Rất có thể TP HCM sẽ áp dụng chế độ "hạn ngạch" sở hữu ô tô cá nhân như cách Singapore đang thực hiện, theo một đề xuất vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đệ trình cho chính quyền TP.
Theo đề xuất này, Sở GTVT mong muốn UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng các biện pháp hạn chế xe cá nhân (chủ yếu là ô tô con) nhằm phát triển hợp lý các loại xe trên địa bàn TP.
Muốn sở hữu xe phải đấu giá?
Trong các ý kiến đề xuất đó đáng chú ý là việc chỉ cấp phép hoạt động cho một số lượng xe giới hạn hàng năm phù hợp với điều kiện đường sá, và những ai muốn sở hữu xe thì phải đấu giá.
Hầu hết các biện pháp mà ngành giao thông TP đề xuất chủ yếu là các biện pháp kinh tế nhắm vào xe ô tô con cá nhân, đặc biệt là các giải pháp tăng thuế, phí như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ, tăng phí đăng ký với các loại xe cá nhân mới, thu phí môi trường...
Có lẽ gây tranh luận nhiều nhất trong đề xuất này là việc chỉ cấp một số lượng xe giới hạn hàng năm ("hạn ngạch"); theo đó, người dân muốn sử dụng xe sẽ phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền đi xe ra đường. Ở khu vực nội đô các thành phố lớn, người muốn sở hữu ô tô con còn phải chứng minh có chỗ đỗ xe.
Sở GTVT TP cũng kiến nghị các biện pháp như đánh thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe lũy tiến theo thời gian có nghĩa là càng đi nhiều càng trả tiền nhiều.
Theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, TP sẽ có khoảng 2,8 đến 3 triệu ô tô, trong đó xe ô tô con chiếm 50%. Do vậy, sở này kiến nghị cần xem xét đưa ra hạn ngạch để hạn chế số ô tô bán ra và đi đăng ký.
Ngoài việc đề xuất hạn chế xe ô tô con cá nhân, Sở GTVT TP cũng kiến nghị áp dụng niên hạn sử dụng đối với xe máy.
Chuyên gia: Người dân đi bằng gì?
Nhận định về giải pháp này, đa phần các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn hiện nay việc hạn chế xe ô tô cá nhân là chưa phù hợp.
Trao đổi với TBKTSG Online, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện quy Quy hoạch và quản lý giao thông, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết, việc hạn chế xe ô tô cá nhân ở các đô thị lớn là việc cần phải làm, song ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
“Hiện nay, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, người đi xe không có phương tiện thay thế, do vậy nếu hạn chế xe ô tô cá nhân thì người dân đi bằng gì? Hơn nữa, số ô tô con lưu thông trên đường còn ít hơn lượng xe taxi và xe của các cơ quan” - ông nói.
Còn chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, đề xuất này của Sở GTVT TP áp dụng giống mô hình của Singapore. Tuy nhiên, ở Singapore giao thông công cộng rất hoàn chỉnh từ mạng lưới xe buýt đến metro nên người dân sẵn sàng bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng.
Còn ở TP HCM hiện nay mới chỉ có xe buýt, trong khi phương tiện này chưa thu hút được người dân do đi không đúng giờ, chờ đợi lâu. Còn việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm thì chưa biết khi nào mới hoàn thành. Do vậy, giải pháp hạn chế xe ô tô con cá nhân là không khả thi và việc áp dụng nguyên mô hình của nước ngoài vào đô thị của Việt Nam sẽ không phù hợp.
Theo ông Sanh, nếu như phải đấu giá để có quyền đi xe thì phải đấu giá hết, kể các xe của các cơ quan nhà nước, còn nếu chỉ đấu giá xe của người dân là không hợp lý và không công bằng. Nếu như hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được mà vẫn áp dụng biện pháp này sẽ khiến giao thông bị rối.
“Thông thường ở các nước nhu cầu giao thông giữa cung và cầu phải cân bằng để đảm bảo cả lực kéo và lực đẩy, khi đã có lực kéo tốt có nghĩa là xe công cộng tốt thì mới đẩy mạnh hạn chế xe cá nhân” - ông Sanh nói.
Xe ô tô, Tàu điện ngầm, giao thông vận tải, giao thông công cộng, thuế tiêu thụ đặc biệt, xe ô tô con, vận tải hành khách, Phí trước bạ, phí môi trườn