách hàng muốn giao dịch trên máy ATM phải tìm đúng NH thương mại trong liên minh thẻ, sau sáp nhập sẽ hợp nhất về mặt kỹ thuật nên giảm được nhiều chi phí, đồng thời khách hàng có thể giao dịch ở tất cả máy ATM nằm trong liên minh mới. “Trước đây, 2 liên minh, 2 tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau nên đôi khi chất lượng không bảo đảm, nay thống nhất một hệ thống chuyển mạch thẻ, chất lượng sẽ tốt hơn” - ông Dũng nói.

Sau khi liên minh thẻ ra đời, liệu các chủ thẻ và ngân hàng có giảm được phí? (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Sau khi liên minh thẻ ra đời, liệu các chủ thẻ và ngân hàng có giảm được phí? (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy

Một mục đích tiện lợi khác là các NH thương mại có thể tối ưu hóa hệ thống máy ATM và máy cà thẻ (POS). Cùng một điểm, trước đây phải đầu tư nhiều POS, ATM của nhiều NH thì nay chỉ cần đặt 1 máy POS là có thể thanh toán thẻ của nhiều NH khác nhau, vừa tránh sự chồng chéo lên nhau vừa giảm  lãng phí lại tăng hiệu quả. Do chủ thẻ có thể sử dụng máy ATM trong cùng một liên minh thống nhất nên số lượng máy ATM có thể giảm đi, tiết kiệm nhiều vốn đầu tư.

Theo NH Nhà nước, việc sáp nhập 2 công ty trên nằm trong xu thế phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tập trung của các nước trên thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam. Khách hàng được giao dịch thuận tiện, giảm thiểu sai sót và gian lận khi thanh toán qua thẻ…

Mức phí có cao hơn?

Nhiều NH thương mại nhìn nhận đây là một thương vụ đem lại lợi ích cho cả NH và khách hàng. Nhưng vấn đề được dư luận đặt ra là sau khi hợp nhất, liên minh thẻ này sẽ áp dụng mức phí thu như thế nào với chủ thẻ và NH thương mại? Liệu có lạm dụng vị trí độc quyền (thay vì trước đây 2 liên minh thẻ cạnh tranh) để tăng phí dẫn đến không nâng cao chất lượng dịch vụ, thậm chí không hiệu quả…?

Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng chi phí của liên minh sau hợp nhất sẽ hợp lý hơn bởi trước đây 2 công ty phải duy trì 2 hệ thống, 2 nguồn lực nên chi phí bỏ ra là không nhỏ, nay quy về một mối nên chỉ đầu tư một hệ thống, giúp tiết kiệm nhiều chi phí.

Bản thân NH thương mại trước đây phải kết nối với từng liên minh, tốn phí 2 lần thì nay có thể giảm được một nửa… “Chúng tôi sẽ bảo đảm không ảnh hưởng tới dịch vụ của khách hàng, chủ thẻ, để quá trình chuyển đổi diễn ra thông suốt, không làm gián đoạn hoạt động của NH” - ông Dũng nói.

Được biết, sau sáp nhập, NH Nhà nước sẽ chiếm cổ phần lớn nhất nên mục tiêu hoạt động của liên minh này là vì lợi ích quốc gia và người dùng. Ngay việc quản lý phí sẽ tuân thủ quy định của NH Nhà nước và các cơ quan nhà nước luôn giám sát hoạt động của công ty để bảo đảm lợi ích cho khách hàng.

Người lao động

Thủ tướng Chính phủ, Phát triển kinh tế, Chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật, lợi ích quốc gia, NH Nhà nước, hệ thống thanh toán, liên minh thẻ


      © 2021 FAP
        150,549       671