Euro 2016

Hàng ngàn tấn thịt trâu nhập về mỗi tháng

Dù có tới hàng ngàn tấn thịt trâu nhập về Việt Nam mỗi tháng nhưng khi tiêu thụ, mặt hàng này đã trở thành thịt… bò.

Nhập với số lượng lớn

Phó giáo sư Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay thịt trâu từ Ấn Độ nhập về Việt Nam liên tục tăng mạnh. Trong số đó, có một số lượng đáng kể xuất đi Trung Quốc, còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Do có bề ngoài khá giống với thịt bò nên khi mặt hàng này ra đến thị trường đã trở thành thịt bò với mức giá chênh lệch rất lớn với giá nhập khẩu.

Có trong tay bản số liệu nhập khẩu thịt trâu bò trong tháng 10 của cơ quan hải quan, với những nhà nhập khẩu thịt trâu đông lạnh lớn như: Trí Đức, Thiên Bút, Lục Thủy, Đông Phương… có thể thấy các cửa khẩu mà mặt hàng tập trung về là Đình Vũ (Hải Phòng) Tân Cảng Cát Lát, ICD Phước Long (quận 9).

Thịt trâu nhập khẩu dưới nhiều dạng khác nhau: đông lạnh không xương, nạm cắt lát, thịt nạc vai… Đối với các doanh nghiệp phía Bắc, mặt hàng này được khai báo chủ yếu dưới dạng hàng tạm nhập, còn tại các cảng phía Nam, mặt hàng này được khai mục đích kinh doanh.

Nguồn nhập chủ yếu là từ nhà cung cấp Allanasons (Ấn Độ). Giá trung bình mà các doanh nghiệp nhập về khoảng 3-4 USD/kg (tương đương 60.000-85.000 đồng/kg), nhiều loại giá chỉ có khoảng 1,58 USD/kg (hơn 30.000 đồng/kg). Đa phần các lô hàng thịt trâu nhập về không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Nhiều lần xác nhận với báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm thú y vùng VI, cho biết tất cả nguồn thịt trâu từ Ấn Độ về đều được kiểm soát, kiểm dịch kỹ trước khi thông quan.

Hàng ngàn tấn thịt trâu nhập về mỗi tháng

Dùng thế thịt bò

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một lượng lớn thịt trâu được nhập về tiêu thụ tại thị trường TP HCM, qua một số nhà phân phối thịt trâu đông lạnh lớn như Trâm Anh, Việt Ấn, Phạm Gia… Thịt bán thường có kích cỡ từ 1,8-1,2 kg/miếng, đóng gói trong túi nhựa PE. Thường tập trung vào một số loại chính là thịt cổ, vai, mông, bắp.

Nhiều nhà phân phối mặt hàng này giới thiệu thịt trâu đang rất được ưa chuộng ở các nhà hàng, quán nhậu bởi hương vị và tính mát, bổ và đặc biệt thuộc nhóm “ông ăn bà khen”. Hầu hết các nhà phân phối thịt trâu tươi, thịt trâu đông lạnh đều tập trung tại quận Bình Tân, số ít tại quận Gò Vấp… và thường hướng tới khách hàng mua với số lượng lớn.

Người viết trong vai người mua lẻ thịt trâu về tiêu thụ trong gia đình, những điểm bán tỏ ra không mấy mặn mà và cho biết, chủ yếu bán cho đầu mối quán ăn, nhà hàng hay cho các mối bán lại cho các điểm bán lẻ khác. Nhiều đơn vị còn từ chối với lý do “tưởng mua về làm quán…”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua thịt trâu về để làm thực phẩm cho quán ăn, và thắc mắc có thể dùng làm nguyên liệu thay thế cho các món làm từ thịt bò được không, nhân viên kinh doanh của Công ty V.A. (quận Bình Tân), cho biết đa phần khách hàng mua của công ty về đều dùng để thay thế thịt bò. “Mặc dù công ty chỉ bán đúng thịt trâu, còn khách hàng sử dụng như thế nào, hay cung cấp cho khách hàng khác với danh nghĩa là thịt bò hay không thì tùy…” - nhân viên này cho hay.

Khảo giá tại các điểm bán thịt trâu, mặt hàng này có mức giá khá “hấp dẫn” nạc đùi 105.000 đồng/kg, nạm bụng 95.000-96.000 đồng/kg, cổ từ 95.000-99.000 đồng/kg, riêng thịt bắp cao hơn, giá từ 120.000-130.000 đồng/kg.

Theo một số nhân viên bán hàng, thịt trâu sau khi rã đông có thể dùng như thịt bò vì khi đến tay người tiêu dùng đều đã được chế biến, khách hàng khó có thể nhận biết về hình dạng, màu sắc, trong khi mùi vị thì có thể dùng các loại gia vị để khỏa lấp.

Theo tính toán, nếu sử dụng thịt trâu, ngay cả loại ngon cũng chỉ có giá trung bình 110.000 -120.000 đồng/kg, làm bit tết có thể được từ bảy - chín phần, giá thành chỉ bằng một nửa so với sử dụng thịt bò (hiện có giá dao động từ 200.000-220.000 đồng/kg). Điều này là nguyên nhân khiến nhiều nhà phân phối thịt trâu khẳng định rất nhiều nhà hàng, quán ăn chuộng dùng thịt trâu để thay thế thịt bò.

Thịt bán ở một số chợ, hàng quán là trâu hay bò - rất khó biết - Ảnh: Phùng Huy

Thịt bán ở một số chợ, hàng quán là trâu hay bò - rất khó biết - Ảnh: Phùng Huy

Theo PGS Nguyễn Đăng Vang, trước giờ thịt trâu từ Ấn Độ được nhập về nhiều do người dân bản địa không ăn. Giá thịt trâu thấp hơn so với thịt bò, trước đây nhiều đơn vị nhập về song lại xuất đi Trung Quốc, nay có thể nhu cầu trong nước tăng lên.

PGS Vang cho rằng chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng trong thịt trâu so sánh với thịt bò, nhưng đã có tình trạng người Nhật chấp nhận trả tiền nhiều hơn để mua được thịt trâu non, đúng tuổi. Tuy vậy, việc thịt trâu nhập ồ ạt về hiện nay không tránh khỏi thịt trâu già, độ dai thịt cao, hệ số tiêu hóa thấp đi, giá trị dinh dưỡng thấp, vậy nên người tiêu dùng bị “móc túi” mà không thể biết được.

Theo PGS Vang, trâu, bò thịt đúng tuổi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thịt, thực tế thấy rõ nhất với bò Úc hiện nay, giả sử con bò nhập khẩu về tám tuổi (96 tháng) chỉ hơn 2 USD/kg (cân hơi), nhưng bò non khoảng 24 tháng tuổi tới 3,5 USD/kg.

Ngoài ra, ông Vang cũng lo ngại, những loại thịt nhập về ban đầu giá rẻ nhưng sẽ tăng dần khi nhu cầu tăng cao, chẳng hạn với bò Úc năm ngoái, trung bình 2,3 USD/kg hơi, năm nay lên trung bình 3 - 3,1 USD.

Người lao động

người tiêu dùng, nhà phân phối, nhân viên bán hàng, bò nhập khẩu, Hiệp hội chăn nuôi, thịt trâu, trâu bò, giá thị trâu, giá thịt bò, thịt bò


      © 2021 FAP
        150,550       676